Năm 2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 04/NQ-CP về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xây dựng các chương trình, có kế hoạch cụ thể, từng bộ, ngành rà soát các thể chế liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành để phân cấp cho địa phương hoặc phân cấp của Chính phủ giao các địa phương thực hiện.
Thực tế tại nhiều địa phương, nhờ được phân cấp, phân quyền kịp thời đã góp phần khơi thông nguồn lực hiệu quả, phát huy tính chủ động, sáng tạo trong triển khai nhiều chương trình, dự án.
Phân cấp, phân quyền giúp địa phương thoát khó
Thực hiện đề án phân cấp phân quyền của Chính phủ năm 2022, TP Hải Phòng ban hành hai quyết định 19 và 38 về việc phân cấp, phân quyền cho UBND các quận, huyện trong thẩm định phê duyệt các đồ án chi tiết, quy trình thủ tục cấp phép xây dựng. Nhờ đó, quy trình này đã giảm hơn 50% thời gian thực hiện so với trước.
Ông Nguyễn Hoàng Hưng, Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng cho biết, khi chưa phân cấp các thủ tục hành chính trong lĩnh vực quy hoạch kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm. Nhưng sau khi phân cấp thì rút ngắn còn 3 - 4 tháng là có thể giải quyết xong. Còn với lĩnh vực cấp phép xây dựng, việc phân cấp cho quận, huyện đã giúp rút ngắn quy trình cấp phép cho công trình cấp 3 xuống còn 15 - 20 ngày so với 25 ngày trước đây.
Việc phân cấp, phân quyền hiệu quả và rút ngắn được nhiều quy trình thủ tục đã giúp Hải Phòng trở thành địa phương nằm trong tốp đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư, nhất là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Theo bà Đồng Thị Vân, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Hải Phòng, hiệu quả đầu tiên là rút ngắn được thời gian để các dự án đầu tư về Hải Phòng không mất đi cơ hội, thời điểm để triển khai dự án. “Những việc điều chỉnh này chỉ mang tính chất cục bộ, không ảnh hưởng tính chất chung của đồ án mà Thủ tướng phê duyệt. Do đó việc phân cấp, phân quyền rất cần thiết và phù hợp với nhu cầu từ thực tiễn”.
Không chỉ ở Hải Phòng, nhiều địa phương trên cả nước nhờ tích cực triển khai phân cấp, phân quyền, hoạt động quản lý nhà nước đã được cải thiện rõ nét. Thực hiện đề án phân cấp, ủy quyền gắn với thí điểm chính quyền đô thị, đến nay, TP Đà Nẵng đã hoàn thành 16/18 nội dung phân cấp 5 lĩnh vực trọng tâm, bao gồm: tổ chức bộ máy; nhân sự; quản lý đô thị; tài chính, ngân sách và đất đai. Đồng thời, ủy quyền 73 nội dung khác cũng được ủy quyền như: cán bộ tư pháp trực tiếp xác nhận chứng thực; phường công nhận ban quản trị chung cư, cấp giấy phép sử dụng vỉa hè… Qua đó góp phần nâng cao hiệu quả trong điều hành kinh tế - xã hội của địa phương.
Ông Lê Thành Quyết, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng cho biết, hoạt động phân cấp, phân quyền giúp tổ chức bộ máy tinh gọn, giải quyết thủ tục hành chính nhanh chóng hơn và giảm được một số nội dung chồng chéo trong chuyên môn của một số phòng, ban chức năng và đặc biệt là tạo sự hài lòng cho người dân.
Trao quyền nhiều hơn, phân cấp nhiều hơn cho các địa phương, vừa phát huy được vai trò của các địa phương trong việc triển khai, thực hiện các dự án, đề án, đồng thời kết nối được các cơ quan thực hiện dự án ở địa phương với cơ quan kiểm tra, giám sát từ T.Ư, các bộ, ngành.
Gỡ vướng để đẩy nhanh phân cấp, phân quyền
Thực hiện Nghị quyết 04, Chính phủ đã trình Quốc hội sửa được 14 luật; cho ý kiến với 2 luật và chuẩn bị trình thêm 4 luật; trình Quốc hội ban hành 9 Nghị quyết; sửa đổi, bổ sung thay thế 27 Nghị định; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 19 quyết định và các bộ, ngành đã ban hành 8 thông tư liên quan đến đẩy mạnh phân cấp, phân quyền.
Thủ tướng phân cấp cho các bộ, các bộ phân cấp cho địa phương 699 thủ tục hành chính. Các thủ tục hành chính này nằm ở các luật, nghị định, thông tư, quy chuẩn. Qua 2 năm, đã có 299/699 thủ tục hành chính được phân cấp tại 56 văn bản quy phạm pháp luật.
Tuy nhiên, từ nay tới hết năm 2025, còn khoảng hơn 400 thủ tục hành chính cần phân cấp. Trong khi đó, theo ông Trương Nam Hải, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, vẫn còn không ít vướng mắc cản trở quá trình phân cấp, phân quyền nên vẫn còn tình trạng "nhiều việc nhỏ phải trình lên tận cấp T.Ư”.
Tại cuộc họp trực tuyến với các địa phương diễn ra mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra yêu cầu phân cấp, phân quyền cần tiếp tục được thực hiện mạnh mẽ hơn. “Cả về lý luận và thực tiễn đã chứng minh về tính hiệu quả của phân cấp, phân quyền. Vì vậy, không có lý do gì mà chúng ta không phân cấp, phân quyền; không có lý do gì mà không xóa bỏ cơ chế xin - cho. Quá trình thực hiện có thể có vướng mắc, xuất hiện các mâu thuẫn thì chúng ta tiếp tục giải quyết", Thủ tướng nói.
Trên tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Hội nghị T.Ư 10 là khi đã phân cấp, phân quyền, địa phương quyết định thì địa phương làm và chịu trách nhiệm, Bộ Nội vụ đang xây dựng hồ sơ đề nghị sửa Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức địa phương để tiếp thu tinh thần này và sửa quy định chung liên quan tới nguyên tắc phân cấp, phân quyền và tiến tới phân định thẩm quyền, quy định rõ cái gì T.Ư làm, cái gì địa phương làm. Từ đó, tạo thành luật khung để trên cơ sở đó các bộ chuyên ngành sửa đổi các luật liên quan theo cách thức tương tự.