Thanh Hóa ứng phó với biến đổi khí hậu

NDO - Những năm gần đây, khí hậu, thiên tai có nhiều khác biệt so với quy luật, thời tiết cực đoan gây ra những thảm họa, thiệt hại khó lường. Thanh Hóa là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Thời tiết diễn biến khó lường, gia tăng hiện tượng cực đoan, tăng tính khốc liệt của thiên tai về cường độ lẫn tần suất.
0:00 / 0:00
0:00
Sóng, nước biển xâm thực tàn phá công trình, cây trồng, hạ thấp cốt nền bờ biển ở xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa.
Sóng, nước biển xâm thực tàn phá công trình, cây trồng, hạ thấp cốt nền bờ biển ở xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa.

Trước những khó khăn thách thức đó, Đảng bộ chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã và đang thực thi đồng bộ các biện pháp nhằm phòng, chống, giảm nhẹ thiệt hại thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thiên nhiên bất thường

Những ngày vừa qua, triều cường, sóng cả đẩy nước biển xâm thực mạnh bờ biển ở thôn Tân Xuân, xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Kiểm tra thực địa, các cơ quan Trung ương, địa phương ghi nhận: Khoảng tháng 6, tháng 7 năm nay và ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4 kết hợp với triều cường, gió mạnh gây sóng lớn, dòng chảy diễn biến phức tạp nên bờ biển phía bắc cửa Lạch Hới bị sạt lở, xâm thực trên chiều dài khoảng 1,5km, chiều rộng trung bình khoảng 75m. Đặc biệt, nước biển xâm thực gây sạt lở đất ở của 3 hộ dân và trụ sở, khuôn viên làm việc của Trạm Kiểm soát Biên phòng Lạch Hới.

Thanh Hóa ứng phó với biến đổi khí hậu ảnh 1
Bờ biển và đường bê-tông ở Khu du lịch Hải Tiến bị nước biển xâm thực, tàn phá vào năm 2017.

Tiếp đó, ảnh hưởng bão số 6 và không khí lạnh gây gió mạnh khiến cho tình trạng sạt lở diễn biến rất nghiêm trọng, phức tạp. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã công bố tình huống khẩn cấp sạt lở, xâm thực bờ biển khu vực cửa Lạch Hới; giao nhiệm vụ cụ thể cho địa phương và các ngành liên quan thực thi biện pháp trước mắt và lâu dài nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhà nước, nhân dân khu vực này.

Ở vùng duyên hải Thanh Hóa, thảm rừng phi lao ven biển dần thu hẹp, nhường chỗ cho các khu du lịch, dịch vụ, đô thị ven biển. Riêng năm vừa qua, Thanh Hóa giảm gần 35ha rừng trên cát. Tiên phong đầu tư khai thác tiềm năng du lịch ở Hải Tiến, ông Lê Xuân Thảo, Trưởng Ban quản lý Khu du lịch Tiến Thanh nhớ lại: Mùa mưa bão năm 2017, triều cường, sóng cả dồn dập đổ bờ, tràn qua tuyến đường ven biển, xâm nhập đơn nguyên lưu trú, gây sạt lở, sụt, gãy, hư hỏng hơn 1km đường bê-tông ở khu du lịch Hải Tiến. Nhà nước phải bố trí ngân sách đầu tư thi công cấp bách tuyến kè bờ biển và các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư hàng chục tỷ đồng để thi công lại tuyến đường ven bờ biển.

Thanh Hóa ứng phó với biến đổi khí hậu ảnh 2

Sạt lở bờ sông, hư hỏng đường giao thông ở xã Trung Sơn, huyện Quan Hóa năm 2018.

Tại xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Lê Văn Lành cho hay: Từ năm 2018 trở về trước, trung bình mỗi năm bờ biển ở thôn Tân bị triều cường, nước biển nhiều năm xâm nhập, gây sạt lở, lấn vào đất liền từ 5-10m. Thảm rừng phi lao trồng trên bãi cát ven bờ dài hơn 2km dần bị cuốn đổ, xói lở sâu vào đất liền. Nhà nước mới đầu tư thi công 2,5km kè bê- tông nên bờ biển không còn bị sạt lở, xói trôi cát nữa, nhân dân yên tâm, ít phải di dời đến nơi an toàn theo các cấp báo động.

Thanh Hóa có 6 huyện, thị xã, thành phố vùng duyên hải với hơn 100km bờ biển. Người dân trong tỉnh còn nhớ sự việc vỡ đê biển ở thôn Ninh Phú xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc, nước mặn xâm nhập sâu vào đồng chuyên canh lúa, màu ở các xã đông Kênh De. Tháng 10 năm 2007, Thanh Hóa có mưa to, lũ lụt lớn diện rộng và hơn 10 năm sau lại xảy ra lũ lụt lịch sử. Đê sông Chu, sông Mã phát sinh những điểm xung yếu, cống tiêu Quan Hoa dưới đê sông Cầu Chày chảy lồng và lực lượng chức năng ở huyện Thọ Xuân phải nhấn chìm một máy ủi bánh xích chặn nước, gia cố đê.

Tại vùng thượng du, vào các năm 2017, 2018 và 2019 liên tục xảy ra lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng, chia cắt huyện vùng cao biên giới Mường Lát dài ngày. Lũ quét gây ra thảm họa, cướp đi sinh mạng của hơn 20 cán bộ, người dân các bản: Hắc, xã Trí Nang, huyện Lang Chánh; Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn; lũ cuốn trôi, xô đổ nhà ở, tài sản của người dân bản Poọng, xã Tam Chung, huyện Mường Lát; sạt lở đất nghiêm trọng tại xã Trung Sơn, huyện Quan Hóa.

Thanh Hóa ứng phó với biến đổi khí hậu ảnh 3

Nỗi đau trong lòng người bản Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn sau thảm họa lũ quét năm 2019.

Giám đốc Đài khí tượng thủy văn tỉnh Thanh Hóa, Nguyễn Văn Minh thông tin: Quan trắc khí tượng 10 năm qua, nhiệt độ ở Thanh Hóa tăng 0,1-0,4oC, có đợt nắng nóng kéo dài 30 ngày; hạn hán, nước mặn xâm nhập sâu vào các con sông. Mưa lớn bất thường khác với quy luật nhiều năm, mưa to xảy ra cục bộ, bão xuất hiện quanh năm, gia tăng những cơn bão mạnh. Hoạt động nông nghiệp, bảo đảm an ninh lương thực, nguồn nước, nhất là vùng duyên hải, miền núi dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu.

Giai đoạn 2016-2021, tỉnh Thanh Hóa thiệt hại 10.106 tỷ đồng do thiên tai gây ra, trong đó riêng năm 2017 thiên tai gây hại gần 4.800 tỷ đồng. Cùng năm này trong tỉnh có 27 người chết, 2 người mất tích; năm sau đó 22 người chết, 16 người mất tích và năm 2019 có 19 người chết, 2 người mất tích do thiên tai.

Ngoài nguyên nhân khách quan, về chủ quan những tác động của con người, hoạt động khai thác tiềm năng thủy điện, lợi thế du lịch biển, bãi bồi trong lòng sông, suy giảm về chất lượng rừng, việc thi công các hạng mục công trình dân sinh, kinh tế có phần ảnh hưởng, làm gia tăng mức độ thiệt hại do thiên tai gây ra.

Cộng đồng an toàn, thích ứng bền vững

Thanh Hóa ứng phó với biến đổi khí hậu ảnh 4

Bờ biển xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương mới được thi công 2,5 km kè bê-tông, giảm nước biển xâm thực, xói lở cát.

Nhiều năm qua Thanh Hóa đã được đầu tư nâng cấp, kiên cố hóa 43km đê biển; nâng cấp, sửa chữa 319 hồ chứa nước; thi công công trình ổn định dân cư tại chỗ, sắp xếp dân cư xen ghép, xây dựng hơn chục khu tái định cư tập trung ở các huyện miền núi thiệt hại nặng nề do thiên tai gây ra. Nhiều hộ dân ở các địa phương được hỗ trợ làm nhà theo thiết kế “sống chung với lũ”. Hiện công trình ngăn mặn, giữ ngọt đang triển khai thi công trên hạ lưu sông Lèn thuộc huyện Hậu Lộc và Nga Sơn.

Nhiệm kỳ này, Thanh Hóa sớm xây dựng, triển khai đề án “Nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự, ứng phó với sự cố thiên tai, tìm kiếm cứu nạn”; đã và đang bố trí gần 550 tỷ đồng từ ngân sách và nguồn huy động hợp pháp khác để tổ chức di chuyển 2.846 hộ dân khỏi khu vực có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đến nơi ở mới an toàn, ổn định. Các cơ quan chức năng tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao kiến thức, hướng dẫn kỹ năng ứng phó với thiên tai cho người dân; xây dựng, sử dụng hiệu quả Quỹ Phòng chống thiên tai, bảo vệ, phát triển rừng, nhất là huy động các nguồn lực trồng, bảo vệ, phát triển thảm rừng ngập mặn.

Thanh Hóa ứng phó với biến đổi khí hậu ảnh 5

Thi công công trình ngăn nước mặn, giữ nước ngọt trên sông Lèn.

Tại thôn Châu Phong, xã Hoằng Châu, huyện Hoằng Hóa, từ nguồn chung tay, góp sức của các hội viên hội Chữ thập đỏ trong tỉnh, chính quyền xã, cộng đồng dân trong thôn đã xây dựng, đưa vào sử dụng Nhà tránh trú bão trị giá gần 800 triệu, đồng thời là nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cho cộng đồng.

Theo Phó Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Châu Phong Nguyễn Trọng Nam: Thôn đang triển khai xây dựng cộng đồng an toàn, thích ứng với biến đổi khí hậu, trọng tâm là đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong bảo vệ thảm rừng ven biển; chủ động phòng, chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”; nắm vững các kỹ năng sơ, cấp cứu, sẵn sàng thực thi các phương án ứng phó với thiên tai.

Xã Hoằng Châu đã được kiên cố hóa 3,2km đê sông, trồng được hơn 100ha rừng ngập mặn. Dự án hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu ven biển tỉnh Thanh Hóa tiếp tục đầu tư trồng hơn 13 ha rừng ngập mặn, nâng cấp, thảm bê-tông 4 tuyến đường ra bãi bồi ven sông, cung ứng giống, hướng dẫn nhân dân trồng gần 1.000 cây sao đen phân tán.

Thanh Hóa ứng phó với biến đổi khí hậu ảnh 6
Rừng ngập mặn ven biển tỉnh Thanh Hóa.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Nguyễn Đình Lân ghi nhận: Thảm rừng ven biển được bảo vệ, chăm sóc, hiện sinh trưởng, phát triển nhanh, phát huy hiệu quả chắn sóng, giữ phù sa bồi trúc thêm bãi bồi, gia tăng các loài hải sản, thủy sinh sinh sống ở thảm rừng ngập mặn, tạo thêm sinh kế cho người dân khu vực này.

Tham gia dự án “Trồng rừng ngập mặn và giảm thiểu rủi ro thảm họa”, từ năm 1997 đến năm 2015, nhân dân 5 xã vùng duyên hải Thanh Hóa đã trồng được gần 540ha rừng trên bãi bồi ven biển. Toàn tỉnh hiện có gần 874ha rừng ngập mặn, với cơ cấu cây trồng là Trang xen Bần chua, Mắm, Đước ven biển. Thảm rừng che chắn đê biển, vùng nuôi trồng hải sản; người dân có thêm thu nhập từ đánh bắt thủy sản, thu hoạch hàng tấn mật ong/năm, phát triển đàn vịt, nuôi dê ở khu vực này.

Thanh Hóa ứng phó với biến đổi khí hậu ảnh 7

Nhà văn hóa đồng thời là nơi tránh trú bão cho nhân dân thôn 9, xã Hoằng Châu, huyện Hoằng Hóa.

Thông qua các chương trình dự án và vận động các nhà tài trợ, Hội Chữ thập đỏ tỉnh còn hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 240 nhà dân sinh kém an toàn, thiệt hại do thiên tai; củng cố kiện toàn 25 đội ứng phó nhanh cấp xã, tổ chức tập huấn, hỗ trợ xây dựng 50 sơ đồ cảnh báo thiên tai, cấp 110 loa cầm tay, nâng cấp 8 hệ thống đài truyền thanh cấp xã, thôn; hỗ trợ xây dựng 3 nhà tránh trú bão gắn với nhà văn thôn tại các xã Ngư Lộc, Hải Lộc, huyện Hậu Lộc, Hoằng Châu, huyện Hoằng Hóa.

Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Thanh Hóa, Phạm Hùng Mạnh thông tin thêm: Tổ chức hội đang tập trung xây dựng, nhân rộng mô hình cộng đồng an toàn, thích ứng với biến đổi khí hậu, trọng tâm là đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, cập nhật các văn bản quy định pháp luật về phòng, chống thiên tai, tập huấn kỹ thuật kỹ năng sơ, cấp cứu, hỗ trợ nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai cho lực lượng xung kích ở cơ sở. Riêng năm nay, Hội Chữ thập đỏ phối hợp các địa phương tổ chức 40 lớp tập huấn kỹ năng, nâng cao năng lực ứng phó với thiên tai cho cộng đồng. Hiện người dân vùng ven biển chủ động phòng ngừa, sẵn sàng triển khai các phương án ứng phó nhằm giảm thiệt hại do thiên tai gây ra.

Thanh Hóa ứng phó với biến đổi khí hậu ảnh 8

Hội Chữ thập đỏ Thanh Hóa tập huấn, nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai cho cán bộ, nhân dân vùng duyên hải.

Thanh Hóa quan tâm quán triệt sâu rộng đến hệ thống chính trị và tăng cường lãnh, chỉ đạo các cấp, các ngành thực thi đồng bộ các biện pháp, giải pháp giảm rủi ro thiên tai, từng bước xây dựng xã hội, cộng đồng an toàn trước thiên tai. Từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã chủ động xây dựng, thường xuyên rà soát, bổ sung các kịch bản, phương án ứng phó với các tình huống thiên tai.

Phó Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi Thanh Hóa, Khương Anh Tấn nhấn mạnh: Thanh Hóa nhất quán tư duy hành động “phòng là chính”; chỉ huy, điều hành phải quyết liệt, khẩn trương, phát huy cao độ trách nhiệm của từng cán bộ lãnh đạo từ tỉnh đến cơ sở trong phòng, chống thiên tai; đề cao truyền thống cố kết, tương thân, tương ái, vai trò cứu nạn, cứu hộ của cộng đồng sở tại. Cùng với đó đẩy mạnh, đa dạng hóa phương thức tuyên truyền, tập huấn, nâng cao năng lực cho các lực lượng tham mưu, thường trực, xung kích phòng, chống thiên tai; rà soát, bổ sung, hoàn thiện các phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão, hộ đê, công trình trị thủy, phòng chống lũ lụt cho vùng hạ du hồ chứa, phòng tránh lũ quét, sạt lở đất, bảo đảm an toàn cho người, phương tiện hoạt động trên sông, biển.

Thanh Hóa ứng phó với biến đổi khí hậu ảnh 9

Khu tái định cư cho các hộ dân ở bản Lở, xã Nam Động, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

Tỉnh chú trọng khôi phục, phát triển, bảo vệ rừng đầu nguồn, điều chỉnh cơ cấu vật nuôi, cây trồng, mùa vụ, nâng cao năng lực dự báo thời tiết, cảnh báo thiên tai. Đồng thời, tập trung nguồn lực đầu tư các công trình phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; xử lý 30 trọng điểm về đê điều, ưu tiên các công trình ngăn mặn, giữ ngọt, cứu hộ cứu nạn, cải tạo, nâng cao năng lực tiêu úng, tăng cường khả năng tiêu thoát lũ trên các sông.

Các cơ quan chức năng tham mưu quy hoạch, xây dựng các công trình hạ tầng, nhất là các công trình phúc lợi công cộng gắn với phòng, chống thiên tai, hạn chế thấp hoặc không làm tăng nguy cơ rủi ro do thiên tai, bảo đảm tính khoa học, ổn định các công trình hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, thích ứng với biến đổi khí hậu.