Thành Nam trên con đường trở lại là thủ phủ công nghiệp

Quy hoạch phát triển tỉnh Nam Ðịnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu đưa Nam Ðịnh trở lại là một trong những trung tâm phát triển ở phía bắc đến năm 2030, tỷ trọng công nghiệp, xây dựng trong tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của tỉnh chiếm hơn 50%.
0:00 / 0:00
0:00
Công nhân làm việc trong Khu công nghiệp Bảo Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.
Công nhân làm việc trong Khu công nghiệp Bảo Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.

Cột mốc cho thời kỳ phát triển mới

Trong quá trình tư vấn, phản biện dự thảo Quy hoạch tỉnh Nam Ðịnh, Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh không khỏi băn khoăn về sự chững lại của địa phương này so với tốc độ phát triển chung của cả nước. Một số ý kiến nhận định, tính liên kết, kết nối không gian phát triển của tỉnh với vùng Ðồng bằng sông Hồng còn yếu và thiếu đã khiến Nam Ðịnh trở thành "vùng trũng" trong phát triển kinh tế vùng, tạo cảm giác cách biệt, không sôi động như các tỉnh khác trong vùng.

Giai đoạn 2011-2020, tăng trưởng GRDP của Nam Ðịnh chỉ ở mức 6,6%, cơ cấu kinh tế mất cân đối... Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong chương trình công tác tại Nam Ðịnh đầu Xuân 2023 cũng nhắc đến mối băn khoăn này. Thủ tướng nhận định, trước đổi mới, Nam Ðịnh là trung tâm lớn thứ 3 ở miền bắc, chỉ sau Hà Nội và Hải Phòng. Nhưng hiện nay, Nam Ðịnh phát triển chậm lại, thấp hơn cả các tỉnh lân cận như Hà Nam, Ninh Bình, Thái Bình...

Ðây cũng là nỗi trăn trở thôi thúc Ðảng bộ và chính quyền tỉnh Nam Ðịnh phải có sự đột phá để trở lại quỹ đạo phát triển cao, đáp ứng yêu cầu mới đang đặt ra cấp bách trong nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương giai đoạn hiện nay.

Ðồng chí Phạm Gia Túc, Bí thư Tỉnh ủy Nam Ðịnh chia sẻ, trong quá trình lập Quy hoạch, tỉnh đã thực hiện rà soát và xác định được 4 điểm nghẽn trong chặng đường phát triển địa phương thời gian qua. Cụ thể là điểm nghẽn về cơ sở hạ tầng kết nối đối ngoại và các liên kết lãnh thổ, liên kết phát triển; điểm nghẽn trong phát triển kinh tế nhanh và bền vững; tỷ lệ đô thị hóa thấp, mất cân đối trong tổ chức không gian lãnh thổ và điểm nghẽn trong phát triển khoa học, đổi mới sáng tạo. Từ đó, Quy hoạch tỉnh đã thể chế hóa, khái quát hóa khát vọng, tầm nhìn, quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển cho từng ngành, lĩnh vực, địa phương trong tỉnh, hướng đến mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, Nam Ðịnh trở thành tỉnh phát triển nhanh, toàn diện, bền vững, là tỉnh phát triển khá của cả nước và là một trong những trung tâm phát triển quan trọng của vùng nam Ðồng bằng sông Hồng; đến năm 2050, trở thành trung tâm kinh tế hiện đại, động lực phát triển quan trọng của vùng.

Quy hoạch tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1729/QÐ-TTg ngày 28/12/2023 là cơ sở pháp lý quan trọng mở ra thời cơ mới để thu hút các nguồn lực đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa Nam Ðịnh trở lại là thủ phủ công nghiệp của cả nước.

Năm 2023, Nam Ðịnh đạt mức tăng trưởng lịch sử 10,19%, đứng thứ 3 về tăng trưởng cao trong vùng Ðồng bằng sông Hồng và thứ 6 trong cả nước. Thu ngân sách trên địa bàn lần đầu tiên vượt mốc 10.000 tỷ đồng, hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ 20 trước hai năm.

Ðáng lưu ý, Nam Ðịnh cũng lần đầu tiên lọt tốp 10 địa phương có thu nhập bình quân đầu người cao nhất và thu hút đầu tư nước ngoài cũng ở tốp cao. Trong cơ cấu kinh tế, khu vực công nghiệp, xây dựng chiếm 42,01%; dịch vụ chiếm 34,46%; nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 20,82%... Những chuyển biến tích cực này là cột mốc đánh dấu thời kỳ phát triển mới của Nam Ðịnh, trở thành nền tảng tốt để địa phương tăng tốc, bứt phá năm 2024.

Thúc đẩy đầu tư để có tăng trưởng

Thành Nam trên con đường trở lại là thủ phủ công nghiệp ảnh 1

Lớp mẫu giáo trong khuôn viên Khu công nghiệp Bảo Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.

Trong nỗ lực thực thi chiến lược phát triển kinh tế vùng và địa phương diễn ra những năm gần đây, chuyên gia kinh tế Nguyễn Ðình Cung, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đánh giá, Nam Ðịnh là điểm sáng trong phát triển kinh tế địa phương. Sự chuyển mình của Nam Ðịnh được bắt đầu từ khu vực công nghiệp và hoạt động đầu tư. Trong giai đoạn 2020-2023, nguồn lực vốn đầu tư công được giải ngân vào các công trình trọng điểm, các tuyến đường giao thông huyết mạch đã phá dần những điểm nghẽn hạ tầng kết nối liên vùng, làm thay đổi diện mạo và mở ra cơ hội phát triển mới cho Nam Ðịnh. Ðầu tư vào các dự án hạ tầng có tác dụng tạo ra nhiều lợi ích lâu dài bên cạnh việc kích thích kinh tế ngay trong ngắn hạn. Không còn xa nữa để Thành Nam thoát khỏi tình trạng là "vùng trũng" về hạ tầng giao thông vì trong năm 2024, nhiều dự án giao thông nghìn tỷ đồng tiếp tục được triển khai thực hiện, tạo thành 5 hành lang kinh tế đồng bộ, hiện đại, kết nối giao thương hàng hóa, dịch vụ và văn hóa của cả vùng.

Nhưng "thước đo" của sự thành công trong phát triển kinh tế địa phương, theo đánh giá của Tiến sĩ Nguyễn Ðình Cung, không phải ở những con số đẹp, như tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp, thu hút "đại bàng" đến làm tổ, tăng thu ngân sách, quy mô lao động lớn... mà phải thể hiện ở sức lan tỏa của các dự án đầu tư đến đời sống kinh tế-xã hội gắn với tuyển dụng và đào tạo nghề cho người lao động tại chỗ vào làm việc tại doanh nghiệp, tạo thu nhập, bảo đảm an sinh xã hội và sự ổn định sinh kế cho người dân. Ðầu năm 2024, Khu công nghiệp dệt may Rạng Ðông liên tục tiếp nhận các dự án 60 triệu USD của Tập đoàn Crystal Hongkong (Trung Quốc) sản xuất sản phẩm vải có nhuộm, vải không nhuộm và cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho dự án nhà máy nhuộm không nước của Ðài Loan (Trung Quốc) Jehong Textile Enunic, quy mô hơn 6 triệu USD, công suất trung bình 16,5 triệu mét/năm. Ðây là một hướng đi khác biệt vì nhiều năm qua, các địa phương trong cả nước đều từ chối tiếp nhận các dự án dệt nhuộm do lo ngại vấn đề về môi trường, cho dù nhà đầu tư đều cam kết sẽ sử dụng công nghệ xử lý hiện đại, không tác động xấu đến môi trường. Ðiều này càng làm trầm trọng thêm sự mất cân đối trong ngành công nghiệp chủ lực của Việt Nam, khiến ngành dệt may không thể tăng tỷ lệ cung ứng nguyên phụ liệu trong nước. Nam Ðịnh cũng nói không với dự án ô nhiễm nhưng theo một cách khác. "Chúng tôi chủ động thu hút đầu tư trên quan điểm phải bảo đảm chất lượng và hiệu quả theo hướng chuyên sâu. Giải pháp là hình thành các khu công nghiệp chuyên ngành, dành riêng cho một ngành nghề hoặc một nhóm ngành nghề nhằm tạo ra lợi thế cho cả doanh nghiệp và nhà quản lý", ông Nguyễn Vũ Chiên, Phó Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Nam Ðịnh chia sẻ về định hướng thu hút đầu tư của tỉnh.

Trong giai đoạn phát triển quan trọng để thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu công nghiệp đến năm 2030, Nam Ðịnh cũng đẩy mạnh hỗ trợ chính sách, nguồn vốn cho doanh nghiệp nội địa tham gia đầu tư vào các ngành công nghiệp có lợi thế, nhất là dệt may. Những năm 2010, huyện Vụ Bản thuộc tốp nghèo nhất tỉnh, nhưng chỉ sau 5 năm đã vươn lên tốp đầu về tăng trưởng nhờ những tác động tích cực từ Khu công nghiệp Bảo Minh (chủ đầu tư là các doanh nghiệp ngành dệt may Việt Nam).

Ông Hoàng Mạnh Cường, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Bảo Minh cho biết, người lao động trong các công ty thuê mặt bằng ở khu công nghiệp có thu nhập khoảng 9 triệu đồng/tháng. Cuộc sống của họ khá ổn định vì đi làm tương đối gần nhà, tiết kiệm được nhiều chi phí để có một phần tích lũy từ thu nhập tiền lương, tiền công mà không phải ly hương. Những lao động xa nhà được bố trí thuê trọ trong khu nhà ở công nhân với giá hợp lý, có thiết chế đi kèm là hệ thống công viên xanh, nhà trẻ dành cho các lớp mẫu giáo... Công nghiệp về làng đã tạo sinh kế mới cho người dân Vụ Bản, khiến cuộc sống hoàn toàn đổi thay so với khi còn là huyện thuần nông với thu nhập chỉ 300-400.000 đồng/sào canh tác mỗi vụ.

Nam Ðịnh hiện phát triển 6 khu công nghiệp và thành lập thêm 10 khu công nghiệp, khu kinh tế mới, trong đó có khu công nghiệp mới Trung Thành, Hồng Tiến... Với cách làm sáng tạo, hiệu quả, tỉnh Nam Ðịnh đã bứt phá mạnh mẽ trong thu hút đầu tư để thúc đẩy tăng trưởng. Từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã thu hút gần 200 dự án đầu tư trong và ngoài nước với tổng số vốn đăng ký đầu tư gần 110 nghìn tỷ đồng và hơn 1 tỷ USD, vượt xa mục tiêu đặt ra cho giai đoạn 2021-2025, trong đó có những nhà đầu tư lớn như Quanta Computer, Tập đoàn Toray, Jia-wei, Sunrise, Crystal... Ðây là các dự án có ý nghĩa quan trọng để Nam Ðịnh tăng tốc phát triển, thu hẹp khoảng cách với các địa phương khác trong vùng và lấy lại vị thế là thủ phủ công nghiệp ở phía bắc.