Gặp người tặng Banang cho Thủ Lệ, nghe chuyện săn voi giữa đại ngàn

Voi và những ký ức vạm vỡ của đại ngàn Tây Nguyên:

Gặp người tặng Banang cho Thủ Lệ, nghe chuyện săn voi giữa đại ngàn

NDO - Trong ký ức người Tây Nguyên, voi vừa là biểu tượng của sự giàu có, thịnh vượng, vừa là người bạn, người anh em thân thiết. Thế nhưng, câu chuyện bảo tồn đàn voi tại Tây Nguyên nói riêng và Việt Nam nói chung đang đối mặt với nhiều thách thức.

Giữa tháng 7/2023, dư luận cả nước xôn xao trước hình ảnh chú voi mang tên Banang bị xích chân, gầy mòn trong vườn thú Thủ Lệ (Hà Nội). Thậm chí đã có một phong trào vận động trả Banang về với núi rừng Tây Nguyên, nơi chú đã sinh ra và trưởng thành.

Số phận của Banang thật ra không hề cá biệt, thậm chí còn có phần may mắn hơn nhiều đồng loại. Trước Banang, hàng trăm chú voi nhà cũng đã rơi vào “bi kịch” với nhiều câu chuyện thương tâm khác nhau. Đó là một Păk Kú tại Buôn Đôn (Đăk Lắk) từng bị chém hơn 200 nhát búa và rìu, bị rình trộm xác khi đã mất những năm 2010. Cũng trong cùng khoảng thời gian trên, hai chú voi phục vụ du lịch tại tỉnh Lâm Đồng đã bị kẻ gian chặt đuôi để về… làm trang sức.

Bất chấp những nỗ lực không mệt mỏi của chính quyền cũng như các tổ chức bảo tồn nhằm giữ nhà và bảo vệ cho voi, quần thể sinh vật đặc hữu của Tây Nguyên vẫn đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng rất lớn.

Nhân dịp này, Báo Nhân Dân xin gửi tới bạn đọc loạt bài viết về Ký ức voi Tây Nguyên, với mong muốn giúp bạn đọc hiểu hơn về số phận bi kịch của Voi - một biểu tượng đang dần thất truyền nếu không có các hành động quyết liệt của vùng đất đỏ bazan kiêu dũng.

Banang là tên một trong hai chú voi hiện đang được nuôi tại vườn thú Thủ Lệ (Hà Nội). Ít người biết rằng, Banang vốn thuộc sở hữu của gia tộc họ Đàng, dòng dõi “buôn voi” lừng danh Tây Nguyên một thuở. Ở tuổi 61, “vua voi” Đàng Năng Long vẫn đau đáu với câu chuyện tìm nhà, nhân giống và bảo vệ cho đàn voi.

Sở hữu 7/43 con voi nhà hiện có tại Tây Nguyên, ông Đàng Năng Long được xem như “vua voi” trong vùng. Đón chúng tôi bên căn nhà dài truyền thống của người M’nông ven hồ Ea Kao, ông Long vừa trò chuyện, vừa thong thả đưa những quả chuối, cây mía cho hai con voi nhà ăn.

11 LUẬT BẤT THÀNH VĂN CỦA NHỮNG DŨNG SĨ SĂN VOI

Lịch sử miền đất Tây Nguyên ghi lại: Vào những năm đầu thế kỷ XX, voi được xem như những “chiếc xe cỡ lớn” để phục vụ việc vận chuyển hàng hóa, giao thương và đi rừng. Nhận thấy vai trò quan trọng đó, từ xa xưa, cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên đã bắt đầu săn bắt, thuần dưỡng và buôn bán voi ngay bên dòng Sêrêpốk.

Trong cuốn chuyên khảo về Đắk Lắk (Monographie de la Province du Darlac) do học giả A.Monfleur biên soạn và xuất bản năm 1931, Đắk Lắk khi ấy trở thành trung tâm trao đổi thương mại… voi lớn nhất Đông Nam Á. Hằng ngày, có hàng chục con voi được các nhóm thương hồ trong vùng thay nhau đưa đi cung cấp cho nhiều quốc gia trong khu vực. Nhiều gia tộc săn và thuần dưỡng voi rừng cũng lần lượt ra đời như Y Thu Knul (được Vua Xiêm phong tặng danh hiệu Khunjunop-Vua săn voi), Y Prông Êban, Y Soát Byă...

Gặp người tặng Banang cho Thủ Lệ, nghe chuyện săn voi giữa đại ngàn ảnh 1

Ông Đàng Năng Long kể lại câu chuyện về những chuyến săn voi giữa rừng già. (Ảnh: Sơn Bách)

Nhấp một ngụm trà, ông Long kể tiếp: Bố của ông là cụ Đàng Năng Nhảy, hay còn gọi là Ama Ku, cũng là một Gru (dũng sĩ) săn voi lẫy lừng bên hồ Lắk. Đặc biệt hơn, Ama Ku có tất cả 3 người vợ, trong đó bà ba là Sao Thong Chăn chính là cháu của vua săn voi Khunkunop Y Thu Knul. Bà Sao Thong Chăn được mệnh danh là “mỹ nhân buôn voi” nổi tiếng khắp Đông Dương. Tình yêu với voi của ông Long cũng được khơi lên từ người mẹ gốc Lào ấy.

“Ngày còn bé, trong nhà tôi lúc nào cũng có mấy chục con voi. Ra đường cũng gặp voi. Voi xuất hiện khắp vùng Tây Nguyên, phía bắc tới sông Côn (Bình Định), phía nam tới giáp sông La Ngà giúp Đồng Nai. Voi như người thân, anh chị em của gia đình”, ông Long cười và kể lại.

Gặp người tặng Banang cho Thủ Lệ, nghe chuyện săn voi giữa đại ngàn ảnh 2

Voi Y Khăm Sen được nuôi dưỡng tại tỉnh Đắk Lắk. (Ảnh: Sơn Bách)

Trong ký ức của mình, ông Long vẫn nhớ như in chuyến săn voi ông từng được may mắn tham gia khi mới 13 tuổi. Ngày ấy, mỗi chuyến đi săn thường kéo dài năm, bảy ngày, thậm chí có khi cả tháng và phải tuân theo những “quy ước” chặt chẽ của cộng đồng.

“Có tổng cộng 11 luật buộc phải tuân theo để chuyến săn được suôn sẻ”, ông Long kể.

Cụ thể, người tham gia vào chuyến săn phải bảo đảm đạo đức, không được có hành vi vụng trộm, hành xử chuẩn mực; có sức khỏe và Trí-Dũng hơn người và quan trọng nhất là phải có… voi nhà.

Gặp người tặng Banang cho Thủ Lệ, nghe chuyện săn voi giữa đại ngàn ảnh 3

Một bộ dụng cụ săn voi được lưu giữ và trưng bày tại Đắk Lắk (Ảnh: Bảo tàng Đắk Lắk)

Để bắt đầu cuộc đi săn Gru trưởng phân công người đi vào rừng tìm kiếm, nắm bắt trước coi khu rừng nào có những con voi đến tuổi săn bắt để thuần dưỡng. Theo luật tục, đồng bào Tây Nguyên sẽ chỉ bắt những con voi con từ 3-7 tuổi.

“Chúng tôi ước lượng độ tuổi voi bằng hắt, đơn vị tính của người đồng bào [tính từ khủy tay đến đầu ngón tay là một hắt - PV]. Những chú voi con cao khoảng 7 hắt là đạt tiêu chuẩn. Bởi nếu bắt voi nhỏ hơn thì sẽ rất khó nuôi, trong khi voi hơn 7 hắt thì lại bướng bỉnh và khó thuần dưỡng”, ông Long kể.

Trước khi khởi hành, thợ săn chỉ được ăn cơm với muối, không uống rượu, tránh cãi nhau, tránh ngủ với vợ và không được tắm bằng xà bông thơm trong suốt 1 tuần. Lúc xuất phát, các dũng sĩ sẽ nhờ già làng thực hiện nghi lễ cúng Giàng cầu mong gặp nhiều may mắn. Lễ cúng gồm ché rượu cần, gà, heo…

Gia đình người đi săn voi không được giao tiếp với hàng xóm, không được giã gạo, không sử dụng xà bông, không được khâu vá, đặc biệt không được phản bội chồng. Vì voi sống rất thuỷ chung và tình nghĩa nếu vợ phản bội chồng có thể sẽ bị thú dữ bắt.

Người ra đi cũng phải treo một cành cây xanh ở trước cửa, ngọn quay xuống đất với ngụ ý ngưng tiếp khách. Gia đình ở nhà tuyệt đối không được tới những nơi đông người như đám cưới hỏi, tang gia mà chỉ được ở nhà, nghĩ tới những điều tốt lành cho đoàn săn đang ở giữa đại ngàn. Nếu trong ngày xuất quân, trong buôn có người chết hay có người sinh đẻ thì chuyến đi đành phải bỏ.

Gặp người tặng Banang cho Thủ Lệ, nghe chuyện săn voi giữa đại ngàn ảnh 4

Với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, voi là biểu tượng của sự trù phú, đồng thời cũng là người bạn vô cùng thân thiết.

Voi nhà được chọn lựa cũng phải là voi chiến, thân hình lực lưỡng để bảo đảm có thể áp đảo đàn voi rừng hung dữ. Mỗi thớt voi sẽ gồm 2 người điều khiển gồm một nài chính (Gru) và một nài phụ (Rmăk). Sau khi chuẩn bị xong xuôi, tất cả sẽ được tập kết bên bìa rừng để xuất phát mà không được thông báo cho ai.

“Đặc biệt, khi vào đại ngàn, cả đoàn sẽ phải tôn trọng Thần rừng nên không được phép săn bắt bất cứ loài động vật nào ngoài con cá dưới suối, dưới sông. Mọi người cũng phải giữ đoàn kết, không than thở nếu không sẽ phải chịu phạt rất nặng”, vua voi Đàng Năng Long nhớ lại.

Sớm hôm ấy, đoàn săn voi bắt đầu lầm lũi rời buôn hướng về phía rừng già kỳ vĩ. Cậu bé Đàng Năng Long do còn là thợ phụ, nên chỉ được mặc khố, ở trần theo chân cha Ama Kun bước vào chuyến săn kỳ vĩ đầu tiên trong đời mình.

KÝ ỨC VỀ NHỮNG CHUYẾN SĂN VOI GIỮA ĐẠI NGÀN

Mang theo lương thực trĩu đầy, đoàn của Ama Kun bắt đầu vén rừng mà đi. Mải miết mãi, cuối cùng cánh thợ săn đã phát hiện ra những dấu vết sinh học đầu tiên của đàn voi rừng. Lúc này, tất cả gần như nín thở, mai phục để xác định cho mình những thớt voi ưng ý nhất.

Một hồi tù bỗng rúc dài giữa rừng xanh. Những thợ săn, da nâu bóng như tượng đồng, nét mặt cương nghị nằm rạp trên mình voi, phía trước là cuộn dây “gia truyền” dài cả trăm mét được làm bằng da của 7 con trâu đực đã phơi đủ 6 tháng nắng, nửa năm mưa. Cả đoàn chia làm hai rầm rập tiếp cận đàn voi rừng.

Mũi đầu tiên có nhiệm vụ áp sát và tấn công để xua đuổi voi bố mẹ. Chủ phường săn sẽ điều khiển voi chiến cùng hai voi khác tiếp cận voi đầu đàn. Từ phía đối diện, chú voi to lớn hung hãn rống lên, rầm rập lao tới tấn công kẻ thù để bảo vệ con non. Trên sống lưng thú cưỡi, các Gru và Rmắk đã nhổm hẳn lên, dùng gậy và giáo đâm, đẩy hỗ trợ chiến đấu. Voi săn quật vòi, húc ngà xua đuổi đàn voi bố mẹ chạy đi. Chung quanh, cánh thợ phụ bắt đầu hò reo, đánh chiêng, thổi tù và vang cả một góc rừng. Khi voi rừng đầu đàn quay đầu bỏ chạy, voi con bắt đầu bị lạc đàn.

Gặp người tặng Banang cho Thủ Lệ, nghe chuyện săn voi giữa đại ngàn ảnh 5

Hình ảnh về một buổi săn voi tại Tây Nguyên đầu thế kỷ 20 do Leopold Sabatier, cựu công sứ Pháp ở tỉnh Đắk Lắk ghi lại. (Ảnh tư liệu)

Lúc này, mũi thứ hai cũng chính thức vào cuộc, theo sát voi con đã lạc đàn. Sau một hồi tù và thứ hai, tốp voi nhà chờ tới, ngăn voi con trốn chạy. Gru phía trước cầm một cây tre dài khoảng 3m, phía đầu đã mắc sẵn thòng lọng buộc với cuộn dây dài. Một chú voi “dìu” được huy động tiến sát để voi con hoang dã bớt hoảng loạn.

Tới khoảng cách thích hợp, người thợ chúi người, tay gồng lên, rắn rỏi đưa cần móc vào chân trái phía sau của voi con. Rmắk ngay lập tức thả dây, kéo căng dần, sẵn sàng chờ đợi. Chạy được một lúc tới gốc cây lớn, thợ phó nhảy xuống, cuốn dây quanh cây rừng để giữ “chiến lợi phẩm” ở lại. Voi con sợ sệt chạy ra xa thì càng bị buộc chặt vào chân, khi thấy voi con đã mệt không thể kháng cự liền dùng những con voi nhà to khỏe áp giải con voi con trở về.

Tiếng hò reo, tiếng trống kèn và tù và một lần nữa lại được nổi lên, báo hiệu chuyến đi săn thành công. Thế nhưng, hành trình của những dũng sĩ thời ấy vẫn chưa kết thúc. Bởi theo luật tục, trong một chuyến đi, đoàn săn phải bắt được 3 con voi rừng. Nếu bắt được 2 con thì phải thả lại một vì đó là dấu hiệu không may mắn.

“Các Gru cũng có quy định rất chặt chẽ. Khi đi săn voi người nào quăng được thòng lọng vào chân voi thì được quyền sở hữu con voi đó. Nếu tung thòng lọng vào các chi không phải chân sau bên trái, voi con có thể được thả ra. Nếu Gru vẫn muốn giữ lại thì sẽ phải được sự đồng ý của cả phường săn và sau đó buộc phải cúng tạ Giàng bằng một con trâu”, ông Long hồi tưởng.

Gặp người tặng Banang cho Thủ Lệ, nghe chuyện săn voi giữa đại ngàn ảnh 6

Hình ảnh về một buổi săn voi tại Tây Nguyên đầu thế kỷ 20 do Leopold Sabatier, cựu công sứ Pháp ở tỉnh Đắk Lắk ghi lại. (Ảnh tư liệu)

Sau khi bắt được voi, đoàn sẵn sẽ đưa voi về. Cách buôn chừng 4km, cả phường săn dừng lại, tắm rửa cho voi trước khi làm lễ nhập làng và đặt tên cho voi. Voi đực sẽ được gọi là Y, voi cái là Hờ (H). Nhập buôn là một thời điểm quan trọng đối với cả gia đình chủ và voi nên được tổ chức rất chu đáo.

Về quá trình thuần dưỡng voi, ông Long kể : Sau khi bắt voi ở rừng về, người Tây Nguyên sẽ đem ra một bãi đất rộng cách xa buôn, xích bằng đoạn dây ngắn vào một cây cổ thụ. Hai chân trước của voi lồng trong một cùm mây hình số 8. Người ta đeo vào tai voi một sợi dây, đánh dấu voi đã có chủ.

Phân loài voi sinh sống tại Việt Nam là voi châu Á, được xếp vào bậc nguy cấp trong danh mục sách Đỏ của IUCN, bậc cực kỳ nguy cấp theo Sách Đỏ Việt Nam và nằm trong Phụ lục I của Công ước CITES.
(Tổ chức Thiên nhiên và Con người PanNature)

Lúc này, voi con sẽ bị bỏ đói, sau đó được nài voi cho ăn cỏ non hoặc mía để làm quen. Kết thúc quá trình này, bài voi mới bắt đầu đưa ra các mệnh lệnh đơn giản, trước khi bắt đầu các thao tác thuần dưỡng phức tạp hơn. Thời gian thuần dưỡng voi có thể kéo dài 5-7 tháng, con nào khó tính có khi kéo dài vài năm.

Nài voi Y Thanh Uông tại huyện Lắk (Đắk Lắk) chia sẻ, trong cộng đồng các tộc người Tây Nguyên, voi không chỉ là hiện thân của sức mạnh và sự giàu có của mỗi buôn làng. Hơn thế, voi là người bạn, người anh em trong gia tộc.

Gặp người tặng Banang cho Thủ Lệ, nghe chuyện săn voi giữa đại ngàn ảnh 7

Nài voi Y Thanh Uông hồi tưởng lại những câu chuyện về thuần phục và nuôi dưỡng voi nhà.

Giải thích thêm, ông Đàng Năng Long cho biết, sở dĩ người Tây Nguyên coi voi như anh em trong gia đình bởi họ muốn "bù đắp" cho voi con sau khi buộc chúng phải tách đàn. Bởi vậy, người Tây Nguyên khi chia gia sản, tổ chức lễ Tết, bao giờ cũng dành một phần cho voi. Khi voi mệt mỏi, ốm đau phải được chăm sóc, nghỉ ngơi và không được bóc lột sức lao động của voi quá mức. Đặc biệt, Các Gru săn bắt voi dùng để lấy sức kéo hay trao đổi hàng hóa, chứ không bao giờ giết thịt.

Ngày nay, mặc dù nghề săn voi không còn, nhưng những ký ức vạm vỡ về những chuyến săn giữa đại ngàn vẫn còn được lưu truyền về kể lại cho các thế hệ con cháu nghe, như một khúc sử thi tráng lệ về một miền quá khứ xa xôi.

Còn những người sót lại như Y Thanh Uông, Đàng Năng Long và rất nhiều thế hệ mới… thì lại đang bắt đầu một hành trình mới: Hành trình tìm cách “cởi trói” và bảo tồn đàn voi nhà ít ỏi đang còn sót lại của Tây Nguyên nói riêng, Việt Nam nói chung…

Gặp người tặng Banang cho Thủ Lệ, nghe chuyện săn voi giữa đại ngàn ảnh 8

(Ảnh: Sơn Bách)

Theo nghiên cứu của Trung tâm Con người và Thiên nhiên, trong khoảng gần hơn 30 năm trở lại đây, số lượng voi Việt Nam nói chung và voi Tây Nguyên suy giảm nhanh theo từng năm. Những năm 1990, ước tính số voi hoang dã của Việt Nam còn khoảng 1.500-2.000 cá thể. Tuy nhiên, hiện nay, Việt Nam chỉ còn khoảng 124-148 cá thể voi hoang dã, phân bố trên 8 tỉnh bao gồm Sơn La, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Đắk Lắk, Đắk Nông, Đồng Nai và Bình Phước.

Về voi nhà, ngay tại thủ phủ Đắk Lắk, số lượng voi cũng giảm mạnh. Cụ thể, trong thời gian 1979-1980 tỉnh Đắk Lắk có 502 con voi thuần dưỡng; năm 1990 có 299 con; năm 1997 còn 169 con và năm 2000 chỉ còn 138 con, giảm 364 con trong vòng 20 năm (từ 1980-2000) (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 2013). Tới thời điểm hiện tại, tỉnh Đắk Lắk chỉ còn gần 40 cá thể voi nhà, phân bố tại các huyện Buôn Đôn, Lắk và Krông Ana.

Hơn lúc nào hết, số phận của voi-dấu tích của những chuyến đi săn lừng lẫy giữa đại ngàn đang cần sự vào cuộc của cả cộng đồng.

(Kỳ tiếp theo: Nỗi lòng của "vua voi" Đàng Năng Long)

back to top