Những tháng đầu năm nay, ngư dân tỉnh Thanh Hóa tiếp tục vươn khơi bám biển. Tàu TH-91083-TS của ông Đỗ Văn Lai ở phố Trung Thịnh, phường Quảng Tiến (thành phố Sầm Sơn) khai thác được 20 tấn cá hố khi hành nghề lưới vây đánh bắt hải sản ở Vịnh Bắc Bộ. Chủ phương tiện thông tin cho tàu bạn gần khu vực phát hiện luồng cá cùng tham gia đánh bắt thêm được hơn 5 tấn cá hố.
Giảm khai thác thủy sản ven bờ
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Quảng Tiến Trần Văn Dũng: Việc chia sẻ thông tin nguồn lợi, hợp tác trong lao động, sản xuất trên biển, trợ giúp nhau ứng phó với thiên tai, xử lý các tình huống nảy sinh giúp ngư dân vươn khơi, bám biển đánh bắt thủy sản hiệu quả, an toàn.
Chính quyền phường khuyến khích nhân rộng tổ đồng quản lý, phối hợp đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động, tăng cường chuyển giao công nghệ, các tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng vào sản xuất, bảo đảm năng lực vận hành phương tiện an toàn.
Cơ quan chức năng trao tặng cờ cho ngư dân Sầm Sơn vươn tới ngư trường xa đánh bắt hải sản. |
Thành phố Sầm Sơn có hơn 1.700 phương tiện nghề cá, trong đó có hơn 200 phương tiện khai thác thủy sản ở vùng khơi, tình nguyện tham gia 56 tổ đoàn kết lao động trên biển.
Trưởng Phòng Kinh tế, Ủy ban nhân dân thành phố Sầm Sơn Vũ Đình Chinh cho hay: Phương tiện khai thác ven bờ giảm dần, có khoảng 200 ngư dân chuyển sang làm các ngành nghề khác hoặc bổ sung cho các tàu đánh bắt thủy sản xa bờ. Các xã, phường tuyên truyền, vận động, hướng dẫn ngư dân cải hoán, nâng cấp phương tiện theo hướng tăng công suất, chiều dài thân tàu, chuyển đổi nghề khai thác; yêu cầu chủ sở hữu tàu dài 15m trở lên không khai thác thủy sản trái phép ở vùng biển nước ngoài, thực thi các biện pháp khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu về chống khai thác bất hợp pháp.
Thành phố phối hợp với lực lượng chức năng quản lý chặt điều kiện xuất bến của các phương tiện; tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh xử lý nghiêm các hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng chất nổ, xung điện đánh bắt thủy sản. Có 5 hộ ngư dân tự nguyện tháo gỡ đăng đáy khai thác thủy sản vùng cửa sông Mã, ven biển.
Người lao động cắt, gỡ lấy chì trên bộ lưới giải bản. |
Tại xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương, sau nhiều năm thành lập tổ đồng quản lý, truyên truyền, vận động, ngư dân tự giác, trách nhiệm, có nhiều việc làm thiết thực tham gia bảo vệ nguồn lợi ven bờ.
Phương tiện nghề cá có công suất dưới 90CV giảm 73 phương tiện, tăng tàu cá có công suất từ 200 CV trở lên và trong xã hiện có 181 phương tiện có chiều dài từ 15 m trở lên chuyên khai thác hải sản xa bờ.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Quảng Nham Lê Văn Lành thông tin: Ngư dân đầu tư mua sắm, nâng cấp phương tiện, vươn khơi xa đánh bắt thủy sản nên trên địa bàn chỉ còn 5 phương tiện hoạt động ven bờ, chủ yếu sử dụng vào mục đích di chuyển trên đồng nuôi ngao. Qua kiểm tra, không có hành vi sử dụng lưới có kích thước nhỏ, thuốc nổ, xung kích điện đánh bắt thủy sản.
Phương tiện đánh bắt thủy sản cập cảng cá Quảng Nham. |
Hưởng ứng Tháng hành động bảo vệ nguồn lợi thủy sản, huyện Quảng Xương tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng, ngư dân trong bảo vệ nguồn lợi; tham gia quản lý, giám sát có hiệu quả vùng cửa sông, ven biển.
Xã Quảng Nham là địa điểm thường niên diễn ra hội nghị quán triệt các văn bản quy phạm pháp luật, Luật thủy sản đến cán bộ, nhân dân 5 xã vùng duyên hải nhằm định hình trong mỗi cá nhân ý thức tự giác chấp hành, có nhiều việc làm cụ thể bảo vệ thủy sinh. Chính quyền các cấp cùng lực lượng kiểm ngư, cảnh sát đường thủy tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý các hành vi “tận diệt” trong khai thác thủy sản, tháo gỡ đăng đáy lấn chiếm lòng sông, cửa lạch.
Bà Vũ Thị Ánh Nguyệt, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quảng Xương trao đổi: Mấy năm trở lại đây, trên địa bàn huyện không xảy ra các hành vi vi phạm nghiêm trọng như sử dụng thuốc nổ, xung kích điện khai thác nguồn lợi thủy sản. Qua rà soát, toàn huyện giảm 20 phương tiện chuyên đánh bắt thủy sản ven bờ và giảm 40 tàu có chiều dài 12 đến dưới 15m, nhưng tăng thêm 66 tàu có chiều dài 15m trở lên.
Huyện Quảng Xương tiếp tục đa dạng hóa phương thức, đẩy mạnh truyền thông, bảo đảm 100% cán bộ quản lý thủy sản, hơn 80% thuyền trưởng, chủ tàu cá được phổ biến Luật Thủy sản, các văn bản hướng dẫn khai thác đi đôi với bảo vệ nguồn lợi; tiếp tục ngăn chặn hiệu quả các hành vi khai thác sai vùng, sử dụng ngư cụ cấm, xung điện, chất nổ trong khai thác thủy sản.
Đồng quản lý trong hoạt động thủy sản
Thanh Hóa có 102 km bờ biển, 6 cửa lạch và trong tỉnh hiện có 6.507 phương tiện, 24.500 lao động nghề cá, trong đó 4.367 phương tiện hoạt động vùng bờ, 974 tàu hoạt động ở vùng lộng, 1.166 tàu chuyên đánh bắt hải sản ở vùng khơi. Tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ lắp thiết bị giám sát hành trình cùng phí thuê bao, 1.125 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đạt tỷ lệ 96,5%. Cơ quan chức năng đã nhập dữ liệu 606 tàu cá có chiều dài từ 6m đến dưới 12m và 2.135 tàu cá có chiều dài từ 12m trở lên vào Hệ thống cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia.
Thực hiện dự án bảo vệ nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững, Chi cục thủy sản đã hướng dẫn, hỗ trợ thành lập 15 tổ đồng quản lý, chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn các chủ phương tiện, ngư dân chấp hành các quy định pháp luật trong khai thác, bảo vệ thủy sinh ven bờ.
Tín hiệu vui là số lượng phương tiện thô sơ chuyên khai thác thủy sản ở vùng ven biển dần giảm; nhiều hộ dân đầu tư mua sắm, nâng cấp tàu, tham gia đánh bắt hải sản xa bờ. Tại xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa giảm 40 phương tiện khai thác ven bờ, nhưng tăng thêm 10 tàu cá có chiều dài 15 đến 24 m so với cùng kỳ năm trước.
Cua biển là đặc sản ở vùng biển Thanh Hóa. |
Ông Lê Văn Sáng, Phó Chi cục thủy sản Thanh Hóa ghi nhận: Năm 2022, Thanh Hóa giảm gần 200 phương tiện, khoảng 400 lao động khai thác nguồn lợi vùng lộng, ven bờ; bổ sung nguồn nhân lực cho các phương tiện đánh bắt hải sản xa bờ, cải thiện hiện trạng thiếu lao động nghề cá ở một số địa phương.
Trong tháng hành động bảo vệ nguồn lợi thủy sản, ngoài tiếp tục duy trì, khuyến khích người dân, huy động các thành phần trong xã hội cùng tham gia thả cá phóng sinh; các địa phương tiếp tục đẩy mạnh, đa dạng hóa phương thức truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của ngư dân trong bảo vệ thủy sinh, tái tạo, phát triển nguồn lợi thủy sản.
Ngư dân tháo gỡ hải sản. |
Từ năm 2018 đến tháng 2/2023, lực lượng chức năng đã xử lý 430 tàu cá vi phạm hành chính trong lĩnh vực khai thác thủy sản. Các đoàn công tác liên ngành tăng cường tuần tra, kiểm soát trên sông, ven biển, các cửa lạch nhằm phát hiện, tháo gỡ đăng đáy, xử lý chủ phương tiện, ngư dân sử dụng chất nổ, xung kích điện, lưới có kích thước nhỏ khai thác thủy sản.
Cơ quan chuyên môn cùng các địa phương tiến hành rà soát, xác minh tình trạng tàu cá, yêu cầu chấp hành hạn đăng kiểm, giấy phép khai thác thủy sản, thực thi các giải pháp chống khai thác bất hợp pháp; phối hợp với các đồn biên phòng, chính quyền vùng duyên hải quản lý chặt chẽ, không cho 41 tàu cá có chiều dài 15m trở lên chưa lắp thiết bị giám sát hành trình ra khơi đánh bắt thủy sản. Đồng thời khảo sát, tham mưu củng cố nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ đồng quản lý, xây dựng phương án kiện toàn, phát huy hiệu quả hoạt động của 389 tổ đội đoàn kết lao động trên biển, từng bước cơ cấu lại đội tàu, nghề và ngư cụ, ngư trường cho phù hợp để ngư dân vươn khơi, bám biển đánh bắt thủy sản hiệu quả gắn với bảo vệ đa dạng sinh thái biển, phát triển nguồn lợi thủy sinh.