Quang cảnh Hà Nội từ trên cao. (Ảnh minh họa: THÀNH ĐẠT)
Quang cảnh Hà Nội từ trên cao. (Ảnh minh họa: THÀNH ĐẠT)

Tháo gỡ “điểm nghẽn của điểm nghẽn” để thúc đẩy phát triển bền vững

NDO - Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu bật ba "điểm nghẽn" lớn hiện nay của đất nước, bao gồm thể chế, hạ tầng và nhân lực, trong đó thể chế được xem là "điểm nghẽn của điểm nghẽn". Đây chính là vấn đề cần được giải quyết hàng đầu nhằm tạo động lực mạnh mẽ, đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững.

Hoàn thiện pháp luật là công việc thường xuyên, liên tục

Đổi mới tư duy lập pháp và khắc phục chồng chéo trong quy định pháp luật được đánh giá là yếu tố then chốt để khơi thông nguồn lực, đưa xã hội tiến bộ.

Trao đổi với phóng viên bên lề kỳ họp, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Thịnh (Đoàn Bắc Giang), Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh sự cần thiết của việc cải cách mạnh mẽ tư duy lập pháp, hướng tới tính khả thi, hiệu quả cao trong thực thi.

Trong thời gian qua, nhiều quy định pháp luật đã được rà soát và phát hiện không ít điểm chồng chéo, bất cập, gây khó khăn trong quản lý và lãng phí nguồn lực xã hội. Ông Thịnh cho biết, theo Báo cáo số 587 của Chính phủ trình tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, có tới 18 lĩnh vực đang tồn tại nhiều vướng mắc, mâu thuẫn trong hệ thống văn bản pháp luật.

Tháo gỡ “điểm nghẽn của điểm nghẽn” để thúc đẩy phát triển bền vững ảnh 1

Đại biểu Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang) trả lời phỏng vấn báo chí bên hành lang Quốc hội. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Đơn cử, trong quản lý tài sản công, nhiều công trình văn hóa, thể thao như sân vận động, nhà hát, bảo tàng từ cấp xã đến cấp quốc gia hiện đang bị bỏ hoang hoặc sử dụng không hiệu quả.

Bên cạnh đó, việc thực hiện đầu tư công còn nhiều vướng mắc. Các công trình lớn, quy mô hàng nghìn tỷ đồng, nếu đầu tư công mất nhiều năm mới hoàn thiện, trong khi tư nhân có thể thực hiện trong thời gian ngắn hơn.

“Thực tiễn phát triển thường đi trước, các quy định luật pháp không phải lúc nào cũng theo kịp nên việc hoàn thiện pháp luật là công việc thường xuyên, liên tục”, ông Thịnh cho biết.

Một vấn đề cấp thiết khác được đại biểu Thịnh đề cập là cải cách thủ tục hành chính vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Ông cho rằng cần quyết tâm chính trị cao, triển khai chuyển đổi số toàn diện và thúc đẩy giám sát, sáng kiến từ các tổ chức chính trị-xã hội và doanh nghiệp để bảo đảm tính bền vững của các nỗ lực cải cách.

“Thời gian qua, cải cách thủ tục hành chính đã có những bước tiến đáng ghi nhận, song như đã thấy, vẫn còn nhiều bất cập, chưa bền vững, chưa dễ giám sát, đánh giá. Bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, đòi hỏi cải cách thủ tục hành chính phải mạnh mẽ hơn nữa”, đại biểu Thịnh nhấn mạnh.

Phân cấp, phân quyền và tăng cường giám sát

Tháo gỡ “điểm nghẽn của điểm nghẽn” để thúc đẩy phát triển bền vững ảnh 3

Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: DUY LINH)

Việc phân cấp, phân quyền cũng được các đại biểu Quốc hội đánh giá là chìa khóa để tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.

Tại Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng vừa qua, quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm là cần đẩy mạnh tinh thần “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, tạo điều kiện tối đa để chính quyền các cấp chủ động triển khai chính sách, giải quyết kịp thời các vấn đề tại địa phương.

“Việc thực thi pháp luật yếu còn liên quan mật thiết đến quy định về phân cấp, phân quyền. Nếu phân cấp, phân quyền khoa học thì hiệu lực của chính sách, quy định pháp luật sẽ được nâng cao”, đại biểu Thịnh cho biết.

Đại biểu cũng cho rằng, bên cạnh phân cấp, phân quyền, cần thiết lập cơ chế giám sát chặt chẽ từ Trung ương, các cơ quan dân cử và người dân nhằm bảo đảm tính minh bạch, trách nhiệm trong thực thi chính sách.

Trung ương có thể ban hành các nguyên tắc, yêu cầu rõ ràng về phân cấp, phân quyền, từ đó tạo cơ sở chính trị để Quốc hội, Chính phủ và địa phương xây dựng, rà soát các văn bản pháp luật liên quan.

Bên cạnh đó, đại biểu Trần Công Phàn (Bình Dương) cho rằng, trong xây dựng pháp luật, cần chú trọng việc đánh giá tác động để bảo đảm chất lượng văn bản pháp luật.

Để thực hiện điều này, đội ngũ làm luật phải chuyên nghiệp và chuyên môn hóa, vừa phải am hiểu về pháp luật và phải có chuyên môn. Vì thế, số đại biểu Quốc hội chuyên trách cần tăng hơn nữa, đại biểu Phàn nêu kiến nghị.

Tháo gỡ “điểm nghẽn của điểm nghẽn” để thúc đẩy phát triển bền vững ảnh 5

Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương). (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) đề xuất rằng, luật chỉ nên quy định các vấn đề khung, có tính nguyên tắc. Những vấn đề cụ thể và biến động nhanh trong thực tiễn nên giao cho Chính phủ, địa phương quy định, giúp bảo đảm tính linh hoạt trong điều hành.

Đồng thời, cần thường xuyên đánh giá hiệu quả chất lượng chính sách sau ban hành để kịp thời điều chỉnh bất cập, mâu thuẫn, tháo gỡ nhanh nhất những điểm nghẽn có nguyên nhân từ các quy định của pháp luật.

Việc tháo gỡ những “điểm nghẽn” trong thể chế không chỉ là nhiệm vụ hàng đầu mà còn là chìa khóa mở ra con đường phát triển mới cho đất nước. Với quyết tâm chính trị mạnh mẽ, cùng các nguyên tắc minh bạch, hiệu quả trong phân cấp, phân quyền, đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi số trong cải cách thủ tục hành chính, kỳ vọng rằng các “điểm nghẽn” sẽ dần được tháo gỡ, khơi thông dòng chảy phát triển.

Trước yêu cầu của thời kỳ phát triển mới, Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan Nhà nước đang nỗ lực hoàn thiện pháp luật, thúc đẩy cải cách mạnh mẽ để đáp ứng mong muốn của nhân dân, đưa đất nước ngày càng phát triển nhanh, vững chắc trong kỷ nguyên hội nhập.

back to top