Bắc Trung Bộ thích ứng với biến đổi khí hậu

(Tiếp theo kỳ trước) (*)
0:00 / 0:00
0:00
Người dân xã Quang Vĩnh (huyện Ðức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) vượt lũ an toàn trong nhà văn hóa cộng đồng kết hợp với tránh trú bão.
Người dân xã Quang Vĩnh (huyện Ðức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) vượt lũ an toàn trong nhà văn hóa cộng đồng kết hợp với tránh trú bão.

Bài 2: Chủ động phòng vệ

Mặc dù các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh đã nỗ lực khắc phục hậu quả, nhưng những tổn thất do thiên tai gây ra ảnh hưởng nặng nề, lâu dài đến kinh tế-xã hội địa phương và cuộc sống của nhân dân.

Vì vậy, các địa phương chủ động thích ứng, thích nghi với biến đổi khí hậu bằng nhiều giải pháp cụ thể, phù hợp tình hình, đặc điểm từng vùng dân cư.

Sống chung với lũ

Dưới tác động của hoàn lưu bão số 4 gây mưa lớn kéo dài, những ngày đầu tháng 10, nước lũ từ sông La, sông Cả đổ về nhanh khiến hàng nghìn hộ dân sống ở khu vực ngoài đê La Giang (huyện Ðức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) ngập chìm trong dòng nước bạc. Thay vì gồng gánh, dắt díu nhau đi tìm nơi trú ẩn cho người già và trẻ nhỏ, người dân các xã Tùng Châu, Liên Minh, Quang Vĩnh…(Ðức Thọ) lại đang thảnh thơi, nghe các cụ ông, cụ bà kể chuyện rôm rả trong những ngôi nhà tránh lũ cao ráo, an toàn.

Ông Nguyễn Hữu Hiền ở thôn Tiền Phong, xã Quang Vĩnh (Ðức Thọ) cho biết, ngay sau khi nắm được tình hình mưa bão và dự báo nước lũ sẽ dâng cao, lãnh đạo xã đã huy động lực lượng đến hỗ trợ gia đình kê cao đồ đạc trong nhà và đưa ông đến nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh trú bão, lũ của thôn. “Ban đầu cứ nghĩ cán bộ xã lo xa, ai ngờ khi đến nhà tránh lũ tôi thấy hầu hết người già, trẻ nhỏ trong thôn và nhiều bà con ở khu vực ven sông La đã đến, cùng trú ẩn. Ở đây vừa an toàn,vừa vui, lại được chính quyền cấp đồ ăn kịp thời. Tránh lũ ba ngày chứ tránh cả tháng ở đây chúng tôi cũng yên tâm”, ông Hiền và các cụ già đang trú ẩn ở nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh bão lũ thôn Tiền Phong chia sẻ.

Ðây là một trong 50 nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh bão lũ được tỉnh Hà Tĩnh xây dựng hai năm qua. Mỗi nhà văn hóa kết hợp với nhà tránh lũ được thiết kế với quy mô hai tầng, diện tích sàn 400m2, với cơ cấu tầng 1 để trống phục vụ nhu cầu vui chơi sinh hoạt cộng đồng thường xuyên; tầng 2 gồm phòng sinh hoạt cộng đồng, phòng tránh trú bão lũ, sân khấu, bếp, kho và khu vệ sinh chung, với tổng mức đầu tư hai tỷ đồng.

Theo đồng chí Hoàng Trung Dũng, Ủy viên Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh, từ thực tiễn công tác ứng phó thiên tai và hiệu quả của các mô hình nhà tránh lũ, vượt lũ, tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành, thực hiện chủ trương huy động nguồn lực xã hội xây dựng nhà văn hóa cộng đồng kết hợp với nhà tránh lũ và xây dựng nhà ở kiên cố (có tính đến phương án tránh lũ) cho các gia đình chính sách, hộ dân có hoàn cảnh khó khăn.

Ngoài 50 nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh bão lũ, hai năm qua, địa phương đã huy động nguồn lực xây dựng 3.592 nhà ở cho các hộ nghèo và gia đình chính sách với tổng số tiền hơn 329 tỷ đồng. Ðây là một trong những kết quả nổi bật của địa phương sau hai năm thực hiện nghị quyết đầu tiên của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020-2025 về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục hậu quả thiên tai năm 2020; một số định hướng, mục tiêu và giải pháp phòng ngừa, ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Tại Thanh Hóa và Nghệ An, với đặc thù của khu vực miền núi, rẻo cao, nơi thường xuyên xảy ra thiên tai, lũ lụt, nhất là lũ ống, lũ quét... bên cạnh việc xây dựng các kịch bản ứng phó thiên tai để di dời dân đến nơi an toàn, các địa phương đã tranh thủ tối đa các nguồn vốn của tỉnh, của Trung ương để xây dựng các khu tái định cư, di dời hộ dân ở các vùng có nguy cơ sạt lở, lũ ống lũ quét, vùng hay ngập lụt ở dọc các con sông lớn đến nơi an toàn.

Cụ thể, huyện Kỳ Sơn đang tổ chức xây dựng bốn khu tái định cư để di dời khẩn cấp những hộ dân ở những điểm sạt lở, ngập lụt đến nơi an toàn. Huyện Tương Dương đã, đang tổ chức xây dựng các khu tái định cư ở dọc sông Nậm Nơn và hỗ trợ người dân xây nhà để sớm ổn định cuộc sống. Ngoài nguồn Trung ương phân bổ, giai đoạn 2021-2025, Thanh Hóa đã và đang chủ động bố trí gần 550 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh và huy động từ các tổ chức, Mặt trận Tổ quốc, nhà tài trợ nhằm hoàn thành sắp xếp, ổn định cho 2.846 hộ dân tại khu vực có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.

Nhiều năm qua, các địa phương Bắc Trung Bộ được đầu tư và huy động hàng nghìn tỷ đồng để kiên cố hóa hệ thống đê biển, đê cửa sông, đập ngăn mặn, giữ ngọt, nâng cấp, gia cố hồ chứa, các công trình thủy lợi, kè chắn sóng, chống sạt lở bờ biển, trồng rừng, phát triển thảm rừng ngập mặn ven biển… Hằng năm, các địa phương triển khai nhiều giải pháp phi công trình, tăng cường công tác dự báo, cảnh báo sớm về thiên tai cũng như nâng cao năng lực và nhận thức của cộng đồng trong phòng, tránh thiên tai.

Những vấn đề đặt ra

Theo đánh giá của lãnh đạo các địa phương và cơ quan chuyên môn, biến đổi khí hậu diễn biến khó lường, nhanh hơn dự báo, gây hậu quả ngày càng lớn, trong khi đó, khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, tránh thiên tai chưa đáp ứng yêu cầu, cho nên dân sinh, nền kinh tế còn dễ bị tổn thương, thiệt hại lớn khi xảy ra thiên tai. Quản lý tài nguyên thiên nhiên còn nhiều hạn chế, sử dụng chưa hiệu quả, nhất là tài nguyên đất đai, tài nguyên nước, chất lượng rừng suy giảm, không đạt mục tiêu đa lợi ích, diện tích rừng trồng thay thế còn thấp.

Ô nhiễm môi trường tiếp tục tăng, nhất là tại các khu đô thị, thành phố lớn, ảnh hưởng lớn tới đời sống, sinh hoạt của người dân, trở thành vấn đề bức xúc của xã hội. Tình hình vi phạm hành lang các công trình phòng, chống thiên tai như: lấn chiếm đất làm co hẹp dòng chảy, xây dựng công trình làm tăng rủi ro thiên tai… ngày càng có chiều hướng gia tăng. Việc quan trắc, cảnh báo lũ, vận hành các công trình đa mục tiêu, quản lý lưu vực sông, nhất là các sông liên quốc gia, liên tỉnh chưa có cơ chế phối hợp ngoại biên, giữa các địa phương, gây khó khăn trong thực hiện mục tiêu chủ động phòng chống, thích ứng.

Trong chỉ huy, điều hành, tổ chức phòng, chống thiên tai thời gian qua cho thấy, vấn đề mấu chốt là ý thức tự bảo vệ của người dân, cộng đồng sở tại để họ có thể yên tâm sống chung với lũ, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu. Ở các vùng lũ dọc sông Lam ở Nghệ An, Hà Tĩnh, người dân đều có ý thức phòng tránh từ xa, từ sớm; có phương án bảo vệ an toàn cho người, gia súc, các tài sản có giá trị cũng như nhà cửa liên quan. Ngoài việc chằng chống nhà cửa trước khi mưa bão đổ bộ vào; mỗi khi mưa lũ lớn đổ về, họ đã đưa người già, trẻ em đến nơi cao an toàn; sơ tán gia súc, phương tiện xe máy lên đê, lên đồi; đưa lương thực, thực phẩm, nước uống các tài sản có giá trị lên bè, chạn, hay nhà tránh lũ…

Theo Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn (Nghệ An), Nguyễn Hữu Minh, điều căn bản là quy hoạch các khu tái định cư mới để di dời người dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Về lâu dài, di dời người dân ở những điểm nóng ra nơi an toàn đòi hỏi kinh phí lên đến hàng nghìn tỷ đồng, chưa kể phải lựa chọn địa điểm khác an toàn hơn, trong khi địa hình ở Kỳ Sơn chủ yếu là đồi núi cao, độ dốc lớn. Theo báo cáo, hiện Kỳ Sơn đang triển khai 4/9 khu tái định cư cho người dân ở vùng có nguy cơ sạt lở hay ngập lụt.

Các khu tái định cư khác đang chờ… tiền của Chính phủ và của tỉnh, chưa kể cần phải tái định cư khẩn cấp hàng chục hộ dân ở các bản của xã Tà Cạ, Bảo Nam… Riêng tỉnh Nghệ An, số liệu từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho thấy, trong nhiều điểm tái định cư, tỉnh chọn đầu tư chín khu tái định cư (đang được triển khai) ở các huyện Tương Dương, Kỳ Sơn, Thanh Chương, Con Cuông, Quỳ Hợp… để di dời khẩn cấp người dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Tuy nhiên, việc thi công đang dở dang, ì ạch do nguồn vốn eo hẹp, bố trí chậm, dàn trải, mang tính nhỏ giọt, chủ yếu vốn của Trung ương, còn nguồn vốn đối ứng của địa phương rất hạn chế.

Khu vực Bắc Trung Bộ có hàng nghìn hồ đập thuỷ lợi, chủ yếu là hồ đập nhỏ, phần lớn được xây dựng từ năm 60, 70 của thế kỷ trước. Hiện, hàng trăm hồ đã xuống cấp, nguy cơ mất an toàn cao, hàng chục hồ không được phép tích nước và trình độ, năng lực của lực lượng quản lý, vận hành hồ chứa ở các hợp tác xã còn hạn chế. Nỗ lực phát huy sức mạnh nội sinh, ý chí tự lực, tự cường nhưng các tỉnh Bắc Trung Bộ vẫn thuộc nhóm tỉnh nghèo nên rất cần sự hỗ trợ để đầu tư xây dựng các công trình phòng, chống lũ bão, nhất là ưu tiên bố trí nguồn lực sắp xếp, sớm ổn định dân cư vùng nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất...

(*) Xem Báo Nhân Dân số ra ngày 17/10/2022.