Trong 24 giờ qua (từ 9 giờ ngày 23 đến 9 giờ ngày 24/7), khu vực các tỉnh Bắc Bộ và Thanh Hóa đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to như: Cát Bà 320,6mm (Hải Phòng); Lòng Dinh 191mm (Quảng Ninh); Cổ Pháp 116,4mm (Bắc Giang); Ba Khan 108,8mm (Hòa Bình); Thạch Lâm 66,8mm (Thanh Hóa);...
Dự báo, trong 3-6 giờ tới, khu vực các tỉnh Bắc Bộ tiếp tục có mưa với lượng mưa tích lũy phổ biến từ 50-70mm, có nơi hơn 90mm; khu vực tỉnh Thanh Hóa có mưa phổ biến từ 20-40m, có nơi hơn 60mm.
Cảnh báo, trong 6 giờ tới, nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại nhiều huyện ở các khu vực trên, đặc biệt tại các khu vực:
Tỉnh/Thành phố | Huyện |
Sơn La | Mai Sơn, Mộc Châu, Mường La, Phù Yên, Vân Hồ |
Hòa Bình | Lương Sơn, Đà Bắc, Kim Bôi, Lạc Sơn, Cao Phong, Mai Châu, thành phố Hòa Bình, Kỳ Sơn, Lạc Thủy, Tân Lạc, Yên Thủy |
Thái Nguyên | Định Hóa, Phú Lương, Võ Nhai, Đồng Hỷ, Phú Bình, thị xã Phổ Yên, thành phố Sông Công, thành phố Thái Nguyên, Đại Từ |
Phú Thọ | Cẩm Khê, Lâm Thao, Tân Sơn, Thanh Sơn, Thanh Thủy, Yên Lập |
Quảng Ninh | Ba Chẽ, Cẩm Phả, Đông Triều, Hạ Long, Móng Cái, Quảng Yên, Uông Bí, Vân Đồn |
Hải Phòng | Cát Hải, Kiến An, Đồ Sơn |
Lạng Sơn | Cao Lộc, Chi Lăng, Hữu Lũng |
Bắc Giang | Thành phố. Bắc Giang, Lục Nam, Tân Yên, Việt Yên, Hiệp Hòa, Yên Thế, Sơn Động, Lục Ngạn, Lạng Giang, Yên Dũng |
Thanh Hóa | Lang Chánh, Thường Xuân, Quan Hóa, Mường Lát, Như Xuân, Quan Sơn, Bá Thước, Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Thạch Thành |
Để chủ động ứng phó với mưa lũ, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ, ngập lụt để chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó kịp thời, phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương, bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.
Rà soát, chủ động sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm để bảo đảm an toàn, nhất là các hộ dân tại khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét.
Bố trí lực lượng canh gác, kiểm soát, hướng dẫn, hỗ trợ bảo đảm an toàn giao thông qua các ngầm tràn, khu vực bị sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở, khu vực bị ngập sâu, nước chảy xiết; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn.
Chủ động bố trí lực lượng ứng trực tại các khu vực trọng điểm xung yếu để sẵn sàng ứng cứu, cứu hộ cứu nạn khi có tình huống.
Triển khai biện pháp bảo đảm an toàn hồ đập, đê điều, hạn chế thiệt hại đối với nuôi trồng thủy hải sản, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và công trình cơ sở hạ tầng.