Thanh Hóa nhân rộng mô hình mỗi xã một sản phẩm

NDO - Triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm, tỉnh Thanh Hóa chú trọng tuyên truyền và đồng hành cùng các chủ thể trong việc phát triển các sản phẩm OCOP, nhằm nâng cao thu nhập góp phần đẩy nhanh xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
0:00 / 0:00
0:00
Đông đảo khách hàng chọn mua nông sản sạch.
Đông đảo khách hàng chọn mua nông sản sạch.

Đồng hành cùng chủ thể OCOP

Triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm, tỉnh Thanh Hóa đẩy mạnh công tác tuyên truyền; tổ chức tập huấn hơn 7.300 lượt người là lãnh đạo, chuyên viên các sở, ngành, hội, đoàn thể các cấp, các doanh nghiệp, hợp tác xã, các tổ chức, cá nhân có liên quan chương trình OCOP. Qua đó các cấp, các ngành, các địa phương, các thành phần kinh tế tư nhân, tập thể hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng, nội dung, cách thức triển khai thực hiện Chương trình OCOP.

Tại nhiều địa phương, cán bộ, đảng viên tiên phong xây dựng sản phẩm OCOP; cán bộ từ tỉnh đến cơ sở cùng đồng hành hướng dẫn, trợ giúp các chủ thể xây dựng sản phẩm OCOP.

Ở huyện đồng bằng duyên hải Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, mỗi năm nhân dân thu hái hơn chục tấn quả sim rừng trên núi Sơn Trang, một số hộ dân vẫn lấy quả sim ngâm rượu uống. Gia đình chị Nguyễn Thị Hà mạnh dạn đầu tư gần 200 triệu đồng mua nồi, chum, thiết bị chưng cất rượu, lọc Andehit, methanol bằng điện; mua sim rừng người dân thu hái, rửa sạch, ngâm với rượu.

Thanh Hóa nhân rộng mô hình mỗi xã một sản phẩm ảnh 1
Sim rừng tươi sắc màu, nồng nàn hương liệu trong sản phẩm rượu Bảo An.

Hơn 6 tháng, rượu ngâm với sim rừng cho hương vị thơm ngọt, tươi màu hồng đào, có khả năng kích thích tiêu hóa, trị các bệnh đường ruột. Áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, gửi mẫu xét nghiệm đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, chất lượng hàng hóa; gia đình tổ chức sản xuất hơn 5.000 lít rượu sim, đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, mã vạch, cung ứng sản phẩm ra thị trường. Sản phẩm OCOP rõ nguồn gốc xuất xứ, công bố, cập nhật trên trang web, được nhiều người tiêu dùng trong tỉnh lựa chọn, vươn tới thị trường miền nam. Cơ sở sản xuất quan tâm nhất là bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, an toàn tuyệt đối cho người sử dụng.

Sau khi sản phẩm được công nhận, xếp hạng 3 sao, nhiều người biết đến thương hiệu rượu sim rừng Bảo An ở Hoằng Xuân, huyện Hoằng hóa và cơ sở đạt doanh thu hơn 1 tỷ đồng trong năm vừa qua.

Xây dựng nông thôn mới nâng cao, huyện Hoằng Hóa rà soát những sản phẩm tiềm năng, đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân lựa chọn, xây dựng sản phẩm OCOP. Toàn huyện đã có 16 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó mắm tôm Lê Gia đã được công nhận sản phẩm OCOP quốc gia. Huyện hỗ trợ đổi mới công nghệ sản xuất, in nhãn mác, công bố tiêu chuẩn, quảng bá sản phẩm, tham gia kết nối cung cầu; giao Trung tâm dịch vụ nông nghiệp tổ chức điểm giới thiệu, bán các sản phẩm OCOP; phối hợp Viện nông nghiệp Thanh Hóa cập nhật 14 sản phẩm lên sàn giao dịch thương mại điện tử. Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hoằng Hóa Lê Trọng Hòa đánh giá, chương trình OCOP thúc đẩy hình thành các chuỗi liên kết, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ.

Thanh Hóa nhân rộng mô hình mỗi xã một sản phẩm ảnh 2

Nước tương của hộ sản xuất ở xã Thọ Vực, huyện Triệu Sơn đạt OCOP 3 sao.

Sau công nhận, xếp hạng sao, các sản phẩm OCOP mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng 15-20% giá trị trao đổi, trong đó nước mắm, mắm tôm Lê Gia được bày bán tại nhiều siêu thị ở Hà Nội, vươn tới một số nước trên thế giới. Sản phẩm OCOP góp phần xây dựng, phát triển các sản phẩm nông sản chủ lực, nâng thu nhập bình quân đầu người ở huyện Hoằng Hóa lên 58 triệu đồng/năm, tạo thêm nguồn lực nội sinh nâng cao chất lượng phong trào nông thôn mới.

Đến thời điểm này Hoằng Hóa có 36 thôn kiểu mẫu, 5 xã đạt được công nhận nông thôn mới nâng cao, trong đó Hoằng Lộc đạt xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Nhân rộng, nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP

Bình Sơn là xã miền núi thuộc vùng kinh tế Tây Nam huyện Triệu Sơn còn gặp nhiều khó khăn khi triển khai xây dựng nông thôn mới. Phát huy vai trò chủ thể, nguồn lực trong nhân dân, cấp ủy, chính quyền xã Bình Sơn lồng ghép các hợp phần đầu tư theo Chương trình 135 vào phát triển kinh tế, cải thiện đời sống dân sinh; củng cố, nâng cao vai trò của hợp tác xã trong tổ chức sản xuất, bao tiêu, chế biến, tiêu thụ nông sản cho nông dân.

Với mức đầu tư 300 triệu xây dựng một mô hình sản xuất, xã Bình Sơn hỗ trợ các nhóm hộ mua 50 máy chế biến chè, thay thế phương thức sao, sấy chè thủ công. Hợp phần cấp nước sinh hoạt hỗ trợ các cụm dân cư, khoan 100 giếng, tạo nguồn nước sạch phục vụ sinh hoạt, sản xuất. Hội nông dân tỉnh Thanh Hóa hướng dẫn nông hộ trồng, chăm sóc, thâm canh 10 ha chè theo hướng VietGap, đầu tư hệ thống bơm tưới tự động, nhất là quán triệt đến nông hộ không sử dụng thuốc trừ sâu, chất kích thích tăng trưởng.

Hợp tác xã cùng hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch, chế biến chè, thỏa thuận, công khai phương thức, giá thu mua, đồng hành cùng nông dân trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, nhất là xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP.

Thanh Hóa nhân rộng mô hình mỗi xã một sản phẩm ảnh 3

Khách hàng chọn mua sản phẩm OCOP của Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Bình Sơn.

Kết quả, Bình Sơn đã có tới 4 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên là chè móc câu sạch, chè xanh túi lọc, trà gai leo túi lọc, mật ong 4 mùa.

Vùng nguyên liệu chè từ 250 ha tăng lên hơn 300 ha; sản lượng chè đã đạt 7,2 tấn búp/ha, giá thu mua chè búp tươi từ hơn 60 nghìn đồng tăng lên hơn 100 nghìn đồng/10 kg, chè búp khô từ 100 nghìn đồng, tăng lên 150-250 nghìn đồng/kg; mật ong qua lọc tạp chất, đóng chai nâng giá bán từ 140 nghìn đồng lên 250 nghìn đồng/chai 650ml.

Mai Văn Chiến, Bí thư Đảng ủy xã Bình Sơn trao đổi, tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển, khai tiềm năng, lợi thế ở địa phương, gắn sản xuất với chế biến, nâng cao chất lượng các sản phẩm chủ lực, Bình Sơn được công nhận xã chuẩn nông thôn mới năm vừa qua. Cấp ủy, chính quyền, nhân dân trong xã tiếp tục củng cố, nâng cao các tiêu chí nông thôn mới, thoát nghèo bền vững.

Đi đôi với thực thi hiệu quả chính sách của tỉnh Thanh Hóa về hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP giai đoạn 2022-2025, nhiều địa phương trong tỉnh bố trí thêm ngân sách, lồng ghép với nguồn chương trình mục tiêu quốc gia, hỗ trợ phát triển sản xuất, các sản phẩm OCOP.

Toàn tỉnh đã có 236 sản phẩm OCOP của 49 doanh nghiệp, 51 Hợp tác xã, 6 tổ hợp tác, 52 hộ sản xuất, kinh doanh ở 139 xã, phường, thị trấn, thuộc 27 huyện, thị xã, thành phố.

Ngoài “mắm tôm Lê Gia” sớm được công nhận sản phẩm OCOP quốc gia, Thanh Hóa hiện có 51 sản phẩm OCOP đạt hạng 4 sao, 184 sản phẩm đạt OCOP 3 sao. Trong đó, “Mật ong, Trà Bình Sơn” được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chứng nhận sản phẩm tiêu biểu khu vực miền núi và Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ Nông lâm nghiệp xã Bình Sơn huyện Triệu Sơn được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.

Tỉnh Thanh Hóa, các ngành cùng các địa phương tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại, tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp, chủ thể kinh doanh tham gia các hội chợ trong ngoài tỉnh, đưa sản phẩm vào các siêu thị, hỗ trợ phát triển thêm 16 điểm bán hàng OCOP tại các địa phương. Qua đó, nhiều sản phẩm OCOP như Mắm tôm, mắm tép Lê Gia ở huyện Hoằng Hóa vươn tới thị trường Nga, Hàn Quốc, Đài Loan, Nam Phi; đồ thủ công mỹ nghệ, các sản phẩm từ cói ở Nga Sơn xuất khẩu, bán tại các siêu thị ở Hoa Kỳ; ghế tre thư giãn cao cấp ở Hà Trung xâm nhập thị trường Châu Âu; sản phẩm Dứa đóng hộp, Ngô ngọt ở huyện Nông Cống xuất khẩu sang các nước Trung Đông, Nga, châu Âu...

Thanh Hóa nhân rộng mô hình mỗi xã một sản phẩm ảnh 4
Miến gạo Thăng Long ở huyện Nông Cống đến với người tiêu dùng.

Các sản phẩm OCOP xứ Thanh bán rộng rãi trong nước bằng hình thức trực tiếp hoặc qua mạng. Theo khảo sát sơ bộ, doanh số sản phẩm sau khi được công nhận OCOP tăng trưởng bình quân hơn 15%; nhiều chủ thể OCOP như Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Bình Sơn, Hợp tác xã dịch vụ sản xuất Miến gạo Thăng Long, Cơ sở Đông Y Quang Anh… có doanh thu tăng gấp hai lần. OCOP tăng thêm uy tín, thương hiệu sản phẩm, được đông đảo người tiêu dùng lựa chọn.

Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa, Bùi Công Anh đánh giá, Chương trình OCOP góp phần phát triển kinh tế, nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã. Bốn năm qua, trung bình mỗi năm Thanh Hóa thành lập thêm 60 hợp tác xã; các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh như doanh thu, lãi sau thuế của hợp tác xã, thu nhập bình quân của xã viên tăng trưởng khá.

Chương trình còn tạo môi trường hoạt động bình đẳng, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà sản xuất, khuyến khích cộng đồng khai thác đặc sản vùng miền, duy trì, phát huy lợi thế sản phẩm truyền thống , ngành nghề, làng nghề. Sản phẩm OCOP còn thiết thực bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa trong nhóm sản phẩm đặc thù của các địa phương; phát huy tính sáng tạo của các chủ thể OCOP trong nghiên cứu, thử nghiệm các sản phẩm mới đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng, phân khúc thị trường. Bản thân các chủ thể OCOP nhận thức sâu rộng hơn, quan tâm xây dựng văn hóa doanh nghiệp, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, chất lượng phục vụ, dịch vụ bán hàng.

Thời gian tới Thanh Hóa tập trung đổi mới tổ chức sản xuất theo hướng phát triển hợp tác, liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và người dân trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; tăng cường quản lý chất lượng, kiểm soát chất lượng sản phẩm OCOP trong chuỗi giá trị; đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại, phát triển các điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP; hỗ trợ chuyển đổi số, tích cực, chủ động tham gia thị trường điện tử và tăng cường quan hệ hợp tác, đưa ngày càng nhiều sản phẩm OCOP Thanh Hóa xâm nhập sâu rộng thị trường trong nước, quốc tế.