Thành lập Trung tâm đào tạo vi mạch bán dẫn tại Đồng Nai

NDO - Ngày 22/1, Trường đại học Lạc Hồng và Công ty cổ phần Giáo dục Quốc tế SUN EDU đã ký kết thỏa thuận hợp tác thành lập Trung tâm đào tạo vi mạch bán dẫn tại Đồng Nai.
0:00 / 0:00
0:00
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh và Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Sơn Hùng tặng hoa chúc mừng các đơn vị ký kết.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh và Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Sơn Hùng tặng hoa chúc mừng các đơn vị ký kết.

Đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban Quản lý Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh cùng tham dự.

Với tầm nhìn cùng cam kết chung về sự phát triển bền vững cho ngành vi mạch bán dẫn Việt Nam, việc ký kết hợp tác thành lập Trung tâm đào tạo vi mạch bán dẫn tại Đồng Nai đánh dấu sự hợp tác chặt chẽ giữa Trường đại học Lạc Hồng và Công ty cổ phần Giáo dục Quốc tế SUN EDU.

Theo bản ký kết hợp tác, hai bên sẽ tập trung vào việc phát triển các chương trình đào tạo tiên tiến, cung cấp kiến thức lý thuyết, kỹ năng thực hành cho sinh viên, qua đó nâng cao năng lực và chuẩn bị cho họ trở thành những chuyên gia chất lượng cao trong lĩnh vực điện tử và vi mạch bán dẫn.

Ngoài ra, hai bên xây dựng chương trình đào tạo kỹ sư vi mạch một cách toàn diện, đáp ứng các yêu cầu ngày càng khắt khe từ thị trường lao động và ngành công nghiệp, giúp sinh viên có được kiến thức sâu rộng và kỹ năng cần thiết để thành công trong sự nghiệp sau này.

Thành lập Trung tâm đào tạo vi mạch bán dẫn tại Đồng Nai ảnh 1
Lãnh đạo Trường đại học Lạc Hồng và Công ty cổ phần Giáo dục Quốc tế SUN EDU ký kết bản thỏa thuận hợp tác.

Cùng với đó, hai bên cũng cam kết hỗ trợ nghiên cứu và phát triển công nghệ trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn thông qua việc tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động nghiên cứu, dự án đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ qua đó mong muốn góp phần thúc đẩy sự tiến bộ của ngành công nghiệp điện tử và vi mạch bán dẫn, cũng như phát triển kinh tế vùng Đông Nam Bộ.

Phát biểu tại sự kiện, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai Nguyễn Sơn Hùng kỳ vọng việc Trung tâm thiết kế vi mạch tại Đồng Nai đi vào hoạt động sẽ là nơi tập hợp các chuyên gia, giảng viên nòng cốt, hạt nhân có chất lượng cao để tiếp tục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực của tỉnh, đáp ứng được nhu cầu thiếu nhân lực ngày càng cao đối với lĩnh vực này. Đồng thời, góp phần hiện thực hóa mục tiêu 50 nghìn kỹ sư vào năm 2030 của Chính phủ cho ngành vi mạch bán dẫn, thúc đẩy phát triển hệ sinh thái bán dẫn và tạo thêm động lực, sức hút mới để tăng cường thu hút đầu tư công nghệ cao tại Đồng Nai và khu vực.

Thành lập Trung tâm đào tạo vi mạch bán dẫn tại Đồng Nai ảnh 2

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai Nguyễn Sơn Hùng phát biểu tại sự kiện.

Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai yêu cầu các sở, ngành liên quan hỗ trợ, tạo điều kiện cho Trường đại học Lạc Hồng triển khai các nội dung ký kết, góp phần xây dựng tỉnh Đồng Nai phát triển ngành vi mạch bán dẫn trong vùng kinh tế động lực công nghiệp công nghệ thông tin.

Trong thời gian tới, tỉnh Đồng Nai sẽ có cơ chế, chính sách để khuyến khích các trường đại học nghiên cứu cơ bản, đào tạo nhân lực chất lượng cao để dẫn dắt sự phát triển của ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn; tạo ra nhu cầu nhân lực cho công nghiệp vi mạch bán dẫn thông qua thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ hơn nữa.

Thành lập Trung tâm đào tạo vi mạch bán dẫn tại Đồng Nai ảnh 3
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban Quản lý Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ ngành công nghệ vi mạch bán dẫn.

Tại buổi ký kết, các đại biểu đã được nghe Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban Quản lý Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh giới thiệu một số nét khái quát về ngành công nghệ vi mạch bán dẫn nước ta; chính sách thu hút đầu tư vào ngành này của Thành phố Hồ Chí Minh; triển vọng của ngành đối với Vùng kinh tế trọng điểm phía nam.

Mặc dù là ngành kinh tế có quy mô hàng tỷ USD, nhưng hiện đang đối mặt với sự thiếu hụt nguồn nhân lực trầm trọng, nhu cầu nguồn nhân lực đối với ngành công nghệ vi mạch bán dẫn tăng vọt trong thời gian gần đây.