Chuyển biến về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Thái Nguyên

NDO - Thành lập cuối tháng 6/2022, hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Thái Nguyên đến nay đã thu được nhiều kết quả tích cực. Ban đã đưa vào diện chỉ đạo, theo dõi 8 vụ án (tăng 4 vụ so với khi mới thành lập Ban Chỉ đạo) mà xã hội quan tâm; chỉ đạo xử lý những vấn đề tồn tại; công khai, minh bạch các dự án về bất động sản; tăng cường kiểm tra để cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Vụ án về sát hạch cấp giấy phép lái xe trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đang được tích cực điều tra.
Vụ án về sát hạch cấp giấy phép lái xe trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đang được tích cực điều tra.

Thời gian vừa qua, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo các cơ quan liên quan tích cực tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử đối với các vụ án trong diện chỉ đạo, theo dõi.

Đến nay, đã có 3 vụ án đã cơ bản kết thúc điều tra, truy tố và chuyển sang giai đoạn xét xử là vụ án bị cáo Phan Mạnh Cường, nguyên Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp Thái Nguyên và các đồng phạm; vụ án tại mỏ than Yên Phước liên quan đến nhiều cá nhân là lãnh đạo, quản lý cấp sở; vụ án bị cáo Nguyễn Thị Huệ tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thành phố Thái Nguyên.

Các vụ án liên quan đến sát hạch cấp giấy phép lái xe, đăng kiểm ô-tô, lừa dối khách hàng ở thành phố Sông Công, Công ty cổ phần Thoát nước Thái Nguyên... cũng liên quan đến một số lãnh đạo, quản lý đang được tích cực điều tra.

Đồng chí Phạm Văn Thọ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Thái Nguyên, cho biết: Ban Chỉ đạo hoạt động đúng quy chế, nghiêm túc, hằng tháng họp thường trực, hằng quý họp Ban Chỉ đạo và đều ban hành thông báo kết luận, giao nhiệm vụ cho các thành viên thực hiện chức năng của mình.

Kết quả nổi bật là đã phát hiện, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố nhiều vụ án dư luận quan tâm, được Ban Nội chính Trung ương đánh giá cao.

“Chúng tôi sẽ tăng cường kiểm tra việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là các lĩnh vực nhạy cảm như đất đai, khoáng sản, đầu tư. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan bảo vệ pháp luật, nhất là cơ quan công an, khi thấy dấu hiệu tham nhũng, nhất là các lĩnh vực nhạy cảm như giải phóng mặt bằng, đầu tư, khoáng sản, đất đai thì phải điều tra”, đồng chí Phạm Văn Thọ cho biết thêm.

Thời gian vừa qua, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, bộ, ngành chức năng kiểm tra, thanh tra, ban hành kết luận, thông báo, xử lý cán bộ vi phạm đã góp phần rất lớn trong công tác đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn. Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Thái Nguyên theo dõi, yêu cầu cơ quan chức năng định kỳ báo cáo việc thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ về các lĩnh vực đất đai, khoáng sản, đầu tư đã góp phần đẩy nhanh tiến độ khắc phục những vấn đề đã được chỉ ra.

Tỉnh Thái Nguyên tổ chức 3 hội nghị tập huấn trực tiếp và trực tuyến về các chuyên đề phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, diễn giả là các chuyên gia, những người trực tiếp chỉ đạo, thanh tra, điều tra phá án, mỗi hội nghị có gần 2 nghìn người tham dự; đồng thời công khai các dự án khu dân cư, khu đô thị trên địa bàn đủ điều kiện giao dịch.

Hằng tháng Ban Chỉ đạo nhận được nhiều đơn, thư, thông tin liên quan đến tham nhũng, tiêu cực. Các đơn, thư, thông tin này đều được kiểm tra, xem xét và một số trường hợp đã bị xử lý với hành vi tương ứng. Qua đó, cho thấy sự tín nhiệm của xã hội đối với Ban Chỉ đạo.

Theo lãnh đạo Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Thái Nguyên, sau hơn một năm đi vào hoạt động nghiêm túc, đúng quy chế, trong đó có những việc làm sáng tạo, hiệu quả như thành lập tổ giúp việc, tổ chức 3 hội nghị tập huấn về phòng, chống tham nhũng với số lượng người tham gia rất lớn; vừa làm vừa rút kinh nghiệm, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã thu được kết quả bước đầu, góp phần tích cực phòng ngừa, cảnh báo, răn đe đối với hành vi tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn.