Liên kết - Đột phá từ kinh tế biển - Phát triển nhanh và bền vững

Sáng 5/2, tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Xúc tiến đầu tư Vùng với chủ đề “Liên kết - Đột phá từ kinh tế biển - Phát triển nhanh và bền vững”.
0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Xúc tiến đầu tư Vùng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Xúc tiến đầu tư Vùng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đồng chí lãnh đạo cắt băng khai mạc Triển lãm ảnh về thành tựu phát triển kinh tế-xã hội các tỉnh Bắc Trung Bộ và duyên dải Trung Bộ.

Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; lãnh đạo 14 tỉnh Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ; các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương; các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã công bố Nghị quyết số 168/NQ-CP ngày 29/12/2022 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW.

Bộ trưởng cho biết, Chương trình hành động của Chính phủ đã cụ thể hóa bằng những nhiệm vụ, giải pháp thiết thực gắn với kế hoạch tổ chức thực hiện theo lộ trình cụ thể nhằm đạt được các mục tiêu của Nghị quyết.

Đây là căn cứ để các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố thuộc Vùng xây dựng chương trình, kế hoạch hành động của từng bộ, cơ quan và địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao và tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, phấn đấu đạt được cao nhất các mục tiêu đã đề ra.

Chương trình hành động của Chính phủ thể hiện định hướng chỉ đạo của Chính phủ theo tinh thần đổi mới về tư duy, tầm nhìn, phát huy sự năng động, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành phát triển của từng địa phương trong Vùng; tạo đồng thuận, thống nhất cao trong nhận thức và hành động từ các cơ quan Trung ương, các bộ, ngành tới các địa phương trong Vùng.

Chương trình hành động của Chính phủ tập trung phát triển các ngành kinh tế biển theo Quy hoạch vùng và quy hoạch từng địa phương giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050; đẩy mạnh liên kết nội vùng, giữa vùng với các vùng khác trong nước; coi liên kết phát triển vùng là xu thế tất yếu, là động lực kết nối và dẫn dắt sự phát triển, nghiên cứu tổ chức không gian phát triển vùng theo các tiểu vùng: Tiểu vùng Bắc Trung Bộ, tiểu vùng Trung Trung Bộ và tiểu vùng Nam Trung Bộ. Trong đó, tiểu vùng Trung Trung Bộ có vai trò động lực, có tác động lan tỏa, lôi kéo và thúc đẩy sự phát triển của toàn vùng;

Chương trình nâng cao hiệu quả hoạt động các khu kinh tế ven biển, khu công nghiệp, hệ thống đô thị ven biển, các hành lang kinh tế, các cực tăng trưởng, các trung tâm vùng và vùng động lực; phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh.

Liên kết - Đột phá từ kinh tế biển - Phát triển nhanh và bền vững ảnh 1
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư phát biểu khai mạc Hội nghị.

Đồng thời, Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện thí điểm các mô hình, cơ chế, chính sách đột phá nhằm thu hút và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển vùng và các tiểu vùng; bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên thiên nhiên, nhất là tài nguyên rừng và biển; chủ động phòng, chống thiên tai và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Chương trình huy động tối đa nguồn lực cho phát triển vùng, trong đó tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu, quan trọng, trọng điểm, có sức lan tỏa, nhất là phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc, quốc lộ, các tuyến đường vành đai, cảng hàng không, cảng biển, đường sắt bảo đảm kết nối vùng, các tiểu vùng và kết nối với các vùng khác; tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trong lĩnh vực ứng dụng và phát triển khoa học-công nghệ gắn với thế mạnh và định hướng phát triển của Vùng; xây dựng hệ thống thông tin, chia sẻ dữ liệu kinh tế-xã hội.

Về mục tiêu, Chương trình hành động của Chính phủ xác định 17 chỉ tiêu cụ thể về kinh tế-xã hội và môi trường phấn đấu đạt đến năm 2030, trong đó có một số chỉ tiêu quan trọng như: tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt khoảng 7-7,5%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 156 triệu đồng/người/năm (giá hiện hành); tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP đạt khoảng 30%; kinh tế số trong GRDP vùng đạt khoảng 30%.

Thu ngân sách nhà nước chiếm khoảng 20-25% cả nước; tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 47-48%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 75%; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1-1,5%/năm; đạt 11 bác sĩ/vạn dân; tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 54%.

Nghị quyết 168 của Chính phủ đề ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, bao gồm: công tác quán triệt, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW của Bộ Chính trị; hoàn thiện thể chế, chính sách và đẩy mạnh phát triển liên kết vùng; chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế biển; phát triển mạnh hệ thống đô thị, đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội vùng, nhất là hạ tầng giao thông; quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, nhất là tài nguyên biển, đảo và rừng; bảo vệ môi trường, nhất là môi trường biển; nâng cao khả năng ứng phó với thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển toàn diện văn hoá-xã hội vùng; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại; tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.

Bên cạnh đó, Chương trình hành động của Chính phủ cũng đã đề ra 34 nhiệm vụ cụ thể và 11 dự án đầu tư kết cấu hạ tầng Vùng để phát triển bứt phá, gồm các dự án có tính kết nối vùng: đường cao tốc trục Bắc Nam, đường cao tốc trục ngang kết nối đông -tây, đường bộ ven biển, đường sắt, cảng biển, các dự án nâng cấp, xây mới các cảng hàng không hiện có trong vùng; đồng thời đã phân công cho các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện với lộ trình và thời gian thực hiện cụ thể...

Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ cần xem xét những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh để tạo phát triển đột phá.

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Liên kết - Đột phá từ kinh tế biển - Phát triển nhanh và bền vững ảnh 2
Quang cảnh Hội nghị.

Phát biểu ý kiến gợi mở thảo luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chúng ta đang xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, dựa vào nội lực là chính, là cơ bản, lâu dài, ngoại lực là quan trọng và đột phá. Vì vậy, Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ cần xem xét những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh để tạo phát triển đột phá. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải đặt vấn đề vì sao chưa phát triển, hoặc phát triển nhưng chưa ngang tầm tiềm năng, trong khi 3 trụ cột là có, đó là:

Trước hết, con người miền Trung chịu thương, chịu khó, chịu khổ, ham học, hiếu học, trí tuệ, luôn khát vọng vươn lên.

Thứ hai là yếu tố thiên nhiên: vùng trời, vùng đất, vùng biển, núi rừng “rừng vàng, biển bạc”; 14 tỉnh trong Vùng đều có bờ biển dài, có nhiều sản vật quý, nhiều sản phẩm OCOP đặc sắc... Theo Thủ tướng, các nền văn minh xưa nay đều bắt nguồn từ các dòng sông, cảng biển; các trung tâm giao lưu kinh tế, văn hóa đều là từ các thành phố biển.

Thứ ba, Vùng có truyền thống lịch sử, văn hóa, với nhiều Di sản Văn hóa phi vật thể, Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới... được UNESCO công nhận, di sản văn hóa quốc gia; vùng đất giàu truyền thống, đa dạng bản sắc; truyền thống hào hùng, kiên cường, anh hùng trong đấu tranh, giải phóng dân tộc.

Liên kết - Đột phá từ kinh tế biển - Phát triển nhanh và bền vững ảnh 3

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm gian trưng bày sản phẩm đặc trưng của các tỉnh Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.

Thủ tướng cũng nêu rõ, thu nhập bình quân đầu người so cả nước còn thấp. Từ đây, chúng ta phải suy nghĩ tại sao chưa phát triển? Cái gì là đột phá để tạo sự phát triển? Nghị quyết của Đảng đã phân tích kỹ vấn đề này. Tuy nhiên, Thủ tướng mong muốn các đại biểu phân tích thêm, làm rõ điểm này. Vấn đề là các địa phương trong Vùng phải chọn trọng tâm, trọng điểm, chọn một vài việc để đột phá. Đất nước ta đã chọn 3 đột phá chiến lược để phát triển, do đó Vùng phải thực hiện 3 đột phá chiến lược, nhưng phải chọn “đột phá trong đột phá” để phát triển nhanh và bền vững nhất đối với khu vực.

Đất nước ta đã chọn 3 đột phá chiến lược để phát triển, do đó Vùng phải thực hiện 3 đột phá chiến lược, nhưng phải chọn “đột phá trong đột phá” để phát triển nhanh và bền vững nhất đối với khu vực.

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, các địa phương trong khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đã phát biểu nêu rõ những tiềm năng, cơ hội phát triển, cũng như những khó khăn, vướng mắc, đồng thời kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành tiếp tục có các cơ chế, chính sách để tận dụng tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, phát triển nhanh và bền vững, trong đó tập trung vào phát triển các hạ tầng chiến lược như hệ thống giao thông, các tuyến đường cao tốc, cảng biển, phát huy vai trò kinh tế biển, phát huy truyền thống văn hóa lịch sử hào hùng…

Phát biểu ý kiến kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ có nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh so các vùng trên cả nước, kể cả trên thế giới, thí dụ Di sản văn hóa thiên nhiên thế giới, Di sản văn hóa phi vật thể phong phú.

Theo Thủ tướng, nổi lên băn khoăn lớn đối với khu vực là, để phát huy hết tiềm năng, đặc biệt là tiềm năng con người của Vùng thì hạ tầng kết nối, cả hạ tầng cứng và hạ tầng mềm, kết nối cả các tỉnh với nhau, kết nối vùng với đất nước, khu vực và thế giới chưa chặt chẽ, chưa đầy đủ. Kết nối này gồm giao lưu con người với nhau chưa tương xứng tiềm năng; kết nối về thể chế, ý tưởng, những đổi mới sáng tạo với nhau và đặc biệt là kết nối cứng về hệ thống giao thông chiến lược.

Thủ tướng cho rằng trong Vùng có lợi thế hạ tầng, có đủ loại hình giao thông nhưng chưa xứng tầm, chưa chặt chẽ; hạ tầng về văn hóa, giáo dục, y tế nhưng mối liên kết, sử dụng như thế nào thì cần phải suy nghĩ, đầu tư thêm.

Điểm nữa là khai thác nguồn lực như thế nào? Cơ chế nào để khai thác hết tính sáng tạo, tự lực, tự cường của con người ở đây với khát vọng, trí tuệ, phẩm chất, chịu thương chịu khó ở “túi mưa, chảo nắng, chảo lửa”. Chính khó khăn đó đã tôi luyện lên bản lĩnh con người miền trung. Vấn đề là làm sao phát huy hết yếu tố con người vì con người vừa là trung tâm, vừa là chủ thể, là động lực, mục tiêu của sự phát triển.

Vấn đề trăn trở nữa là thể chế đã có, đang làm nhưng vẫn còn vướng mắc. Chúng ta cần thống nhất, quyết tâm tháo gỡ, vượt qua; cần đẩy mạnh hơn nữa về đổi mới sáng tạo.

Liên kết - Đột phá từ kinh tế biển - Phát triển nhanh và bền vững ảnh 4

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đồng chí lãnh đạo chứng kiến lễ trao các biên bản thỏa thuận hợp tác, giấy chứng nhận đầu tư.

Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu biến vùng đất này thành vùng đất giàu có, giàu bản sắc văn hoá hơn nữa, có nhiều đột phá hơn nữa.

Về quan điểm chỉ đạo, điều hành, Thủ tướng nhấn mạnh, thực tiễn rất phong phú và diễn ra rất nhanh, khó lường, khó dự đoán, do đó chúng ta phải bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, nắm chắc tình hình thực tiễn, từ đó chúng ta mới có đối sách kịp thời, phù hợp, hiệu quả; phải có tư duy phương pháp luận và cách tiếp cận để giải quyết vấn đề ách tắc, “nút thắt” như về kết nối giao thông; giao thông đi đến đâu tạo ra không gian phát triển mới, khu đô thị, khu công nghiệp, khu dịch vụ, tạo sự sôi động, nâng cao giá trị gia tăng của đất đai.

Thủ tướng nhấn mạnh, phải có cách tư duy, phương pháp luận để giải quyết các vấn đề về hạ tầng, thu hút các nguồn lực, giải quyết từng vấn đề “đúng và trúng” để hiệu quả.

Theo Thủ tướng, yêu cầu thì cao, nguồn lực có hạn, thời gian không có nhiều trong khi phải phát triển nhanh và bền vững trong thời gian ngắn, do đó phải ưu tiên có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó; phải phát huy tối đa tính tự lực, tự cường là chính, không trông chờ, ỷ lại; đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, cửa biển, lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, đó là các yếu tố con người, thiên nhiên, truyền thống lịch sử, văn hoá; phát huy nội lực để đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược với thứ tự ưu tiên.

Thủ tướng chỉ đạo, phải đẩy mạnh đổi mới sáng tạo gắn với phát huy truyền thống lịch sử, văn hoá, ý chí quật cường của người miền Trung; huy động nguồn lực cho sự phát triển từ nguồn ngân sách Trung ương và địa phương, phải sử dụng hiệu quả; tránh việc phân bổ nguồn lực dàn trải, manh mún, chia nhỏ; vấn đề là chọn “chìa khoá” để đầu tư mở ra sự phát triển mới; kinh nghiệm là phát triển phải tập trung, chọn vấn đề đột phá; “đầu tư 1 đồng phải ra 10 đồng”, thí dụ chọn đột phá về giao thông để giải quyết vấn đề logistics, tăng cạnh tranh, tạo ra giá trị mới. Tỉnh Bình Định đầu tư khoảng 9.000 tỷ đồng đầu tư tuyến đường ven biển, trong khi chỉ cần khai thác khoảng một phần nhỏ quỹ đất bên đường là có thể bù lại vốn đầu tư.

Liên kết - Đột phá từ kinh tế biển - Phát triển nhanh và bền vững ảnh 5

Các đại biểu trong nước và nước ngoài trao đổi tại hội nghị.

Theo Thủ tướng, cần tranh thủ huy động nguồn vốn tư nhân, cả trong nước và ngoài nước, nhưng phải tạo cơ hội, môi trường để nhà đầu tư tư nhân đến; bảo đảm nguồn vốn vay hiệu quả, thủ tục hành chính nhanh gọn; tăng cường huy động hợp tác đối tác công tư, là hình thức huy động rất quan trọng, miễn là bảo đảm lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ.

Luật về hợp tác công tư của chúng ta chưa hoàn thiện, cho nên cần phải sửa đổi; cần thực hiện theo tinh thần “lãnh đạo công, quản trị tư”; “đầu tư công, quản lý tư”; “đầu tư tư, sử dụng công”; tăng cường huy động cơ chế đầu tư BOT, BT, vấn đề là chúng ta cần quản lý tốt để tránh xảy ra tiêu cực, lợi ích nhóm; Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, đề xuất lại hình thức này cũng như một số cơ chế khác thì mới bảo đảm nguồn lực phát triển hạ tầng…

Thủ tướng yêu cầu, phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, là mục tiêu, động lực, nguồn lực cho sự phát triển; muốn vậy, người dân, doanh nghiệp phải tham gia chính sách; tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ thực thi, kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực.

Đề cập các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, Thủ tướng nhấn mạnh, việc tổ chức thực hiện là quan trọng; các bộ, ngành và 14 địa phương trong Vùng khẩn trương xây dựng Chương trình, Kế hoạch hành động để thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết 26-NQ/TW của Bộ Chính trị, Chương trình hành động của Chính phủ; xác định có trọng tâm, trọng điểm, bố trí nguồn lực để làm, làm việc nào dứt việc đó, nỗ lực phải cao, quyết tâm phải lớn, "cân, đong, đo, đếm" được.

Theo Thủ tướng, cần tập trung hoàn thiện thể chế, nhất là cơ chế điều phối vùng; làm tốt công tác quy hoạch vùng và chính sách liên kết vùng, quy hoạch đi trước một bước, có tư duy một bước, sát thực tế, chỉ ra tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, chỉ ra được mâu thuẫn thách thức, tồn tại, yếu kém từ đó để ra nhiệm vụ, giải pháp phù hợp; chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế biển; tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Thủ tướng yêu cầu:

Thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch, phát triển kinh tế rừng, chứng chỉ carbon, điện sinh khối; phát triển kinh tế nông nghiệp, tập trung ba động lực cho tăng trưởng, nhất là thúc đẩy tiêu dùng trong nước; các tỉnh phải tập trung thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy phát triển công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, giải quyết việc làm; đa dạng hoá thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng, tăng cường xuất khẩu.

Phát triển các dịch vụ mới như logistics, hàng không, điện tử, hình thành các trung tâm thương mại lớn, phát triển đô thị, đô thị hoá nông thôn, phát triển hạ tầng như giao thông, văn hoá, y tế, đẩy nhanh đầu tư tuyến cao tốc bắc-nam, tăng cường kết nối đông-tây, như kết nối Khánh Hoà với Đắk Lắk, Kon Tum và Gia Lai kết nối Bình Định, Lâm Đồng với Ninh Thuận; phát triển kinh tế biển phải có cảng biển gồm cả các cảng du lịch biển, cảng cá; quản lý sử dụng hiệu quả tài nguyên biển, đất, rừng, trong đó có vật liệu xây dựng; tăng cường thích ứng biến đổi khí hậu.

Liên kết - Đột phá từ kinh tế biển - Phát triển nhanh và bền vững ảnh 6

Các đại biểu trong nước và nước ngoài trao đổi tại hội nghị.

Phát triển văn hoá ngang tầm phát triển kinh tế-xã hội, chính trị; theo đó trước hết phát triển hạ tầng văn hoá, phải có quy hoạch ngành về văn hoá, có quy hoạch tốt thì có dự án tốt, nhà đầu tư tốt, hiệu quả tốt; thực hiện tốt 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.

Thủ tướng đề nghị 14 tỉnh, thành phố phải rà soát lại các dự án thuộc 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, tránh dàn trải, kém hiệu quả. Tập trung phát triển giáo dục, y tế, tăng năng suất lao động. Bảo đảm vững chắc quốc phòng an ninh.

Thủ tướng yêu cầu các tỉnh phải bảo đảm ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; làm tốt công tác đối ngoại, tăng cường kết nối Tiểu vùng; làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng, xây dựng bộ máy tinh gọn, gắn với hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế nhưng gắn với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức; tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Các bộ, ngành, địa phương cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ cụ thể trong Nghị quyết 01 của Chính phủ, Chỉ thị 03 của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là tập trung hoàn thành công tác quy hoạch; giải ngân vốn đầu tư công, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.

Thủ tướng hoan nghênh sự hợp tác của các nhà đầu tư có mặt tại hội nghị, thể hiện tiềm năng, lợi thế của Vùng rất lớn, kêu gọi thực hiện nhất quán hợp tác và phát triển trong đầu tư; hợp tác phải có lợi, trên tinh thần lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ, cân bằng lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân; Chính phủ cam kết luôn cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo cơ hội, sự hấp dẫn.

Theo Thủ tướng, các tỉnh, thành phố trong Vùng cần kêu gọi được các nhà đầu tư chiến lược, giữ vững ổn định chính trị để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô; tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn về thể chế, hạ tầng cơ sở và nguồn lực…; trong đó quan tâm tháo gỡ ách tắc cho các dự án bất động sản, cả đầu vào và đầu ra, cả người bán và người mua.

Trên cơ sở này, các địa phương sẽ tạo công ăn việc làm, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp; thúc đẩy các chuỗi cung ứng, giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp và người dân; xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, thuận lợi; ưu tiên thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi số; khuyến khích các cấp chính quyền đối thoại với nhà đầu tư để tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc trên tinh thần hài hoà lợi ích.

Thủ tướng cho rằng, khi doanh nghiệp gặp khó khăn thì chính quyền không nên đùn đẩy, né tránh, không giải quyết. Bên cạnh đó, Thủ tướng mong các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài có niềm tin đối với Việt Nam, các cấp chính quyền, kinh tế Việt Nam. Các nhà đầu tư cần có chiến lược đầu tư lâu dài, nếu có vấn đề vướng mắc thì ngồi lại với nhau giải quyết; đã nói là làm, đã làm là ra sản phẩm.Các địa phương cần phát huy truyền thống tốt đẹp của miền Trung anh hùng, quật cường.

Với tinh thần đoàn kết, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân trong vùng, với sự đồng hành của các doanh nghiệp, các đối tác phát triển, Thủ tướng tin tưởng khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ sẽ phát triển nhanh, mạnh mẽ và bền vững, quyết tâm thực hiện thành công Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị.

Liên kết - Đột phá từ kinh tế biển - Phát triển nhanh và bền vững ảnh 7

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đồng chí lãnh đạo cắt băng khai mạc Triển lãm ảnh về thành tựu phát triển kinh tế-xã hội các tỉnh Bắc Trung Bộ và duyên dải Trung Bộ.

* Trước giờ khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đồng chí lãnh đạo đã cắt băng khánh thành Triển lãm ảnh Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ “Liên kết - Đột phá từ kinh tế biển - Phát triển nhanh và bền vững” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức; tham quan khu trưng bày nông sản và sản phẩm thủ công đặc trưng vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.