Thành phố Hồ Chí Minh tăng nhanh hồ sơ nhận bảo hiểm xã hội một lần

NDO -

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, thời gian gần đây, người lao động chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần có xu hướng tăng nhanh. 

Tham gia bảo hiểm xã hội đầy đủ, đúng quy định sẽ có lương hưu, thẻ bảo hiểm y tế miễn phí lúc về già (Ảnh minh họa).
Tham gia bảo hiểm xã hội đầy đủ, đúng quy định sẽ có lương hưu, thẻ bảo hiểm y tế miễn phí lúc về già (Ảnh minh họa).

Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19 vào tháng 7,8,9 vừa qua, tổng số hồ sơ giải quyết bảo hiểm xã hội một lần trên địa bàn Thành phố là 14.091 hồ sơ. Bình quân mỗi tháng, cơ quan bảo hiểm xã hội giải quyết 4.700 hồ sơ.

Đến tháng 10 số hồ sơ giải quyết là hơn 9.000 hồ sơ (chiếm gần 64% so với lượng hồ sơ của ba tháng 7,8,9 cộng lại). Tháng 11 đã giải quyết hơn 12.500 hồ sơ (tăng 4.600 hồ sơ so với cùng kỳ 2020, tăng gấp rưỡi).

Lý giải nguyên nhân số trường hợp nhận bảo hiểm xã hội một lần tăng nhanh, Phó Giám đốc bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh Trần Dũng Hà cho biết: Thành phố Hồ Chí Minh giãn cách xã hội 3 tháng nên việc đi lại bị gián đoạn, sau khi hết giãn cách người lao động giải quyết thủ tục khiến lượng hồ sơ tăng lên.

Cùng với đó là nguồn thu nhập của người lao động bị giảm sút do tác động của dịch bệnh. Mặc dù Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ một phần thu nhập,  nhưng vẫn không thể giải quyết hết khó khăn để người lao động trang trải cuộc sống. Từ đó, họ đưa ra quyết định nhận bảo hiểm xã hội một lần.

Ngoài ra, một nguyên nhân nữa tồn tại nhiều năm qua là người lao động có thói quen sau nghỉ việc một năm thì nhận bảo hiểm xã hội một lần. Họ xem nhận bảo hiểm xã hội một lần là nguồn thu nhập mà chưa xem đó là nguồn tài chính tích lũy khi về già.

Theo ông Hà, mục tiêu của chính sách bảo hiểm xã hội là khi người lao động hết tuổi lao động sẽ được hưởng lương hưu, có thu nhập ổn định khi về già chứ không phải là hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Vì vậy, người chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần sẽ thiệt thòi rất nhiều so với người hưởng lương hưu.

Thứ nhất, khi người lao động chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần, số tiền nhận bảo hiểm xã hội một lần thấp hơn so với người hưởng lương hưu. Thí dụ, cùng một mức đóng, cùng các điều kiện như nhau, đối với người chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần và người hưởng lương hưu thì người hưởng lương hưu sau thời gian 6 năm đối với nam và hơn 5 năm đối với nữ, số tiền lương hưu sẽ nhận bằng hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Thứ hai, người hưởng lương hưu được Nhà nước điều chỉnh tiền lương hưu (thông thường điều chỉnh hằng năm) thì số tiền lương hưu được nhận bằng hưởng bảo hiểm xã hội một lần sẽ được rút ngắn hơn nữa.

Ngoài ra, người hưởng lương hưu khi về già sức khỏe giảm sút nhanh cần được điều trị. Trong khi đó, chi phí điều trị cho bệnh tật tuổi già thường tốn kém, chi phí lớn nên có thẻ bảo hiểm y tế sẽ thuận lợi rất nhiều.

Hơn nữa, người hưởng lương hưu chẳng may qua đời, thì thân nhân họ còn được hưởng mai tang phí, hưởng tuất hằng tháng hay hưởng tuất một lần theo quy định.

Điều quan trọng nhất, người chọn nhận bảo hiểm xã hội một lần về già không có lương hưu không có thu nhập sẽ phụ thuộc rất nhiều vào con cái, trở thành gánh nặng cho xã hội. Về lâu dài, họ dễ phát sinh tâm lý mặc cảm, tự ti, dẫn đến chất lượng cuộc sống về tinh thần bị giảm sút, không được bảo đảm lúc về già.

Ông Trần Dũng Hà chia sẻ, số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần tăng nhanh, dẫn đến số người rời khỏi hệ thống bảo hiểm xã hội cũng nhiều tương ứng.

Vì vậy, để bù đắp số người lao động ra khỏi hệ thống bảo hiểm xã hội, cơ quan bảo hiểm xã hội thực hiện nhiều giải pháp để phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bao gồm bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Đối với bảo hiểm xã hội bắt buộc, cơ quan bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tập trung khai thác nguồn từ dữ liệu từ cơ quan thuế, lấy thông tin doanh nghiệp thành lập mới từ Sở Kế hoạch và Đầu tư để vận động, tuyên truyền đến các doanh nghiệp. Qua đó, phát triển đối tượng tham gia.

Đối với bảo hiểm xã hội tự nguyện, thông qua các hình thức trực tiếp và trực tuyến, Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân thành phố. Đồng thời, tăng cường phối hợp Bưu điện, Liên đoàn Lao động thành phố, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Thành đoàn… tổ chức tuyên truyền đến các thành phần, đối tượng để mọi người thấy được ý nghĩa quan trọng, thiết thực của việc tham gia bảo hiểm xã hội.

Từ đó, lan tỏa các chủ trương và chính sách của bảo hiểm xã hội đến người thân, gia đình, cộng đồng để mọi người cùng tham gia vào hệ thống an sinh xã hội, bảo đảm quyền lợi khi về già.