Thể chế hóa đầy đủ chủ trương, chính sách về thị trường bất động sản

NDO - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh sự cần thiết phải rà soát toàn bộ Dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) trên cơ sở nắm rõ các nguyên tắc, quan điểm chính khi xây dựng dự thảo, nhằm thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển thị trường bất động sản.
0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ - đại biểu Quốc hội đoàn thành phố Hải Phòng phát biểu thảo luận tại Tổ 4. (Ảnh: DUY LINH)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ - đại biểu Quốc hội đoàn thành phố Hải Phòng phát biểu thảo luận tại Tổ 4. (Ảnh: DUY LINH)

Vì sao phải quản lý chặt thị trường bất động sản?

Chiều 19/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, ngay sau khi làm việc tại hội trường, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).

Phát biểu thảo luận tại Tổ 4, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ - đại biểu Quốc hội đoàn thành phố Hải Phòng cho biết, đây là lần đầu tiên Quốc hội cho ý kiến về dự án luật này. Do đó, điều quan trọng là cần phải nắm chắc nguyên tắc, quan điểm, chính sách khi thiết kế dự án luật.

Hiện các phân khúc trong cơ cấu thị trường bất động sản không hợp lý trong phạm vi toàn quốc và từng địa phương.

Về các vấn đề lớn liên quan, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ cần phải rà soát toàn bộ dự án luật này để thể chế hóa được đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta về thị trường bất động sản.

Theo Chủ tịch Quốc hội, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng có nêu nhiệm vụ cơ cấu lại thị trường bất động sản để đất đai, tài nguyên được sử dụng hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả cao, song hiện nay việc cơ cấu lại cũng có những vấn đề, chưa thực sự hợp lý và còn bất cập.

Theo Chủ tịch Quốc hội, hiện các phân khúc trong cơ cấu thị trường bất động sản không hợp lý trong phạm vi toàn quốc và từng địa phương. “Phân khúc cao cấp thì quá nhiều. Nhà ở xã hội thì bây giờ mới coi trọng, chưa có chính sách đột phá, cần có chính sách để điều tiết, cơ cấu lại thị trường”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Thể chế hóa đầy đủ chủ trương, chính sách về thị trường bất động sản ảnh 1

Quang cảnh thảo luận tại Tổ 4. (Ảnh: DUY LINH)

Do vậy, dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) này được xây dựng để thể chế hóa việc cơ cấu lại thị trường, cũng như phát triển và quản lý chặt chẽ thị trường bất động sản.

“Ở đây có 2 vế: Vừa phải tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thị trường phát triển, đồng thời cũng phải quản lý chặt chẽ thị trường bất động sản, bởi thị trường này vừa có tính chất quan trọng và cũng có rủi ro”, Chủ tịch Quốc hội phân tích, đồng thời lý giải vì sao phải quản lý chặt chẽ thị trường bất động sản.

Theo Chủ tịch Quốc hội, hiện nay thị trường bất động sản có lúc nói “đóng băng”, có lúc nói thị trường bất động sản có dấu hiệu “bong bóng”, có lúc thì phát triển “nóng”... “Vậy ban hành luật mới có phát huy kết quả đã đạt được không và có góp phần tháo gỡ vướng mắc để thị trường phát triển lành mạnh, lâu dài được hay không? Trả lời được câu hỏi đó rất quan trọng”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Bên cạnh đó, một vấn đề cũng được Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ đó là dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) này giao thoa với rất nhiều luật khác, nhất là Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở…

Do đó, cần phải rà soát kỹ để tránh xung đột giữa các luật, đồng thời trên cơ sở đánh giá, tổng kết gần 10 năm thực hiện luật Kinh doanh bất động sản hiện hành để điều chỉnh về lâu dài.

Quy hoạch và kế hoạch là mấu chốt trong điều tiết thị trường

Thể chế hóa đầy đủ chủ trương, chính sách về thị trường bất động sản ảnh 2

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. (Ảnh: DUY LINH)

Một quan điểm nữa theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cần phải quán triệt trong quá trình xây dựng dự án luật này, đó là phải hiểu rõ được công cụ điều tiết của thị trường bất động sản chính là quy hoạch và kế hoạch.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, nếu phát triển thị trường bất động sản quá nhanh, không khớp với đô thị hóa sẽ dẫn đến tình trạng thiếu trầm trọng các thiết chế văn hóa, xã hội, trong đó có vấn đề nhà ở, và cũng có thể làm ảnh hưởng đến ổn định, trật tự an toàn xã hội, hoặc sẽ dẫn đến tình trạng xuất hiện các “thành phố ma”, “thị trấn ma” với những dãy nhà không có người ở trong các khu đô thị.

“Cho nên trong dự án luật này phải có công cụ để điều tiết, theo tôi công cụ quan trọng nhất chính là quy hoạch và kế hoạch”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Đi sâu phân tích vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần phải điều tiết cả trục thời gian trong các quy hoạch.

“Quy hoạch bấy nhiêu đất đô thị, dự án bất động sản nhưng trong cùng thời gian mà tung ra nhiều dự án thì lại dẫn đến thừa cung. Ngược lại, ít cung quá thì lại đẩy giá lên cao”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh và cho rằng, trong vấn đề này, điều phối của Nhà nước là rất quan trọng, cả ở cấp Trung ương lẫn địa phương, trong đó đứng đầu là trách nhiệm của Bộ Xây dựng.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng vấn đề quy hoạch, kế hoạch, thủ tục cấp phép cho các dự án về kinh doanh bất động sản và các dữ liệu, quy định liên quan cần phải được tích hợp trong một cổng thông tin quốc gia để tất cả những người quan tâm có thể tiếp cận một cách công khai.

Nêu rõ dự án luật này liên quan đến cấp phép về hệ thống đăng ký, về kinh doanh bất động sản, Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh việc cần thiết phải quy định chặt chẽ đối tượng nào được tham gia kinh doanh, bảo đảm các điều kiện này phù hợp với thực tiễn.

“Nếu quy định chặt chẽ quá thì lại ít người tham gia, nhưng cũng không thể buông lỏng quản lý. Phát triển thị trường lành mạnh phải đặt trong yêu cầu về tính chuyên nghiệp của ngành nghề kinh doanh bất động sản”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.