Trong 2 ngày 5 và 6/1, tại thành phố Đồng Hới, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình tổ chức Hội thảo Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Dự Hội thảo, có đại diện của một số bộ, ngành Trung ương, các địa phương có biển, nhiều chuyên gia, nhà khoa học và khách quốc tế.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân nêu rõ, việc lập Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm triển khai các chủ trương, chính sách quan trọng của Đảng, Chính phủ về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam.
Trong đó, cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu và các giải pháp chủ yếu được nêu trong Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển trong phạm vi vùng bờ trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển; phát huy các tiềm năng, lợi thế của biển và hải đảo, tạo động lực phát triển kinh tế đất nước; bảo đảm quốc phòng, an ninh, duy trì môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước.
“Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 là loại quy hoạch đa ngành, khó và phức tạp, lần đầu tiên được lập ở Việt Nam theo cách tiếp cận không gian, tổng hợp. Vì vậy, việc tổ chức Hội thảo này là rất cần thiết nhằm tham vấn ý kiến về dự thảo Quy hoạch”, Thứ trưởng Lê Minh Ngân nhấn mạnh.
Tại Hội thảo, đại diện Cục Biển và Hải đảo (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã trình bày báo nội dung báo cáo Quy hoạch. Theo đó, phạm vi quy hoạch bao gồm vùng biển ven bờ và vùng đất ven biển: Vùng biển ven bờ có ranh giới trong là đường mép nước biển thấp nhất trung bình nhiều năm và ranh giới ngoài cách đường mép nước biển thấp nhất trung bình nhiều năm ra đến 6 hải lý do Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định và công bố; vùng đất ven biển bao gồm các xã, phường, thị trấn có biển thuộc 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển.
Nội dung Quy hoạch gồm 6 phần, trong đó đã làm rõ các tác động của việc khai thác, sử dụng tài nguyên và biến đổi khí hậu, nước biển dâng đến tài nguyên, môi trường vùng bờ; dự báo tiến bộ khoa học công nghệ và phát triển kinh tế-xã hội tác động đến việc bảo vệ, khai thác sử dụng tài nguyên vùng bờ; giải pháp, tổ chức thực hiện Quy hoạch.
Các đại biểu tham gia hội thảo đã trao đổi, phân tích làm rõ thêm 1 số nội dung trong Quy hoạch trên cơ sở xuất phát từ thực tiễn cuộc sống để cơ quan soạn thảo Quy hoạch có cái nhìn bao quát và sâu sát hơn. Trên cơ sở đó làm rõ hơn về vai trò, trách nhiệm của các bên liên quan và các giải pháp để thúc đẩy mạnh mẽ việc thực hiện Quy hoạch đa ngành này.
Đặc biệt, Hội thảo được nghe đại diện Chương trình Phát triển Liên hợp quốc và Đại sứ quán Na Uy chia sẻ những kinh nghiệm về quy hoạch biển, quy hoạch phát triển điện gió - một phần nội dung của Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ của Việt Nam.
Theo đại diện Ban tổ chức, kết quả của Hội thảo sẽ được xem xét bổ sung, cập nhật trên cơ sở lý luận và thực tiễn vào dự thảo Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong thời gian tới góp phần thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam.