Thành lập Trung tâm nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng

NDO - Sáng 26/1, thành phố Đà Nẵng công bố quyết định thành lập Trung tâm nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng và tổ chức Tọa đàm với chủ đề: “Đà Nẵng và Chính sách đón làn sóng đầu tư phát triển ngành thiết kế vi mạch, trí tuệ nhân tạo”.
0:00 / 0:00
0:00
Lễ công bố quyết định thành lập Trung tâm nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng.
Lễ công bố quyết định thành lập Trung tâm nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng.

Tham dự lễ công bố có các đồng chí Nguyễn Văn Quảng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị Đà Nẵng; Lê Trung Chinh, Phó Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố; Trần Phước Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố, cùng đại diện các cơ quan, đơn vị, địa phương của thành phố; Thành viên Tổ công tác và Tổ tư vấn triển khai Đề án "Phát triển chip bán dẫn và vi mạch của thành phố Đà Nẵng".

Đại diện các Bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo một số công ty thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo trong, ngoài nước đóng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và có quan tâm đầu tư đến thành phố Đà Nẵng; Các doanh nghiệp điện tử trong khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng có liên quan đến lĩnh vực vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo; đại diện các vườn ươm, các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; Đại học Đà Nẵng và các trường đại học trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và lân cận.

Trung tâm nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng (DSAC) được tổ chức tinh gọn, với 3 chức năng chính là: Đào tạo, bồi dưỡng lĩnh vực thiết kế vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo; hỗ trợ thu hút đầu tư trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo; liên kết, hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, ươm tạo các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực thiết kế vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.

Sau khi được thành lập, DSAC có nhiệm vụ tham mưu, tư vấn cho lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông trình cấp có thẩm quyền ban hành và tổ chức triển khai Đề án “Phát triển chip bán dẫn và vi mạch của thành phố Đà Nẵng”; phối hợp xây dựng chương trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng trên lĩnh vực bán dẫn, vi mạch và phát triển trí tuệ nhân tạo; chủ trì hoặc phối hợp trong và ngoài nước triển khai nghiên cứu khoa học, hội nghị, hội thảo khoa học, dự báo hoạt động, kết nối cung-cầu của thị trường nhân lực, giải pháp ứng dụng đối với lĩnh vực bán dẫn, vi mạch và trí tuệ nhân tạo;

Chủ trì hoặc phối hợp các trường, cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp trong nước và quốc tế tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, cấp chứng chỉ chuyên môn, giấy chứng nhận về lĩnh vực bán dẫn, vi mạch và phát triển trí tuệ nhân tạo theo quy định của pháp luật; tham mưu và triển khai thực hiện các giải pháp thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước thuộc lĩnh vực bán dẫn, vi mạch và phát triển trí tuệ nhân tạo đến sinh sống, làm việc, đầu tư tại Đà Nẵng;

Cung cấp các dịch vụ tư vấn, đào tạo, chuyển giao công nghệ, ươm tạo và phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp liên quan đến lĩnh vực bán dẫn, vi mạch và phát triển trí tuệ nhân tạo theo quy định pháp luật; phối hợp tổ chức thi sát hạch cấp chứng chỉ quốc tế về bán dẫn, vi mạch và phát triển trí tuệ nhân tạo theo quy định”; tuyên truyền, phổ biến kiến thức về bán dẫn, vi mạch và phát triển trí tuệ nhân tạo…

Thành lập Trung tâm nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng ảnh 2
Ông Lê Hoàng Phúc được bổ nhiệm giữ chức Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng.

Ngay sau Lễ công bố, Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng tổ chức Tọa đàm: “Đà Nẵng và Chính sách đón làn sóng đầu tư phát triển ngành thiết kế vi mạch, trí tuệ nhân tạo”. Khai mạc buổi Tọa đàm, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng thông tin về nội dung và lộ trình xây dựng các chính sách khuyến khích hỗ trợ cụ thể để phát triển ngành thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo mà thành phố đang triển khai thực hiện.

Cụ thể như dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 144/2016/NĐ-CP ngày 1/11/ 2016 của Chính phủ quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố Đà Nẵng tạo điều kiện để thành phố có thể khai thác được Công viên phần mềm Đà Nẵng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thiết kế vi mạch, trí tuệ nhân tạo, Công nghệ thông tin-Truyền thông tháo gỡ khó khăn về mặt bằng, hạ tầng;

Dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19/6/2023 của Quốc hội về tổ chức mô hình chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; Dự thảo về Nghị quyết HĐND thành phố về các chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng Phát triển nguồn nhân lực chip vi mạch bán dẫn, chính sách thu hút chuyên gia, Việt kiều để làm việc chuyển giao tri thức hình thành nhân lực lõi lâu dài phục vụ hoạt động đào tạo kỹ năng…).

Phát biểu tại Tọa đàm, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông thông tin về định hướng chính sách phát triển ngành vi mạch bán dẫn của Việt Nam và một số gợi ý đối với Đà Nẵng; đại diện Đại học Công nghệ thông tin và truyền thông Việt-Hàn (VKU), Đại học Đà Nẵng - đại diện cho các cơ sở đào tạo của Đà Nẵng đề xuất các cơ chế, chính sách về công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo.

Đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp tham gia phiên thảo luận bàn tròn về chính sách đón làn sóng đầu tư phát triển ngành thiết kế vi mạch, trí tuệ nhân tạo, phương hướng hoạt động của Trung tâm DSAC.

Dịp này, Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng cũng công bố Quyết định bổ nhiệm ông Lê Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng giữ chức vụ Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng.