Thành lập tổ phúc lợi tại công đoàn cơ sở

NDO - Sáng 15/2, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả hợp tác với Công ty cổ phần dịch vụ thanh toán Việt Phú (MOVI) giai đoạn 2016-2022.
0:00 / 0:00
0:00
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Phan Văn Anh phát biểu tại Hội nghị.
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Phan Văn Anh phát biểu tại Hội nghị.

Thực hiện Chương trình nâng cao phúc lợi, lợi ích cho đoàn viên và người lao động, từ năm 2014 đến nay, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và MOVI đã hợp tác triển khai cung cấp các sản phẩm, dịch vụ với nhiều ưu đãi cho đoàn viên, người lao động tại các công đoàn cơ sở doanh nghiệp trong hệ thống Công đoàn Việt Nam.

Năm 2014, MOVI đã hợp tác với Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai triển khai thành công Chương trình Phúc lợi MOVI nhằm cung cấp các sản phẩm gia dụng, điện tử, điện lạnh, gói khám sức khỏe sinh sản,… tới đoàn viên và người lao động qua hình thức mua hàng trả góp/trả chậm.

Năm 2015, Tổng Liên đoàn và MOVI đã thống nhất ký kết thỏa thuận triển khai Chương trình Phúc lợi MOVI tới 15 Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố và 500 công đoàn cơ sở.

Báo cáo về kết quả thực hiện Thỏa thuận hợp tác, Trưởng Ban Quan hệ lao động Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Trần Thị Thanh Hà cho biết, các sản phẩm, dịch vụ ưu đãi cho đoàn viên, người lao thông qua Chương trình phúc lợi MOVI gồm: hàng điện gia dụng, điện lạnh, đồ dùng nhà bếp, đời sống, điện thoại và các thiết bị điện tử, xe đạp điện, xe đạp trẻ em, máy tính xách tay…

Từ năm 2014-2022, đã có 1,7 triệu đoàn viên, người lao động của 277 công đoàn cơ sở doanh nghiệp tại 29 Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố tham gia. Tổng giá trị hàng hóa, dịch vụ mà người lao động đã thụ hưởng từ Chương trình Phúc lợi MOVI từ 2014 đến nay khoảng 4.693 tỷ đồng.

Tổng số tiền giảm giá và lợi ích mang lại quy đổi thành tiền cho đoàn viên, người lao động hơn 563 tỷ.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Phan Văn Anh Phát đánh giá, các sản phẩm, dịch vụ của MOVI phong phú về chủng loại, chủ yếu các các mặt hàng liên quan trực tiếp đến đời sống hàng ngày của đoàn viên, người lao động, giá cả cạnh tranh trên thị trường, chất lượng tốt, phương thức thanh toán phù hợp và ưu đãi khác biệt so với nhiều doanh nghiệp tương tự; đáp ứng cơ bản mong muốn và nhu cầu tiêu dùng cũng như khả năng chi trả của đoàn viên, người lao động.

Thông qua hoạt động hợp tác, bên cạnh giá trị về vật chất, tinh thần mang lại cho đoàn viên, người lao động, các giá trị về hình ảnh, vai trò, uy tín của tổ chức công đoàn cũng được nâng lên rõ rệt, thể hiện sự tập trung hoạt động hướng về cơ sở, đổi mới trong phương pháp hoạt động, thực sự là tổ chức đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động, góp phần quan trọng vào việc thu hút người lao động tham gia, gắn bó với tổ chức công đoàn.

Tình hình kinh tế-xã hội, giá cả các mặt hàng, dịch vụ thiết yếu tiếp tục có nhiều biến động, khó dự đoán. Tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp dự báo còn gặp khó khăn, tác động lớn tới việc làm, thu nhập, đời sống của đoàn viên, người lao động. Dịch bệnh, khủng hoảng có xu hướng diễn biến phức tạp, khó lường… tác động mạnh đến nhu cầu được chăm lo, hỗ trợ và khả năng chống chịu của đoàn viên, người lao động.

Do vậy, chăm lo lợi ích cho đoàn viên, người lao động tiếp tục được xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động công đoàn của nhiệm kỳ 2023-2028; hoạt động chăm lo phúc lợi cần được mở rộng về quy mô, đi sâu vào chất lượng và sự tiện ích, đáp ứng đúng nhu cầu của nhiều đối tượng đoàn viên, người lao động với các mức thu nhập và mức sống khác nhau.

Một trong những nội dung phối hợp giai đoạn tới, đó là thí điểm mô hình Tổ phúc lợi tại doanh nghiệp gồm: cán bộ công đoàn cơ sở, đại diện doanh nghiệp, người lao động với sự hỗ trợ của công đoàn cấp trên, MOVI, nhằm triển khai hiệu quả các hoạt động thụ hưởng ưu đãi dành cho đoàn viên, người lao động. Trong đó, vai trò của công đoàn là nòng cốt.