Theo quy định, hạn mức đất ở tại huyện Sóc Sơn là 400m2 đối với một hộ gia đình, cá nhân tại các xã trung du và 300m2 đối với một hộ gia đình, cá nhân tại các xã đồng bằng. Tuy nhiên, theo số liệu rà soát, tổng hợp của ủy ban nhân dân các xã trên địa bàn huyện Sóc Sơn, khoảng 12.000 sổ đỏ đã được cấp vượt hạn mức theo quy định, trong đó nhiều trường hợp cấp 2.000m2 đất ở, vượt năm lần hạn mức đất ở.
Sau khi được cấp sổ đỏ, nhiều người dân đã chia tách sổ đỏ tặng cho các con hoặc chuyển nhượng một phần đất ở. Nhiều trường hợp lại tiếp tục chuyển nhượng sổ đỏ cho người khác. Ðến khi sổ đỏ cấp sai hạn mức đất ở bị “vô hiệu”, các quyền lợi của người sử dụng đất, như tặng cho, chia tách, chuyển nhượng, thế chấp ngân hàng để vay tiền… cũng bị dừng lại, khiến người dân bức xúc.
Bà Hoàng Thị Mai, người dân thôn 2, xã Hồng Kỳ, huyện Sóc Sơn cho biết, nhiều người dân sau khi được cấp sổ đỏ đã chia tách, tặng đất cho các con. Sau đó, các con xây dựng nhà cửa, sinh sống ổn định, nhưng khi giải phóng mặt bằng thực hiện dự án di dân vùng ảnh hưởng môi trường Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, nhiều người không được bố trí tái định cư do liên quan sổ đỏ cấp vượt hạn mức đất ở, gây thiệt thòi cho người dân. Người dân đề nghị thành phố có chính sách đặc thù, quan tâm đến người dân sinh sống trong vùng ảnh hưởng môi trường bãi rác và mong muốn được đền bù theo sổ đỏ đã cấp; đồng thời làm rõ sai phạm, xử lý tập thể, cá nhân làm sai.
Theo số liệu của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sóc Sơn, địa bàn huyện có khoảng 12.000 sổ đỏ đã cấp vượt hạn mức đất ở, trong đó giai đoạn 1993-2000 cấp khoảng 3.000 trường hợp, giai đoạn 2005-2012 cấp khoảng 9.000 trường hợp. Các sổ đỏ này đều không có giấy tờ theo quy định của Luật Ðất đai năm 1993, Luật Ðất đai năm 2013, nhưng có thời điểm sử dụng đất trước năm 1980.
Sau khi được chính quyền vận động, có hơn 1.000 trường hợp đã tự nguyện nộp lại sổ đỏ để điều chỉnh hạn mức đất ở, còn khoảng 11.000 sổ đỏ chưa được xử lý. Quyền Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sóc Sơn Nguyễn Văn Toàn cho biết, các sổ đỏ cấp vượt hạn mức đã gây nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý đất đai, nhất là khi giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án. Bởi, nếu bồi thường theo hạn mức ghi trên sổ đỏ là không đúng quy định pháp luật, nhưng nếu bồi thường theo hạn mức đất ở theo quy định thì người dân không đồng thuận và không phối hợp thực hiện.
Phòng Tài nguyên và Môi trường đề xuất, trên cơ sở tổng hợp, báo cáo của huyện, Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường cho phép huyện được truy thu nghĩa vụ tài chính theo quy định đối với phần diện tích đã được công nhận vượt hạn mức đất ở.
Mới đây, tại hội nghị tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV của đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội tại huyện Sóc Sơn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội Nguyễn Huy Cường cho biết: Thanh tra Chính phủ đã có kết luận liên quan 127 trường hợp cấp giấy chứng nhận vượt hạn mức đất ở tại huyện Sóc Sơn theo quy định của luật. Ðến nay, huyện rà soát, tổng hợp hơn 10.000 trường hợp cấp vượt hạn mức đất ở.
Theo quy định của pháp luật, việc cấp giấy chứng nhận do cấp huyện thực hiện. Vì thế, huyện cần phân loại, giao cơ quan thanh tra của huyện tiến hành thanh tra từng đợt, bởi mỗi thửa đất có bối cảnh khác nhau, không thể có được cơ chế chung để giải quyết tất cả các trường hợp, để sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan việc cấp sổ đỏ vượt hạn mức đất ở cho người dân.