Theo đó, để thực hiện kịch bản tăng trưởng 10,5% trở lên, tỉnh Thái Bình xác định rõ giá trị sản xuất khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,6%; Công nghiệp và xây dựng tăng 17,3%, trong đó công nghiệp tăng 19,8% và xây dựng tăng 10%; Dịch vụ tăng 10%.
Trên cơ sở mục tiêu chung nêu trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình yêu cầu các huyện, thành phố kịp thời điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng kinh tế địa phương; tập trung rà soát mức độ hoàn thành các chỉ tiêu đã đề ra, làm rõ những chỉ tiêu còn dư địa, xây dựng các chương trình, kế hoạch, đề án, nhiệm vụ tổ chức thực hiện phù hợp, phấn đấu với quyết tâm chính trị cao nhất, nỗ lực lớn nhất, thể hiện rõ khát vọng vươn lên mạnh mẽ.
Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Nguyễn Khắc Thận (đứng giữa) cho biết, xây dựng Thái Bình trở thành tỉnh phát triển trong vùng Đồng bằng sông Hồng là khát vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân. |
Đối với các ngành, lĩnh vực chưa đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 20 phải tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, có giải pháp cụ thể, đồng bộ, linh hoạt, tạo sự chuyển biến rõ rệt và đột phá lớn; xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách phải thường xuyên quan tâm, đánh giá, báo cáo tiến độ thực hiện hằng tháng và chủ động, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc, vấn đề phát sinh để đạt kết quả cao nhất.
Thái Bình giảm 8 cơ quan cấp tỉnh, giảm 49 phòng và 17 đơn vị sự nghiệp sau sắp xếp
Tỉnh Thái Bình tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Phấn đấu thu hút vốn đầu tư năm 2025 đạt hơn 50 nghìn tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt hơn 1,5 tỷ USD. Thực hiện quyết liệt công tác giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm, phấn đấu hoàn thành 100% kế hoạch vốn của năm.
Địa phương sẽ phân bổ nguồn lực có trọng tâm, trọng điểm. Lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt đầu tư xã hội và thúc đẩy hợp tác công tư. Tạo điều kiện tối đa để các dự án thực hiện đúng tiến độ, nhưng kiên quyết cắt giảm, điều chuyển kế hoạch vốn của các dự án chậm tiến độ, kéo dài thời gian do nguyên nhân chủ quan để bổ sung vốn cho dự án có tiến độ giải ngân tốt.
Khu kinh tế Thái Bình được kỳ vọng thúc đẩy nhanh, mạnh tăng trưởng kinh tế của tỉnh. |
Thái Bình đề ra phương án bảo đảm bền vững nguồn thu và cân đối ngân sách. Phấn đấu thu nội địa năm nay đạt hơn 13 nghìn tỷ đồng. Tỉnh thực hiện quyết liệt thu hồi nợ thuế, tiết kiệm triệt để chi thường xuyên, tăng chi đầu tư phát triển. Thực hiện có hiệu quả Chương trình tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư.
Để tăng trưởng kinh tế đạt hai con số, tỉnh Thái Bình tiếp tục tháo gỡ dứt điểm các vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, nhất là tuyến đường bộ ven biển, cao tốc CT 08, đường từ thành phố Thái Bình đi cầu Nghìn, đường vành đai phía Nam thành phố Thái Bình, đường từ thành phố đi huyện Hưng Hà kết nối với tỉnh Hưng Yên…
Tiếp đó là các dự án phát triển nhà ở, khu đô thị ven sông Trà Lý, khu đô thị Kiến Giang, dự án phát triển nhà ở tại các xã Đông Hòa, Tân Bình, Vũ Phúc, Song An, Trung An…
Các dự án quy mô lớn đi vào hoạt động ổn định như Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 sẽ tạo giá trị, động lực mới cho tăng trưởng kinh tế. |
Đối với những dự án này, địa phương sẽ phân công rõ nhiệm vụ và thời gian thực hiện cụ thể cho các cấp, các ngành, đặc biệt là bảo đảm các mốc thời gian, tiến độ đối với từng công trình, dự án; định kỳ hằng tháng báo cáo Thường trực Tỉnh ủy.
Ngoài ra, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình cũng yêu cầu tập trung tháo gỡ dứt điểm các điểm nghẽn, nút thắt và các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp triển khai thực hiện dự án đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh; sớm đưa vào vận hành các dự án quy mô lớn, công nghệ cao nhằm gia tăng năng lực sản xuất, tạo giá trị, động lực mới cho tăng trưởng kinh tế.