Thành lập Hiệp hội chuyển đổi số Việt Nam-Nhật Bản, thúc đẩy hợp tác CNTT

NDO - Hiệp hội Chuyển đổi số Việt Nam-Nhật Bản (VADX Japan) vừa chính thức được thành lập tại Tokyo, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác lĩnh vực công nghệ số giữa Việt Nam và Nhật Bản đồng thời đóng góp vào sự phát triển kinh tế hai quốc gia.
0:00 / 0:00
0:00
Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Phạm Quang Hiệu; Chủ tịch Hội đồng Sáng lập Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA), Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình cùng các doanh nghiệp CNTT ấn nút ra mắt Hiệp hội chuyển đổi số Việt Nam - Nhật Bản.
Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Phạm Quang Hiệu; Chủ tịch Hội đồng Sáng lập Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA), Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình cùng các doanh nghiệp CNTT ấn nút ra mắt Hiệp hội chuyển đổi số Việt Nam - Nhật Bản.

FPT Japan với đại diện là ông Đỗ Văn Khắc, Phó Tổng Giám đốc FPT Software (công ty thành viên của Tập đoàn FPT) kiêm Tổng Giám đốc FPT Japan đảm nhận vai trò là Chủ tịch Hiệp hội. Hai công ty giữ vai trò đồng Phó Chủ tịch gồm RikkeiSoft Japan với đại diện là ông Bùi Quang Huy, Tổng Giám đốc và VTI với đại diện là ông Trần Xuân Khôi, Tổng Giám đốc. Tổng Thư ký và quản lý điều hành chung hiệp hội là đại diện Công ty Mirabo.

Sự kiện ra mắt Hiệp hội Chuyển đổi số Việt Nam - Nhật Bản có sự tham dự của Đại sứ Đặc mệnh Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản Phạm Quang Hiệu; Công sứ Nguyễn Đức Minh cùng đại diện các Bộ Khoa học - Công nghệ, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Công thương, Bộ Giáo dục và Đào tạo của Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, Chủ tịch Hội đồng Sáng lập Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA), Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình và lãnh đạo các hội người Việt Nam tại Nhật Bản.

Nhận thấy nhu cầu ủy thác phát triển phần mềm của Nhật Bản ước tính hơn 30 tỷ USD/ năm, trong khi các doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ đạt 6-7% thị phần (số liệu IPA), FPT Japan cùng các doanh nghiệp CNTT Việt Nam tại Nhật Bản đã quyết định thành lập Hiệp hội Chuyển đổi số Việt Nam - Nhật Bản (VADX Japan).

VADX Japan phấn đấu sẽ đạt mục tiêu tổng doanh thu của các doanh nghiệp CNTT Việt Nam tại Nhật đạt 150 tỷ yên (1 tỷ USD) vào năm 2025 và 1.000 tỷ yên (7 tỷ USD) năm 2033.

Bên cạnh đó, VADX Japan được kỳ vọng sẽ trở thành cầu nối chiến lược, thúc đẩy sự hợp tác và phát triển giữa hai quốc gia trong lĩnh vực công nghệ số, đồng thời tăng tốc và nâng cao hiệu quả của quá trình chuyển đổi số nhằm đóng góp vào sự phát triển bền vững của kinh tế và xã hội.

Cụ thể, VADX Japan sẽ tổ chức các hoạt động thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ số tiên tiến cho các thành viên trong hiệp hội. Bằng việc hợp lực, các thành viên trong VADX Japan nói riêng và các doanh nghiệp CNTT Việt Nam tại Nhật Bản sẽ có lợi thế trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế, xúc tiến đầu tư, thiết lập hợp tác với các doanh nghiệp, chính quyền và các tổ chức Nhật Bản.

Đối với việc phát triển nguồn lực, VADX Japan đặt mục tiêu xây dựng đội ngũ hàng chục nghìn kỹ sư chất lượng cao tại Nhật và hàng trăm nghìn kỹ sư thành thạo tiếng Nhật tại Việt Nam. Qua đó, VADX Japan sẽ góp phần bù đắp cho sự thiếu hụt nhân lực của Nhật Bản - ước tính khoảng 789.000 người vào năm 2030 (theo METI - Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản).

Đặc biệt, nhân sự trong các mảng công nghệ mới như Cloud, Big Data, AI, Blockchain và VR/XR sẽ được ưu tiên chú trọng trong bối cảnh Nhật Bản đang tích cực phát triển các công nghệ tiên tiến để xây dựng mô hình “Xã hội 5.0”.

“Hơn hai thập kỷ trước, các doanh nghiệp CNTT Việt Nam đã cùng nhau thành lập Vinasa với mục tiêu thắp sáng trí tuệ Việt Nam trên bản đồ công nghệ thế giới. Chúng tôi đã làm được, Việt Nam đã trở thành điểm đến hấp dẫn hàng đầu về xuất khẩu phần mềm.

Tại thời điểm này, các doanh nghiệp thành viên của VADX Japan đang đứng trước bối cảnh hoàn toàn khác. Cả thế giới đang nói về AI, Bán dẫn, Công nghệ ô-tô, Chuyển đổi số, Chuyển đổi xanh. Đây là năm công nghệ sẽ quyết định tương lai của thế giới, quyết định trật tự mới của thế giới, quyết định vận mệnh của dân tộc này hay dân tộc khác.

Các thành viên của VADX Japan đang có một vị trí vô cùng quan trọng tại thời điểm bước ngoặt này để cùng góp phần thay đổi năng lực cạnh tranh, tạo một vị thế đặc biệt trên thế giới cho Việt Nam và Nhật Bản”, Chủ tịch Hội đồng Sáng lập Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA), Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình phát biểu tại sự kiện.

"Tôi tin tưởng thông qua Hiệp hội Chuyển đổi số Việt Nam - Nhật Bản, ngày càng nhiều doanh nghiệp CNTT Việt Nam sẽ xây dựng thành công mối quan hệ hợp tác sâu rộng với các tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp tại Nhật Bản. Đồng thời, với vai trò Chủ tịch Hiệp hội, chúng tôi cam kết sẽ mang tới những cơ hội sinh sống và làm việc tốt nhất cho các lập trình viên, kỹ sư CNTT Việt Nam tại Nhật Bản", ông Đỗ Văn Khắc, Phó Tổng Giám đốc FPT Software, Tổng Giám đốc FPT Japan, khẳng định.

Các doanh nghiệp CNTT Việt Nam tại Nhật Bản đang phát triển rất mạnh về cả chất và lượng. Hiện nay, Việt Nam đã có hơn 10 doanh nghiệp có quy mô trên 1.000 lao động, có thể kể đến như FPT, Rikkeisoft, VTI, NTQ, CMC... Tổng số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ CNTT cho các doanh nghiệp Nhật Bản lên tới gần 500 doanh nghiệp.

Từ vai trò làm thuê ở các công đoạn đơn giản như lập trình và kiểm thử, tới nay các doanh nghiệp đều đã có thể tham gia vào các giai đoạn từ nghiên cứu, thiết kế đến triển khai các dự án chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ mới như cloud, big data, AI, blockchain và VR/XR.

FPT Japan là một trong những doanh nghiệp CNTT Việt Nam có quy mô lớn nhất tại Nhật với 3.500 nhân sự làm việc trực tiếp tại 18 văn phòng và trung tâm phát triển ở Nhật Bản và đội ngũ gần 15.000 nhân sự trên toàn cầu hỗ trợ triển khai các dự án cho khách hàng Nhật Bản.

Công ty cung cấp dịch vụ và giải pháp toàn diện cho hơn 450 khách hàng trên thế giới, hỗ trợ chuyển đổi số thông qua các dịch vụ tư vấn chiến lược và các giải pháp công nghệ tiên tiến như AI, học máy và điện toán đám mây.

Trải qua 2 thập kỷ, FPT Japan đã được công nhận là doanh nghiệp tiên phong trong việc thúc đẩy quan hệ song phương, và được tổ chức Great Place to Work trao tặng nhiều danh hiệu như "Nơi làm việc tốt nhất châu Á", "Top 100 nơi làm việc tốt nhất tại Nhật Bản", "Top 5 nơi làm việc tốt nhất dành cho phụ nữ Nhật Bản năm 2022".

Gần đây, FPT Japan cũng phối hợp với Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản (Keidanren) để thúc đẩy phát triển cộng đồng doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam tại Nhật Bản.