Thái Nguyên đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Xác định hơn 9.500 doanh nghiệp của tỉnh, tổng vốn đăng ký hơn 143 nghìn tỷ đồng là lực lượng và nguồn lực rất quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội, giải quyết việc làm, tăng thu ngân sách, thời gian vừa qua tỉnh Thái Nguyên rất coi trọng đối thoại, thành lập tổ công tác tháo gỡ khó khăn, kiến nghị của doanh nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
Đến nay Thái Nguyên thu hút vốn FDI đạt hơn 10,5 tỷ đồng, là điểm đến của nhiều nhà đầu tư lớn.
Đến nay Thái Nguyên thu hút vốn FDI đạt hơn 10,5 tỷ đồng, là điểm đến của nhiều nhà đầu tư lớn.

Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy mạnh phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19, từ đầu năm 2023 đến nay, tất cả các huyện, thành phố, sở, ngành, lãnh đạo tỉnh tổ chức các cuộc đối thoại với doanh nghiệp. Qua đó, hầu hết các kiến nghị của doanh nghiệp đều được lắng nghe, thấu hiểu, xem xét giải quyết.

Tương tác hai chiều

Từ đầu năm đến nay, các huyện, thành phố và nhiều sở, ngành của tỉnh Thái Nguyên đã có ít nhất là hai cuộc đối thoại, gặp gỡ với các doanh nghiệp. Tại các cuộc đối thoại này, lãnh đạo các doanh nghiệp đã thắng thắn kiến nghị, đề xuất giải quyết khó khăn, vướng mắc về vốn, đất đai, mặt bằng sản xuất, kinh doanh, đấu thầu, đơn giá vật liệu, thuế, thủ tục hành chính...

Đặc biệt, chuẩn bị cho cuộc đối thoại giữa Thường trực Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên với cộng đồng doanh nghiệp vào tháng 7/2023, các sở, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, các hội doanh nghiệp thành viên khảo sát, tập hợp 45 ý kiến, kiến nghị ở nhiều lĩnh vực của doanh nghiệp; đồng thời có nhiều kiến nghị trực tiếp tại cuộc đối thoại quy mô lớn và quan trọng này.

Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG Nguyễn Văn Thời, cho biết: Qua đó cho thấy, để cuộc đối thoại đạt chất lượng, hiệu quả, các khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn đã được phản ánh đầy đủ để trước hết là các lãnh đạo cao nhất của tỉnh thấu hiểu, chia sẻ, tìm cách giải quyết để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, duy trì việc làm, thu nộp ngân sách trong điều kiện rất nhiều khó khăn sau đại dịch Covid-19.

Thái Nguyên đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ảnh 1

Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên thường xuyên bám sát cơ sở, kịp thời tháo gỡ khó khăn từ thực tiễn.

Việc cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường đối thoại với doanh nghiệp, không chỉ thể hiện sự coi trọng đối với doanh nghiệp mà còn thể hiện sự cầu thị, uốn nắn những bất cập, hạn chế trong chỉ đạo, điều hành phát triển sản xuất, kinh doanh của chính quyền, các sở, ngành của tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên nhấn mạnh: Đối thoại với doanh nghiệp thể hiện sự đổi mới trong hoạt động của cơ quan nhà nước, hướng tới mục tiêu xây dựng chính quyền liêm chính, hành động, phục vụ, kiến tạo sự phát triển. Thái Nguyên sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp để yên tâm hoạt động, mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Tháo gỡ khó khăn

Tháng 5/2023, tỉnh Thái Nguyên thành lập tổ công tác đặc biệt và tổ giúp việc để rà soát đối với từng dự án, khó khăn của doanh nghiệp để tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, tháo gỡ. Khi nghe doanh nghiệp kiến nghị về việc giao đất đối với một số khu dân cư, khu đô thị, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Văn Dương cho biết, sẽ ưu tiên rà soát trước đối với vấn đề này để tham mưu giải quyết.

Các kiến nghị của doanh nghiệp tại các cuộc đối thoại đều được lắng nghe, tiếp thu, những vấn đề thuộc thẩm quyền của tỉnh được xem xét giải quyết, tại cuộc đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp tháng 7/2023, nhiều kiến nghị được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo giải quyết ngay, giao cơ quan chức năng giải quyết trong hạn định thời gian cụ thể; những vấn đề thuộc thể chế, chính sách được tỉnh tổng hợp, báo cáo cấp thẩm quyền xem xét.

Thái Nguyên đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ảnh 2

Thái Nguyên đang được xây dựng là thành phố thông minh.

Giám đốc Công ty cổ phần Thép Toàn Thắng ở Khu công nghiệp Sông Công 1, Nguyễn Văn Mùa chia sẻ, gần hai năm đầu tư chiều sâu nhà máy luyện phôi thép hợp kim và xỉ dầu Mangan với rất nhiều thủ tục hành chính, nhưng chúng tôi luôn nhận được sự đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện của các cấp, ngành liên quan nên mọi việc diễn ra thuận lợi, đúng tiến độ.

Việc thường xuyên đối thoại, tiếp xúc với doanh nghiệp, không chỉ các cấp, các ngành thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng, nhiều khó khăn, vướng mắc được giải quyết mà còn góp phần hỗ trợ doanh nghiệp gia nhập thị trường, giảm chi phí không chính thức, thuận lợi hơn trong việc tiếp cận đất đai... thúc đẩy năng lực cạnh tranh cấp tỉnh( PCI) của Thái Nguyên năm 2022 tăng ba bậc so với năm trước.