Hướng dẫn các chủ tàu cá “3 không” đăng ký phương tiện
Tỉnh Thanh Hóa có 1.115 phương tiện nghề cá có chiều dài từ 15m trở lên, 843 tàu dài từ 12m đến dưới 15m và 3.512 bè mảng, thuyền mủng nan chỉ dài dưới 6m. Tỉnh đã thành lập lực lượng Kiểm ngư cấp tỉnh trên cơ sở điều chỉnh, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chi cục Thủy sản; thành lập Tổ công tác liên ngành chỉ đạo xử lý vi phạm chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU); công bố danh sách tàu cá đóng mới, cải hoán, mua bán, tặng cho đang hoạt động không đủ thành phần hồ sơ theo Thông tư 06/2024/TT-BNNPTNT để được đăng ký theo quy định.
Thanh Hóa cần quyết liệt hơn trong chống khai thác IUU
Ban Chỉ đạo chống khai thác IUU cấp tỉnh, huyện, thành phố được kiện toàn, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên, thường xuyên cập nhật, trao đổi thông tin, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, hiệu quả. Hệ thống chính trị, các tổ chức đoàn thể vào cuộc tích cực, trách nhiệm, cùng các lực lượng, cơ quan chức năng trong tỉnh Thanh Hóa tiếp tục tuyên truyền Luật Thủy sản, hướng dẫn, hỗ trợ người dân chấp hành các quy định về khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, chống khai thác bất hợp pháp.
Các huyện, thị xã, thành phố tuyến biển thành lập các tổ công tác liên ngành do Chủ tịch Ủy ban nhân huyện làm Tổ trưởng để xử lý những tồn tại, vi phạm khai thác IUU trên địa bàn. Ủy ban nhân dân các xã, phường thành lập các Tổ giám sát cộng đồng phòng, chống khai thác IUU do Chủ tịch xã, phường làm tổ trưởng, có sự tham gia của cán bộ quản lý nghề cá, lực lượng Biên phòng, cán bộ đoàn thể xã, phường, bí thư, trưởng khu phố. Một số địa phương vùng duyên hải đánh số, tăng cường quản lý phương tiện khai thác có chiều dài dưới 6 m.
Lãnh đạo ngành nông nghiệp Thanh Hóa cùng lực lượng chức năng nắm bắt hoạt động hải sản tại Cảng Hới-Sầm Sơn. |
Giai đoạn này có thêm lực lượng Công an tham gia điều tra làm rõ các biểu hiện, vụ việc, nhất là hành vi móc nối, cấu kết có tổ chức khai thác thủy sản bất hợp pháp. Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa, Đại tá Đỗ Ngọc Vĩnh cho biết, Bộ đội Biên phòng tỉnh tăng cường quân số tại cơ quan Bộ Chỉ huy và các đơn vị tuyến núi cho các đơn vị tuyến biển, các trạm kiểm soát của Biên phòng thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU; điều động, sử dụng lực lượng, phương tiện thực hiện nhiệm vụ trên từng khu vực khi có yêu cầu, kịp thời ngăn chặn, xử lý tàu cá vi phạm IUU.
Lực lượng liên ngành ở Thanh Hóa làm việc với từng chủ tàu thiếu hồ sơ thủ tục, phân loại tàu cá nằm bờ, tàu cá không đủ điều kiện tham gia khai thác, giao Ủy ban nhân dân cấp xã, các đồn Biên phòng tuyến biển giám sát chặt chẽ vị trí neo đậu; phối hợp với các lực lượng liên quan xác minh, xử lý tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên mất kết nối thiết bị giám sát hành trình; hướng dẫn các chủ tàu cá “3 không”, “2 không” thực hiện đăng ký phương tiện.
Quản lý, xử lý nghiêm vi phạm
Từ năm 2021, Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ mua thiết bị giám sát hành trình và phí thuê bao dịch vụ thiết bị giám sát hành trình nên hơn 1.000 tàu có chiều dài từ 15m trở lên đã lắp thiết bị giám sát hành trình. Qua theo dõi trên Hệ thống giám sát tàu cá, có 535 lượt/376 tàu cá mất kết nối thiết bị giám sát hành trình hơn 10 ngày khi hoạt động trên biển.
Lực lượng chức năng đã làm việc với chủ tàu hoặc chủ tàu cung cấp hình ảnh 176 lượt/156 tàu cá đã về bờ trong thời gian quy định (dưới 10 ngày); tiếp xúc xác minh, làm rõ những phương tiện mất kết nối giám sát hành trình. Bên cạnh đó có 65 tàu cá không bật thiết bị giám sát hành trình trên 6 tháng do hư hỏng, thiếu nhân lực, không đi khai thác.
Biên phòng Thanh Hóa lập biên bản đối với chủ sở hữu phương tiện mất kết nối giám sát hành trình. |
Cơ quan quản lý phối hợp cùng chính quyền cơ sở đóng biển vào 294 “tàu cá không đủ điều kiện tham gia khai thác”, gắn biển “tàu 2 không”, “tàu 3 không” đối với 454 tàu cá; đưa các tàu cá này về nơi neo đậu tập trung, giao Ủy ban nhân dân cấp xã, các đồn Biên phòng tuyến biển giám sát chặt chẽ vị trí, cung cấp hình ảnh trong trường hợp các đoàn kiểm tra yêu cầu.
Theo đó, chủ sở hữu phối hợp các cơ quan đã hoàn thành đăng ký quản lý 75 tàu cá, tiếp tục làm hồ sơ để thực hiện đăng ký phương tiện còn lại.
Lực lượng liên ngành kiểm tra điều kiện xuất bến đối với nhân lực, phương tiện nghề cá. |
Giám đốc Ban Quản lý Cảng cá Thanh Hóa Lê Văn Thăng thông tin thêm, đơn vị sử dụng hệ thống điện tử, bảo đảm phê duyệt nhật ký khai thác, bản ghi sản lượng bốc dỡ qua cảng, cấp giấy biên nhận thủy sản bốc dỡ, cấp giấy xác nhận nguyên liệu và giấy chứng nhận nguồn gốc thủy sản qua hệ thống khi có yêu cầu.
Đi đôi với tiếp nhận thông tin, hướng dẫn tàu cá cập bến, ứng dụng công nghệ thông tin, hạ tầng số bảo đảm thuận lợi cho phương tiện cùng nhân lực cập bến bốc dỡ hàng hóa, khai báo nguồn gốc, xuất xứ thủy sản; cơ quan quản lý, khai thác cảng ghi sản lượng, đối chiếu danh sách tàu cá khai thác thủy sản, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện các thủ tục, điều kiện xuất bến, vươn khơi đối với phương tiện nghề cá.
Các lực lượng cùng chính quyền cơ sở đã ra quân tháo dỡ, dẹp các bến tự phát, bến cóc, tạm cập bờ bốc dỡ thủy sản. Đến thời điểm này sản lượng hải sản bốc dỡ qua cảng chỉ định đạt sản lượng gần 13.000 tấn, tăng khoảng 10% so cùng kỳ.
Tăng cường tuần tra, kiểm soát, chủ động tiếp cận, làm rõ các biểu hiện vi phạm, từ đầu năm 2024 đến nay các lực lượng, cấp có thẩm quyền ở Thanh Hóa đã phát hiện, lập biên bản xử phạt gần 1,8 tỷ đồng đối với 153 trường hợp có hành vi vi phạm các quy định pháp luật về lĩnh vực thủy sản.
Dù vậy, nhiều chủ phương tiện tự ý cải hoán máy, cải hoán nghề sang các nghề cấm phát triển, hạn chế phát triển, dẫn đến không thể thực hiện đăng kiểm.
Lực lượng chức năng gặp khó khăn trong việc thông báo cho chủ tàu/thuyền trưởng về tình trạng tàu cá đang mất kết nối do tàu cá hoạt động ngoài biển xa; công tác phối hợp điều tra, xác minh cần nhiều thời gian, bảo đảm đủ căn cứ xử phạt đối với hành vi ngắt kết nối, vượt ranh giới cho phép trên biển.
Thanh Hóa có số lượng lớn tàu cá neo đậu, hoạt động ở tỉnh bạn nhiều năm không về địa phương; người Thanh Hóa mua phương tiện, hoạt động ở ngoài tỉnh, không chủ động khai báo nên cán bộ xã không cập nhật được tàu cá phát sinh; thủy sản được giám sát qua cảng mới chiếm khoảng 35% tổng sản lượng khai thác.
Cơ sở đào tạo phối hợp mở lớp bồi dưỡng chuyển hạng cho thuyền trưởng, máy trưởng ở phường Hải Hòa, thị xã Nghi Sơn. |
Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản Thanh Hóa Nguyễn Xuân Đồng trao đổi: Hiện các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát trên biển, cửa lạch, bãi ngang, cảng cá, kiên quyết không cho các tàu cá vươn khơi, hoạt động trên biển khi không đủ các thủ tục, giấy tờ, trang thiết bị theo quy định. Đi đôi với quán triệt tới ngư dân bảo đảm chế độ báo cáo trước 6 giờ và sau 6 giờ đối với những phương tiện mất kết nối hành trình, lực lượng chức năng chủ động tiếp cận xác minh, điều tra rõ. Với phương tiện của Thanh Hóa ở tỉnh bạn, Chi cục gửi văn bản thông báo tới các địa phương phối hợp quản lý, xác minh, xử lý hành vi vi phạm.
Thời gian qua tỉnh Thanh Hóa quy hoạch, phát triển thêm vùng nuôi thủy sản trong môi trường nước ngọt, nước mặn, ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản nước lợ nhằm giảm áp lực, cường lực khai thác, thúc đẩy bảo tồn, tái tạo nguồn lợi, tiến tới khai thác có chọn lọc.