Thái Nguyên chấn chỉnh hiện tượng cán bộ né tránh công việc

NDO - Xác định việc né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm, chậm giải quyết công việc ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, xã hội, giảm lòng tin của người dân, doanh nghiệp, thời gian vừa qua cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Thái Nguyên có nhiều giải pháp tích cực khắc phục, chấn chỉnh đối với đội ngũ cán bộ.
0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên thường xuyên bám sát cơ sở để chỉ đạo giải quyết khó khăn, vướng mắc, tránh hiện tượng đùn đẩy, né tránh công việc của sở, ngành.
Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên thường xuyên bám sát cơ sở để chỉ đạo giải quyết khó khăn, vướng mắc, tránh hiện tượng đùn đẩy, né tránh công việc của sở, ngành.

Khối lượng công việc lớn

Những năm gần đây, kinh tế, xã hội huyện Đại Từ (Thái Nguyên) phát triển mạnh, phát sinh nhiều công việc, nhất là trong lĩnh vực đất đai, môi trường. Trong khi đó, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện không chỉ thiếu cán bộ so với biên chế được giao mà khối lượng công việc quá nhiều dẫn đến áp lực lớn đối với đội ngũ cán bộ không chịu đựng được áp lực này nên một số cán bộ luôn trong tình trạng "nhấp nhổm", muốn chuyển công tác.

Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đại Từ Nguyễn Quang Hải cho biết: “Từ đầu năm đến nay, tòa án các cấp mở khoảng 80 phiên tòa xét xử các vụ kiện quyết định hành chính liên quan đến đất đai, môi trường trên địa bàn. Mặc dù số lượng phiên tòa xét xử các quyết định hành chính là rất lớn, bình quân mỗi tháng có từ 7-8 phiên tòa, nhưng không có quyết định hành chính nào sai, nhưng bản thân tôi gần như dành toàn bộ thời gian làm việc, nhiều hôm nghiên cứu tài liệu ở cơ quan đến 23 giờ đêm để đi "hầu tòa".

Các vụ kiện quyết định hành chính ngày càng nhiều, áp lực sợ sai đang đè nặng cán bộ chuyên môn, họ phải dành nhiều thời gian để nghiên cứu tài liệu, đi thực tế nhiều hơn để nghiên cứu kỹ lưỡng vấn đề trước khi tham mưu cho chính quyền ra quyết định hành chính nên công việc chậm được giải quyết. Nhiều khi quy định của pháp luật không rõ, quy định chồng chéo, nhiều cách hiểu khác nhau dẫn đến cán bộ không dám tham mưu, né tránh công việc.

Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, có hàng chục khu dân cư, đô thị chưa thể triển khai tiếp do nhiều vướng mắc, làm đời sống người dân bị ảnh hưởng, hạ tầng không được hoàn thiện, thiệt hại lớn cho nhà đầu tư. Một trong những nguyên nhân chủ yếu chưa thể tiếp tục triển khai là do, những khu dân cư, đô thị này phải xác định lại giá đất đối với mỗi lần giao đất thì mới tiếp tục được gia hạn.

Điển hình là khu đô thị hồ Xương Rồng được đầu tư hơn 10 năm trước, nhưng đến nay chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng, chưa hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật nhưng chưa được gia hạn để tiếp tục triển khai làm người dân bức xúc, chủ đầu tư phải nuôi bộ máy ban quản lý hàng chục người để chờ đợi gia hạn.

Giám đốc Ban Quản lý Dự án khu đô thị hồ Xương Rồng Lê Minh Cường cho biết: "10 năm qua, chúng tôi được giao đất hơn mười lần, nay phải tính lại tiền sử dụng đất cho từng lần giao đất với căn cứ pháp luật thời điểm đó, thời gian đã lâu nên chưa có tổ chức, cá nhân nào dám tư vấn, tham mưu, xác định, quyết định lại giá đất cho mỗi lần giao đất, dẫn đến dự án kéo dài, chưa biết đến bao giờ mới hoàn thành dự án".

Chấn chỉnh hiện tượng né tránh, đùn đẩy

Đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên, cho biết: Đầu nhiệm kỳ 2020-2025, một số cán bộ, lãnh đạo sở, ngành, địa phương trong tỉnh có hiện tượng đùn đẩy, né tránh, chậm giải quyết công việc. Xác định hiện tượng này ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, xã hội, lòng tin của người dân, doanh nghiệp nên chúng tôi đã có nhiều giải pháp chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương công vụ.

Thái Nguyên chấn chỉnh hiện tượng cán bộ né tránh công việc ảnh 2

Tỉnh Thái Nguyên đang xem xét tính lại giá đất tại khu đô thị hồ Xương Rồng để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của dự án.

Theo Bí thư Thành ủy Thái Nguyên Dương Văn Lượng, mặc dù thành phố Thái Nguyên chưa có biểu hiện rõ ràng cán bộ né tránh, đùn đẩy công việc. Tuy nhiên, từ việc xử lý nghiêm khắc cán bộ vi phạm; kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra phát hiện nhiều sai phạm, xử lý nghiêm; quy định của pháp luật chưa cụ thể, nhiều cách hiểu khác nhau, chồng chéo, không thống nhất, đúng luật này lại không đúng luật kia làm cho cán bộ có cớ, có lý do chậm giải quyết công việc. Khắc phục vấn đề này, trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, Thường trực Thành ủy, lãnh đạo thành phố thường xuyên nhắc nhở, đôn đốc, uốn nắn, chấn chỉnh.

Trên phạm vi toàn tỉnh, để uốn nắn, chấn chỉnh hiện tượng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, trước khi ban hành chủ trương, vấn đề lớn, các cấp, các ngành đều căn cứ quy định, thực hiện đúng quy trình, quy chế làm việc để có chủ trương đúng, đồng thuận cao không chỉ trong cấp ủy, chính quyền mà còn được sự đồng tình của người dân, doanh nghiệp, từ đó hành động quyết liệt, phân giao nhiệm vụ cụ thể nên không có hiện tượng né tránh, đùn đẩy.

Điển hình là chủ trương xây dựng khu đô thị mới, phố đi bộ thành phố Thái Nguyên phải giải tỏa, bố trí, sắp xếp trụ sở làm việc hơn 20 cơ quan, đơn vị, giải phóng mặt bằng, tái định cư nhiều hộ dân, liên quan đến nhiều quy định pháp luật, nhiều bộ, ngành, đòi hỏi nguồn lực lớn. Ban đầu xuất hiện tâm tư, nhưng khi đã đồng thuận, người dân đồng tình, người đứng đầu chỉ đạo quyết liệt, các cấp, ngành được giao nhiệm vụ nên đến nay tiến độ đáp ứng yêu cầu đề ra.

Đồng chí Trịnh Việt Hùng cho biết, thời gian vừa qua tỉnh triển khai hàng loạt giải pháp để khắc phục hiện tượng đùn đẩy, cầu an, né tránh công việc, như ban hành chỉ thị về chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật công vụ; yêu cầu người đứng đầu phải gương mẫu, trách nhiệm trong giải quyết công việc; ai có biểu hiện né tránh mà nhắc nhở không chuyển biến, địa phương, đơn vị trì trệ thì sẽ xem xét về công tác cán bộ.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Sở Nội vụ thường xuyên kiểm tra đột xuất giải quyết công việc tại bộ phận một cửa tại các địa phương, đơn vị, thực hiện nhiệm vụ Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh giao. Qua đó, đề nghị kỷ luật, nhắc nhở nhiều cán bộ sao nhãng, không thực hiện đúng chức trách được giao; đề nghị sở, ngành chậm giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp giải trình, đề ra giải pháp khắc phục.

Mới đây, Hội đồng nhân dân tỉnh tổ chức phiên giải trình đối với nhiều vấn đề cử tri, doanh nghiệp quan tâm. Qua đó, phát huy vai trò của cơ quan dân cử, tăng cường giám sát trong việc thi hành pháp luật, chấn chỉnh hiện tượng trì trệ, chậm giải quyết công việc được giao.

Thời gian vừa qua, việc tiếp dân định kỳ của Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh đã đi vào nề nếp, không chỉ là tấm gương để lãnh đạo các cấp, các ngành noi theo mà qua việc tiếp dân của lãnh đạo chủ chốt tỉnh, hầu hết các vấn đề đều được giải quyết triệt để, trong đó có những vấn đề về đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hàng chục năm qua chưa được giải quyết. Qua đó, chấn chỉnh việc thực hiện trách nhiệm của cấp dưới.

Tỉnh Thái Nguyên tăng cường phân cấp, phân quyền cho cấp huyện phê duyệt chủ trương đầu tư dự án có tổng mức dưới 15 tỷ đồng; xác định giá đất sử dụng riêng lẻ để tăng tính chủ động cho cấp huyện. Tỉnh sẽ tiếp tục tham khảo các địa phương khác, nghiên cứu để đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền phù hợp để tránh đẩy công việc lên cấp tỉnh.

Tổ công tác đặc biệt của tỉnh được thành lập để rà soát, xem xét những dự án đầu tư từ nhiều năm trước có khó khăn, vướng mắc về mặt pháp lý, giao nhiệm vụ cho từng sở, ngành tham mưu cấp có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để khơi thông nguồn lực phát triển.