Sau khi nghe thông tin kết quả nổi bật 9 tháng đầu năm 2024, báo cáo kết quả thực hiện kết luận tiếp xúc với trí thức năm 2022, tổng hợp các đề xuất, kiến nghị của đội ngũ trí thức với Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa năm 2024; tại hội nghị một số ý kiến tiếp tục đề cập, bổ sung thêm những nội dung quan tâm, tâm huyết.
Đề cập giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, lãnh đạo Trường đại học Hồng Đức cho rằng cần nghiên cứu dự báo nhu cầu nguồn nhân lực phục vụ các ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn đến năm 2045, làm cơ sở định hướng xây dựng kế hoạch, chương trình đào tạo, bồi dưỡng và có các chính sách hiệu quả thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thực tiễn.
Các đại biểu tham dự Hội nghị. |
Ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ và khuyến khích thu hút đầu tư công nghệ cao; tạo môi trường làm việc hấp dẫn, xây dựng và phát triển đội ngũ các chuyên gia, các nhà khoa học có khả năng dẫn dắt cho sự phát triển các ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh Thanh Hóa.
Tiếp tục đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng thu hút và thực hiện các dự án đầu tư công nghệ cao, công nghệ mới và phục vụ phát triển các ngành kinh tế-xã hội. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng đào tạo chuẩn quốc tế.
Đại biểu cho rằng đưa tri thức, văn hóa bản địa vào sản phẩm OCOP. |
Thống nhất với tham vấn về giải pháp liên kết chuỗi giá trị và nâng cao cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp cùng đề xuất một số mô hình thứ điểm chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững, đại biểu đề xuất nên ứng dụng tri thức bản địa, đưa giá trị văn hóa địa phương, đặc trưng vào các sản phẩm OCOP.
Một số thảo luận còn đề cập và gợi mở phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đô thị, tiếp tục quan tâm nâng cấp bảo đảm an toàn hồ đập, tăng cường quản lý, bảo đảm an ninh nguồn nước, kiến nghị đầu tư công trình ngăn mặn, giữ ngọt trên sông Mã, lạch Trường.
Đại diện Hội khoa học lịch sử Thanh Hóa tham vấn tại hội nghị. |
Đại diện Hội khoa học lịch sử Thanh Hóa trao đổi thêm về bảo tồn, phát huy tiềm năng, lợi thế cùng các giá trị lịch sử, văn hóa, danh thắng ở Khu di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng; tiếp tục rà soát quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, có cơ chế thu hút nhà đầu tư có tâm, tầm đầu tư vào khu vực này và kết nối quần thể di tích, danh thắng ở Hàm Rồng với các khu, điểm du lịch trong tỉnh...
Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đề xuất, gợi mở tham vấn của đội ngũ trí thức. |
Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa trân trọng, cầu thị lắng nghe, tiếp thu các ý kiến thảo luận, tham vấn, giải trình thêm việc thụ lý, giải quyết các đề xuất, kiến nghị liên quan. Đại diện tập thể lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cũng gợi mở đội ngũ trí thức tham vấn, cống hiến giải pháp rõ hơn, cụ thể hơn, dễ áp dụng trong thực tế, thực hiện mục tiêu gần là Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới, hợp thành tứ giác phát triển phía bắc Tổ quốc; đến năm 3030 trở thành tỉnh công nghiệp, hiện đại cùng tầm nhìn đến năm 2045 trở thành tỉnh tiêu biểu, kiểu mẫu của cả nước.
Tập trung giải quyết hiệu quả tình trạng sở hữu ruộng đất manh mún để xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, thực hiện triệt để cơ giới hóa đồng bộ, ứng dụng hiệu quả các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất.
Quan tâm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong sản xuất nông sản hàng hóa, phát triển nông nghiệp sạch, an toàn, nông nghiệp hữu cơ đi đôi bảo đảm an ninh lương thực, xây dựng ý thức chấp hành pháp luật, giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích, bảo đảm cung ứng nguyên liệu cho nhà máy chế biến.
Tìm, lựa chọn, phát triển bền vững cây kinh tế chủ đạo ở huyện vùng cao Mường Lát, phát triển nông phẩm đặc sản trong bối cảnh sản xuất theo mệnh lệnh của giá cả thị trường, khắc phục vấn đề ô nhiễm môi trường trong xây dựng nông thôn mới, thiếu lao động trong sản xuất nông nghiệp.
Thanh Hóa phấn đấu trở thành cực tăng trưởng mới
Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cũng trao đổi việc thu hút đầu tư, lựa chọn công nghệ tiên tiến, hiện đại, bảo vệ môi trường trong phát triển công nghiệp nặng; thu hút nhà đầu tư có năng lực thực hiện các dự án quy mô lớn, phát triển dịch vụ, tăng sản phẩm du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển kinh tế đô thị và nhấn mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo nhằm tạo thêm động lực phát triển, đẩy mạnh chuyển đổi số, lấy chính quyền số, dẫn dắt, thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số ở Thanh Hóa.