Thành phố Hà Nội yêu cầu xem xét đề xuất đưa voi Thủ Lệ "về nhà"

NDO - Liên quan đến đề xuất của Tổ chức Động vật châu Á (Animals Asia) về việc chuyển 2 chú voi tại vườn thú Hà Nội về Vườn quốc gia Yok Đôn để chăm sóc, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo các cơ quan chuyên môn.
0:00 / 0:00
0:00
Chú voi tại công viên Thủ Lệ. (Ảnh: PV)
Chú voi tại công viên Thủ Lệ. (Ảnh: PV)

Theo đó, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã nhận được văn bản của Animals Asia về tình trạng nuôi nhốt voi tại vườn thú Hà Nội. Sau khi tiếp nhận thông tin, lãnh đạo thành phố giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Công ty TNHH MTV Vườn thú Hà Nội và các đơn vị có liên quan xem xét nội dung đề xuất của Tổ chức Động vật châu Á. Các đơn vị có trách nhiệm tham mưu, đề xuất và báo cáo lại với Ủy ban nhân dân thành phố.

Trước đó, như Báo Nhân Dân đã phản ánh, cuối tháng 7, dư luận cả nước xôn xao trước hình ảnh 2 chú voi bị xích chân, gầy mòn trong vườn thú Thủ Lệ (Hà Nội). Thậm chí đã có một phong trào vận động trả hai chú voi này về với núi rừng Tây Nguyên.

Mới đây nhất, Tổ chức Động vật châu Á (Animals Asia) có văn bản gửi Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đề xuất phương án đưa 2 con voi ở vườn thú Hà Nội về vườn quốc gia Yok Đôn (Đắk Lắk).

Theo văn bản này, Animals Asia cho rằng "khu chuồng nuôi voi tại vườn thú Hà Nội có diện tích rất chật hẹp, không đủ để đáp ứng các nhu cầu tự nhiên của voi. Trong khi voi cần có không gian di chuyển tự do để cải thiện cũng như duy trì sức khỏe.

Voi cần được tạo điều kiện để thực hiện các hành vi tự nhiên thiết yếu phù hợp với tập tính của loài. Qua đó, giúp cải thiện tình trạng phúc lợi của voi, để con vật có thể có trải nghiệm tích cực, giúp cho voi tăng cường sức khỏe thể chất và tinh thần.

Trên thực tế, các cá thể voi ở Vườn thú Hà Nội thường bị xích một chỗ trong thời gian dài và nguồn lực chăm sóc, nuôi dưỡng của vườn thú cũng có hạn nên sức khỏe của hai cá thể voi này sẽ ngày càng giảm sút và khó có thể cải thiện nếu chúng phải tiếp tục sống trong điều kiện như vậy".

Tổ chức Động vật châu Á cho rằng, phương án tối ưu nhất là chuyển 2 con voi này về rừng tự nhiên tại vườn quốc gia Yok Đôn (tỉnh Đắk Lắk) nơi đang thực hiện bảo tồn voi. Tổ chức này sẵn sàng tài trợ chi phí vận chuyển, nếu đề xuất được chấp thuận.