Công tác ứng phó với bão đã được chính quyền và các lực lượng chức năng của 2 địa phương này xây dựng kế hoạch và phương án nhằm giảm các thiệt hại về người và tài sản do bão số 3 gây ra.
Hiện tại thành phố Móng Cái đã chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống bão số 3. Phó Chủ tịch thường trực UBND Thành phố Móng Cái Đỗ Văn Tuấn trực tiếp đi kiểm tra các nơi xung yếu và yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, chủ tịch UBND các xã, phường thường xuyên theo dõi và cảnh báo, dự báo về diễn biễn cơn bão, triển khai nghiêm túc các chỉ đạo của Trung ương, tỉnh và thành phố về việc ứng phó bão số 3.
Trao đổi qua điện thoại, Phó Chủ tịch UBND thành phố Móng Cái cho biết: thành phố đã chỉ đạo các lực lượng khẩn trương rà soát lại hệ thống đê điều, kiểm tra các khu vực, vị trí có nguy cơ sạt lở, ngập úng, lũ quét, lũ ống để có phương án di dời dân khỏi những nơi nguy hiểm đến những vị trí an toàn, những vùng sản xuất nông nghiệp bị ngập lụt cục bộ đề nghị khẩn trương khơi thông dòng chảy tiêu thoát nước để hạn chế thấp nhất thiệt hại gây ra.
Các xã, phường ven sông Ka Long, sông Bắc Luân, phải thường xuyên nắm chắc tình hình lũ trên sông và yêu cầu các phương tiện trên sông về nơi neo đậu an toàn. Chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, thiết bị vật tư để triển khai các phương án cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra.
Tại huyện đảo Cô Tô, lãnh đạo huyện cũng đã chỉ đạo các cơ quan, ban ngành, lực lượng vũ trang phải tập trung cho công tác phòng, chống bão số 3. Đặc biệt phải đặt nhiệm vụ quan trọng nhất là bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho người dân trên đảo. Hiện nay huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn bảo đảm quân số lực lượng ứng trực 24/24 giờ; đồng thời đã kêu gọi hơn 400 tàu thuyền trên vùng biển huyện Cô Tô về nơi tránh trú bão an toàn.
Các tàu thuyền đã được neo đậu an toàn tại cầu Cảng Cô Tô. |
Phó Chủ tịch UBND huyện Cô Tô Vũ Văn Hiển cho biết, cho biết: Để bảo đảm an toàn cho du khách trên địa bàn, huyện đã cập nhật và thông tin thường xuyên đến tất cả khách du lịch về diễn biến cơn bão số 3, lịch tàu chạy để chủ động di chuyển về đất liền. Đối với các công trình thủy lợi, đê điều, hồ đập lực lượng chức năng tại các xã, thị trấn trên địa bàn đã chủ động điều tiết, khơi thông cống thoát không để xảy ra tình trạng ngập lụt. Đồng thời tiếp tục bám sát địa bàn, chủ động chuẩn bị các phương tiện, vật tư phòng chống thiên tai, duy trì lực lượng trực phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn khi có trường hợp cần thiết.
Đến thời điểm này, cùng với địa phương Móng Cái và Cô Tô, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã chủ động thực hiện tốt phương châm 3 trước (chủ động phòng, chống trước, phát hiện xử lý trước, phương tiện, vật tư chuẩn bị trước) và “4 tại chỗ” (lực lượng, chỉ huy, phương tiện, hậu cần tại chỗ). Chủ động rà soát lại hệ thống đê điều trên địa bàn, triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho nhân dân tại các khu vực có nguy cơ cao về ngập lụt, sạt lở; lưu ý các nhà tạm dưới chân mái kè, vùng trũng để sẵn sàng phương án di chuyển dân về nơi an toàn khi cần với phương châm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người và tài sản trong mọi tình huống; tổ chức trực canh 24/24 giờ tại các ngầm tràn, đường giao thông; tuyên truyền nhân dân không ra suối đánh cá, vớt củi, bơi lội... khi có lũ.
Với sự chủ động của các cấp chính quyền, các ngành chức năng, từ tỉnh đến các địa phương, tỉnh Quảng Ninh quyết tâm ứng phó với bão số 3 nhằm giảm thiểu những thiệt hại do cơn bão gây ra.