Thanh Hóa vươn khơi, bám biển

NDO -

NDĐT- Xứ Thanh có chàng Nẹ hóa thân thành đảo đứng giữa biển, trời, bảo vệ “tứ hải”. Ngư dân từng cảm tử đánh tàu địch xâm phạm lãnh hải miền bắc. Thế hệ hôm nay tiếp tục đoàn kết vươn khơi khai thác hải sản, làm chủ ngư trường, vùng biển, đảo của Tổ quốc.

Ngư dân phường Quảng Tiến đóng mới, đưa tàu công suất 1000 CV vào khai thác.
Ngư dân phường Quảng Tiến đóng mới, đưa tàu công suất 1000 CV vào khai thác.

Trận đánh quả cảm

Ông Viên Đình Thái năm nay đã 76 tuổi nhưng vẫn nhớ như in trận đánh tàu biệt kích xâm phạm vùng biển quê hương.

Đầu 1965 cùng với việc leo thang đánh phá miền bắc, trong đó cầu Hàm Rồng trở thành mục tiêu tấn công của không quân Mỹ; địch còn thả thủy lôi phong tỏa cửa sông, điều hải quân, không quân phá hoại hoạt động sản xuất trên biển. Địch cũng đẩy mạnh hoạt động trinh sát, tổ chức các toán biệt kích xâm phạm lãnh hải miền bắc, bắt ngư dân khai thác tình hình, nhồi nhét luận điệu chiến tranh tâm lý. Các trung đội dân quân biển vừa khai thác hải sản, vừa chiến đấu, đánh tàu biệt kích được thành lập ở các xã vùng biển Thanh Hóa.

Ông Viên Đình Thái cùng chín đảng viên, quần chúng xung phong tham gia trung đội bán vũ trang này, biên chế thành hai tiểu đội. Mỗi tiểu đội thường có năm người được trang bị đại liên, trung liên, AK báng gấp cho mỗi cá nhân, sử dụng thuyền gỗ bám biển. Ngoài ngư lưới cụ, trên mỗi thuyền còn có hai vỏ thùng đựng lựu đạn, quả cháy, 5,5 kg thuốc nổ. Thuốc nổ được quấn vải, bọc ny-lông, chia thành hai quả bộc phá: 0,5 kg thuốc nổ được nhồi vào đầu cọc cong giống cột buồn, kích nổ bằng điện nhằm tiêu hao sinh lực địch ngay phút đầu phát hỏa và 5 kg để phá hủy tàu địch.

Đầu vụ cá năm 1967, tại vườn kè ở xã Quảng Hải diễn ra lễ truy điệu những ngư dân, trước khi xuất kích đánh tàu biệt kích địch. Sáng 21-8-1967, đội thuyền cùng các ngư dân giương buồn ra khơi đánh bắt hải sản. Khoảng 11 giờ cùng ngày, khi đang khai thác thủy sản cách bờ biển xã Quảng Đại hơn 20 km các ngư dân phát hiện ba tàu biệt kích địch cơ động theo hình chữ V dần tiến lại. Vừa nhả đạn uy hiếp, địch phát loa tay yêu cầu các ngư dân buông chèo, giơ hai tay lên cao, quay mặt về phía trước.

Biết địch hơn hẳn về phương tiện, lực lượng, hỏa lực nhưng 11 thủy thủ trên hai thuyền của ta đã sẵn sàng cho trận đánh cảm tử. Khi hai tàu địch đi trước dần tiếp cận cũng là lúc thuyền ta bẻ lái, hướng ngọn đỉnh cột buồm cong có 0,5 kg thuốc nổ về phía đài quan sát trên ca bin tàu địch. Giọng ông Thái sắc lạnh: Địch áp mạn, quăng dây neo tàu ta vào tàu địch, đồng chí Nguyễn Bá Cử chập điện phát hỏa từ đỉnh cột buồm hất văng tên chỉ huy đứng trên nóc cabin xuống biển. Các dân quân ném thủ pháo, lựu đạn, quả cháy lên khoang tàu địch. Nhiều tiếng la ó thất thanh vang lên trên tàu địch. Một số tên ló đầu ra vành khoang tàu, chĩa súng xuống dính đạn AK của dân quân bắn ngược lên.

Hỏa lực trên thuyền ta cạn dần, đồng chí Viên Đình Đồ ém quả bộc phá chứa 5 kg thuốc nổ vào hông tàu địch, điểm hỏa. Một tiếng nổ long trời vang lên, sức ép đẩy Thái văng xuống nước và khi tỉnh dậy đã thấy mình bị bịt mắt, tay chân bị buộc chặt, nằm trên khoang tàu địch. Khi về đến đảo Lý Sơn ông mới hay Nguyễn Văn Nghĩa, Nguyễn Văn Lọc, Nguyễn Bá Lệch, Hoàng Văn Bút cùng bị bắt. Các ông bị giam, đánh đập, tra khảo tại nhà giam của địch và cũng tại đây ông biết có hơn nghìn ngư dân miền bắc bị địch bắt, giam cầm. Do vậy, các ông gặp, liên lạc được với Phó Công an và Chủ nhiệm HTX nghề cá ở Quảng Nham tranh thủ ý chiến chỉ đạo, tìm giải pháp đấu tranh. Không khai thác được thông tin cần thiết, địch đưa các ông ra tòa kết tội: Năm can phạm nhằm đánh tàu Mỹ nhưng tấn công nhầm vào quân mặt trận Gươm thiêng ái quốc.

Đầu năm 1968, địch đưa các ông ra lãnh hải miền Bắc, thả xuống thuyền thúng, trôi dạt vào bờ biển xã Quảng Nham. Về đến quê hương, ông mới rõ năm dân quân đã hy sinh trong trận đánh cảm tử đó.

Thanh Hóa vươn khơi, bám biển ảnh 1

Ông Viên Đình Thái chăm sóc cây cảnh.

Trên vùng biển Thanh Hóa, tiếp nối chiến công của Anh hùng liệt sĩ Công an nhân dân Nguyễn Thị Lợi đánh đắm Thông báo hạm AMIODANHVIN của Pháp, trận đánh quả cảm những ngư dân HTX Đại Hải ở xã Quảng Đại, huyện Quảng Xương trong bảo vệ ngư trường, lãnh hải miền bắc ĐÃ góp phần tô thắm thêm trang sử vẻ vang của Chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.

Đoàn kết vươn khơi, bám biển

Những ngày này, ngư dân xứ Thanh tiếp tục vươn khơi, mở rộng ngư trường khai thác hải sản. Tại phường Quảng Tiến, thị xã Sầm Sơn hơn một năm trở lại đây có thêm 11 chiếc tàu, công suất từ 300 CV trở lên được đóng mới, đưa vào khai thác.

Anh Vũ Văn Lai ở thôn Trung Thịnh, phường Quảng Tiến cho biết: Từ nguồn vốn tự có, huy động anh em cùng góp vốn và vay ngân hàng, anh vừa đầu tư gần bốn tỷ đồng đóng mới chiếc tàu TH90084TS, công suất 500CV cùng các trang thiết bị đưa vào khai thác hải sản gần một năm, thu hồi được một tỷ đồng. Hiện đội tàu của gia đình anh tạo việc làm cho 28 lao động với mức thu nhập bình quân 4-5 triệu đồng/tháng. Chung chí hướng, cùng nghề, năm chiếc tàu của anh em nội, ngoại liên kết, thành lập tổ đội đoàn kết, chia sẻ thông tin ngư trường, khí hậu thời tiết, trợ giúp nhau trong lao động sản xuất, cứu hộ cứu nạn trên biển. Do vậy, các tàu vươn khơi, bám biển dài ngày hơn, có chuyến biển đạt thu nhập 10 triệu đồng mỗi lao động.

Phường Quảng Tiến hiện có 16 tổ đội đoàn kết trên biển, mỗi tổ đội tập hợp bốn đến năm chiếc tàu với 40-60 lao động, đánh bắt hải sản khá hiệu quả. Năm tháng đầu năm nay ngư dân khai thác được hơn 5.000 tấn hải sản, đạt 45% kế hoạch/năm. Gần đây các tàu công suất lớn mở rộng phạm vi hoạt động, khai thác nguồn lợi ở ngư trường trung sa nên sản lượng, chất lượng hải sản đạt cao.

Đến với xã Hải Bình, huyện Tĩnh Gia những ngày này rất ít tàu neo đậu ở lạch Bạng, cảng cá. Ngư dân đang vươn khơi, bám biển khai thác hải sản. Ngoài 206 phương tiện của xã, khu vực này còn có 200 tàu cá của tỉnh miền trung chuyên khai thác cá đáy có quan hệ đồng nghiệp, bạn hàng gắn kết với các tàu cá, ngư dân, doanh nhân, doanh nghiệp ở xã Hải Bình. Sông Bạng có núi Do Xuyên án ngữ ở cửa dòng chảy ăn sâu vào đất liền tạo thành nơi neo đậu tàu thuyền lý tưởng.

Thanh Hóa vươn khơi, bám biển ảnh 2

Người lao động ướp muối, bảo quản hải sản.

Hơn hai năm trở lại đây đã có 45 chiếc tàu công suất lớn được đóng mới, đưa vào sản xuất với mức đầu tư gần ba tỷ đồng/phương tiện. Do vậy, các tàu có công xuất 90 CV trở lên chiếm hơn 51% tổng số phương tiện nghề cá hiện có ở Hải Bình. Các phương tiện này vừa tổ chức khai thác, vừa làm dịch vụ hậu cần cơ động trên biển cung cấp nhiên liệu, đá lạnh, lương thực, thực phẩm, các mặt hàng thiết yếu đồng thời thu mua, vận chuyển hải sản đem về đất liền chế biến, tiêu thụ.

Năm 2013 sản lượng hải sản thu mua đạt tới 65 nghìn tấn, gấp hơn 43 lần năng lực khai thác của các phương tiện nghề cá ở Hải Bình. Năm tháng đầu năm nay ngư dân Hải Bình khai thác được 450 tấn hải sản nhưng sản lượng thu mua đạt 35 nghìn tấn. Điều ghi nhận là các công ty, tổ hợp chế biến khu vực này cùng góp hàng chục tỷ đồng cho các ngư dân nâng cấp phương tiện, mua sắm ngư lưới cụ, vật tư, các mặt hàng cần thiết, đồng thời bao tiêu sản phẩm cho ngư dân.

Anh Hồ Viết Quy cho biết: Gia đình đầu tư đội tàu dịch vụ, kết hợp với khai thác thủy sản. Anh tự nguyện góp gần một tỷ đồng, cung ứng dịch vụ hậu cần miễn phí cho gần chục tàu khai thác để có nguồn hải sản thu mua, chế biến. Quan hệ sản xuất được hình thành trên cơ sở tự nguyện, tin tưởng tuyệt đối, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa khâu khai thác, thu mua, chế biến và phân phối sản phẩm.

Được biết mấy năm trở lại đây, cùng với việc khơi thông nguồn lực trong nhân dân, huyện Tĩnh Gia có chính sách hỗ trợ ngư dân đóng mới, nâng cấp phương tiện. Theo đó tàu thuyền có công suất 20 CV trở xuống giảm mạnh, phương tiện có công suất 90 CV trở lên tăng nhanh.

Năm 2013, có hơn 80 tàu được nâng cấp, đóng mới nên tổng công suất của các phương tiện nghề cá tăng 6.432 CV so với năm 2012. Bên cạnh đó, tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ kiện toàn, tuyên tuyền, tập huấn, trang cấp thiết bị thông tin liên lạc, chuyển giao công nghệ bảo quản hải sản, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hơn 170 tổ đội đoàn kết trên biển. Có hơn 1.000 phương tiện, gần 10 nghìn lao động tham gia các tổ đội đoàn kết thường xuyên bám biển, khai thác hải sản xa bờ.

Thanh Hóa phấn đấu hình thành hơn 400 tổ đoàn kết trên biển, tập hợp 100% tàu khai thác, tàu dịch vụ xa bờ; 50% tàu khai thác trên vùng biển gần bờ tham gia. Thắt chặt quan hệ hợp tác trong quá trình sản xuất, nhân rộng tổ đội đoàn kết, ngư dân Thanh Hóa càng thêm yên tâm bám biển, vươn khơi đánh bắt hải sản, làm chủ ngư trường, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.