Để công đoàn cơ sở mạnh hơn trong doanh nghiệp FDI

Sinh thời, trong bài nói chuyện với các đồng chí lãnh đạo Tổng Công đoàn Việt Nam, ngày 18/7/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Cán bộ công đoàn phải là người hiểu biết sản xuất, đời sống, nguyện vọng của công nhân, viên chức, phải hiểu chính sách của Đảng, phải hiểu về quản lý kinh tế, khoa học, kỹ thuật”. 

Theo đó, trong điều kiện hiện nay, khi Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thì cán bộ công đoàn tốt phải có phẩm chất và năng lực toàn diện, nhất là năng lực vận dụng pháp lý để giải quyết tranh chấp trong quan hệ lao động ở các doanh nghiệp FDI hiện nay.

Người lao động trong các doanh nghiệp FDI cần được bảo vệ khi xảy ra tranh chấp lao động. Ảnh: HẢI NAM
Người lao động trong các doanh nghiệp FDI cần được bảo vệ khi xảy ra tranh chấp lao động. Ảnh: HẢI NAM

Theo báo cáo tại Hội nghị Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lần thứ hai (khóa XII), thực trạng vừa thừa, vừa thiếu cán bộ công đoàn xảy ra ở nhiều nơi; năng lực đội ngũ cán bộ công đoàn chưa đồng đều, thiếu kinh nghiệm thực tiễn, tính chuyên nghiệp chưa cao... Đặc biệt, năng lực vận dụng pháp lý của cán bộ công đoàn để giải quyết tranh chấp lao động chỉ khả năng vận dụng các công cụ pháp luật (những quy định, Luật, Bộ luật, văn bản thỏa thuận khác) của người cán bộ các vụ án lao động, hành chính, phá sản doanh nghiệp để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của tập thể người lao động còn nhiều hạn chế. 

Việc quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của tập thể người lao động, của từng lao động chưa được bảo đảm tốt dẫn đến hệ lụy là đình công của người lao động. Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đình công ở giai đoạn 2017-2019 chủ yếu tập trung ở doanh nghiệp FDI với số vụ và tỷ lệ: 506 vụ, chiếm 76,2%; đình công theo nước đầu tư (đối với doanh nghiệp Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Trung Quốc), giai đoạn 1995-2010 lần lượt là: Đài Loan với 851 vụ (37,6%), tiếp đó là Hàn Quốc với 712 vụ (31,4%), Nhật Bản với 128 vụ (0,56%) thì giai đoạn 2017-2019 các con số tương ứng là: Hàn Quốc 214 vụ (42,29%), Đài Loan 119 vụ (23,52%) và Nhật Bản 26 vụ (5,14%), các nước khác với 76 vụ (35,51%).

Từ thực trạng trên, để phát huy năng lực của cán bộ công đoàn trong vận dụng pháp lý để giải quyết tranh chấp trong quan hệ lao động ở các doanh nghiệp FDI hiện nay, các giải pháp sau có lẽ sẽ giúp tháo gỡ phần nào những mâu thuẫn giữa lợi ích của công nhân với người sử dụng lao động.

Bồi dưỡng pháp luật 

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cần tăng cường mở các lớp đào tạo, xây dựng đội ngũ chuyên gia-giảng viên kiêm nhiệm ở các tỉnh về thỏa ước lao động tập thể, giải quyết tranh chấp, tuyên truyền và phổ biến pháp luật nhằm tạo ra một lực lượng nòng cốt có đủ trình độ và khả năng để tổ chức các lớp tập huấn cho đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở về thương lượng thỏa ước lao động, giải quyết tranh chấp lao động... Tăng cường bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức, có trình độ chuyên môn ngành nghề thuộc lĩnh vực mình công tác, có kiến thức pháp luật, hiểu biết về lý luận nghiệp vụ công tác công đoàn, có kỹ năng, năng lực vận động, thuyết phục, tổ chức cho quần chúng, có tâm huyết với người lao động, với công đoàn cho cán bộ công đoàn cơ sở.

Nâng cao bản lĩnh 

Pháp luật hiện hành quy định công đoàn cơ sở có vị thế ngang bằng với chủ doanh nghiệp trong quan hệ hai bên tại doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực tế ở các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp FDI nói riêng, cán bộ công đoàn cơ sở không đủ bản lĩnh, khả năng để tận dụng điều đó. Kết quả khảo sát từ năm 2014 cho thấy, “có tới 47,5% cán bộ công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp FDI cho biết khi tham gia bảo vệ người lao động họ sợ phải mâu thuẫn với chủ doanh nghiệp”(1) và tình trạng này trong bối cảnh đại dịch Covid-19 càng đáng quan ngại hơn vì họ dễ mất việc. Đây là khó khăn trong năng lực vận dụng pháp lý của cán bộ công đoàn cơ sở trong việc giải quyết tranh chấp trong lao động. 

Do đó, để nâng cao bản lĩnh cho cán bộ công đoàn cơ sở, cần thiết phải tăng cường cán bộ công đoàn chuyên trách (kể cả cán bộ do doanh nghiệp trả lương) ở những doanh nghiệp đông công nhân lao động, tình hình quan hệ lao động phức tạp. Vì chỉ có thế, công đoàn cơ sở mới có vị thế tương đối độc lập với chủ doanh nghiệp và nâng cao được bản lĩnh, khắc phục được những hạn chế trong quá trình thương lượng, giải quyết tranh chấp lao động.

Nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh 

Cán bộ công đoàn cơ sở phải luôn nắm vững tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, từ đó kết hợp với những quy định pháp luật để vận dụng vào thương lượng đưa vào thỏa ước lao động tập thể hoặc phương pháp, quan điểm tham gia giải quyết tranh chấp trong quan hệ lao động. Thí dụ, doanh nghiệp xảy ra đình công về lợi ích trong lúc doanh nghiệp đang có ít đơn hàng, sản xuất đình trệ và không có nhu cầu sử dụng nhiều lao động. Nếu cán bộ công đoàn không nắm được điều này thì trong quá trình tham gia giải quyết đình công sẽ không có những quan điểm, lập luận cứng rắn để đòi lợi ích cho người lao động và sẽ khó đạt được mục đích, thậm chí tạo cơ hội cho người sử dụng lao động sử dụng những biện pháp cứng rắn với người lao động. Cán bộ công đoàn cơ sở cần tìm hiểu và nắm rõ đặc điểm tâm lý, tư tưởng, quan điểm, tính cách của người sử dụng lao động và văn hóa doanh nghiệp, văn hóa của nước đầu tư. Từ đó, xác định phương hướng, cách thức vận dụng pháp luật để thương lượng, phối hợp với người sử dụng lao động giải quyết tranh chấp trong quan hệ lao động.

Tăng cường tuyên truyền pháp luật và vận dụng hiệu quả

Đây là giải pháp gián tiếp hỗ trợ việc nâng cao năng lực vận dụng pháp lý của cán bộ công đoàn để giải quyết tranh chấp trong quan hệ lao động. Theo đó, phải đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của mọi người, nhất là người lao động và người sử dụng lao động, làm thay đổi hành vi của cả người lao động và người sử dụng lao động, hướng vào xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp. Các cấp công đoàn cần tổ chức nhiều hoạt động tư vấn pháp luật cho người lao động vừa nâng cao nhận thức của người lao động về pháp luật, vừa là cơ hội cho cán bộ công đoàn thực hành, tập dượt các tình huống tranh chấp lao động.

Trên thực tế, còn một số không nhỏ người sử dụng lao động chưa nhận thức đầy đủ về công đoàn, còn cho rằng công đoàn chỉ đấu tranh đòi hỏi quyền lợi cho người lao động, có công đoàn trong doanh nghiệp chỉ thêm rắc rối. Do đó, công đoàn cơ sở cần xây dựng mối quan hệ làm việc giữa công đoàn và người sử dụng lao động trên tinh thần hiểu biết, tôn trọng lẫn nhau. Từ đó, tạo điều kiện để cán bộ công đoàn có “đất” để sử dụng đến kiến thức pháp luật trong giải quyết tranh chấp lao động.

Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát

Thực tế vẫn còn nhiều doanh nghiệp FDI nợ tiền bảo hiểm, tiền lương của người lao động với số tiền lớn, không đủ khả năng chi trả, nhiều chủ doanh nghiệp bỏ trốn đẩy người lao động vào tình cảnh khó khăn, bức xúc. Đây là những nguyên nhân, mầm mống phát sinh tranh chấp lao động. Do đó, ngoài việc nâng cao khả năng vận dụng pháp luật để giải quyết tranh chấp lao động, các cấp công đoàn cần đẩy mạnh công tác giảm sát và phát hiện sớm những doanh nghiệp có biểu hiện nợ lương, nợ bảo hiểm người lao động. Từ đó, có kiến nghị hoặc phối hợp các cơ quan liên quan thanh tra, kiểm tra và đưa ra biện pháp xử lý kịp thời nhằm ngăn chặn mầm mống phát sinh tranh chấp lao động trong doanh nghiệp (kết quả nổi bật về chăm lo, bảo vệ quyền lợi công nhân, người lao động của Công đoàn Việt Nam giai đoạn 2018-2020: 2.564 vụ án được tổ chức công đoàn đại diện người lao động khởi kiện tại tòa án, giúp người lao động nhận được số tiền gần 45 tỷ đồng…).

Có thể thấy các giải pháp trên là một thể thống nhất, có quan hệ chặt chẽ với nhau; vì vậy, các cấp công đoàn cần vận dụng tổng hợp và hiệu quả. Trong đó, đặc biệt coi trọng các hoạt động ngăn ngừa, giảm thiểu tranh chấp lao động, tức là cần phối hợp xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp.

1- Kết quả khảo sát thực hiện báo cáo chuyên đề: “Thực trạng chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp hiện nay, do Viện Công nhân vì Công đoàn thực hiện, năm 2013-2014.