Thái Bình nỗ lực nâng cao hiệu quả công tác đền ơn đáp nghĩa

NDO - Thái Bình là một trong những tỉnh đóng góp nhiều sức người, sức của cho cách mạng với hơn 52 nghìn liệt sĩ, hơn 260 nghìn người được thưởng Huân chương, Huy chương Kháng chiến và gần 6 nghìn Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Những hy sinh, mất mát to lớn ấy luôn được Đảng bộ và nhân dân Thái Bình ghi nhớ, biết ơn thông qua các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” có sức lan tỏa rộng rãi.
0:00 / 0:00
0:00
Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình (đứng giữa) tặng quà gia đình chính sách nhân dịp 27/7.
Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình (đứng giữa) tặng quà gia đình chính sách nhân dịp 27/7.

Đồng chí Phí Ngọc Thành, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Bình cho biết, với số lượng người có công và thân nhân đang hưởng trợ cấp ưu đãi thường xuyên hằng tháng rất lớn (hơn 60 nghìn lượt người), tỉnh đã có nhiều nỗ lực, việc làm cụ thể để giải quyết chế độ chính sách theo đúng quy định, bảo đảm quyền lợi chính đáng của mọi đối tượng trong diện được hưởng.

Hằng năm, trung bình giải quyết chế độ trợ cấp một lần cho 6.500 người; thực hiện chế độ điều dưỡng cho 24 nghìn người; thực hiện chế độ ưu đãi giáo dục đào tạo cho 2,5 nghìn người; thực hiện chế độ bảo hiểm y tế cho 150 nghìn người, thực hiện chế độ thờ cúng liệt sĩ cho 35 nghìn người… Tổng kinh phí hằng năm chi cho người có công trên địa bàn hơn 1.600 tỷ đồng.

Toàn tỉnh hiện có 208 công trình ghi công liệt sĩ, 17.858 mộ liệt sĩ tại 100 nghĩa trang liệt sĩ (trong đó, có 14.559 mộ liệt sĩ có nguyên quán tỉnh Thái Bình, 248 mộ liệt sĩ có nguyên quán ở tỉnh ngoài và 3.048 mộ liệt sĩ chưa xác định được thông tin). Các công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ thường xuyên được quan tâm đầu tư, sửa chữa, nâng cấp,được xây dựng bằng vật liệu cứng bền vững.

Thái Bình nỗ lực nâng cao hiệu quả công tác đền ơn đáp nghĩa ảnh 1

Nghĩa trang liệt sĩ huyện Đông Hưng (tỉnh Thái Bình) được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lịch xếp hạng Di tích lịch sử, văn hóa năm 1992.

Việc hỗ trợ nhà ở cho người có công được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện. Riêng trong giai đoạn 2012-2022, Thái Bình đã hoàn thành hỗ trợ cải tạo 17.400 nhà ở cho người có công với cách mạng, kinh phí 570,6 tỷ đồng (xây mới 11.132 nhà, sửa chữa 6.268 nhà), trong đó tạm ứng từ nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ 286 hộ, kinh phí hơn 9,2 tỷ đồng (xây mới 177 nhà, sửa chữa 109 nhà).

Trong đại dịch Covid-19, tỉnh quyết định phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ 53.334 người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ với định mức hỗ trợ 500.000 đồng/người/tháng, tổng kinh phí hỗ trợ hơn 79 tỷ đồng, bảo đảm kịp thời theo đúng quy định, giúp người có công với cách mạng và thân nhân giảm bớt khó khăn trong cuộc sống.

Chia sẻ, đồng hành với các gia đình chính sách, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Thái Bình có cách làm thiết thực, hiệu quả. Tại huyện Đông Hưng, mặc dù ngân sách còn hạn hẹp nhưng dịp 27/7 năm nay, ngoài quà tặng của Trung ương, của tỉnh, huyện vẫn quyết định trích thêm 1,3 tỷ đồng tặng quà cho các gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và người có công với cách mạng.

Ông Nguyễn Ngọc Mạnh, Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Đông Hưng chia sẻ: “Thế hệ những người đi sau như chúng tôi luôn khắc ghi những đóng góp to lớn của lớp lớp cha anh đã xả thân cho đất nước. Không chỉ những ngày tháng 7 này tổ chức thăm hỏi, tri ân gia đình chính sách, mà đây là việc làm đều đặn trong cả năm”.

Thái Bình nỗ lực nâng cao hiệu quả công tác đền ơn đáp nghĩa ảnh 2

Nhiều gia đình người có công ở Thái Bình được hỗ trợ cải thiện nhà ở.

Có dịp về Đông Hưng, ấn tượng nhất với chúng tôi chính là công trình Nghĩa trang liệt sĩ huyện. Đây là công trình khá đặc biệt bởi đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích lịch sử, văn hóa năm 1992, đồng thời cũng là nghĩa trang quy mô cấp huyện duy nhất ở tỉnh Thái Bình.

Nghĩa trang được xây dựng đúng ngày 27/7/1979 tại xã Nguyên Xá, đến ngày 27/7/1985 công trình bề thế này được đưa vào sử dụng. Trên khuôn viên rộng đến 2ha, tại đây đang lưu giữ 2.734 mộ liệt sĩ của tất cả các xã trên địa bàn và 4 xã, phường thuộc thành phố Thái Bình.

Với công sức của chính quyền và nhân dân trong huyện, Nghĩa trang liệt sĩ Đông Hưng đẹp và xanh mát như một công viên. Có rất nhiều cây bóng mát, có những hồ nước trong veo, có những tiểu cảnh tạo cho người đến viếng thăm cảm giác thư thái, bình yên.

Nhân lên những nghĩa cử tốt đẹp, bắt đầu từ năm 1992, tỉnh Thái Bình phát động phong trào “Tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa và làm nhà tình nghĩa” cho các gia đình chính sách. Đây là một trong những việc làm mang tính chất nhân văn, được phát động sớm ở Thái Bình.

Ở huyện Thái Thụy, có phong trào “Tổ thương binh tình nghĩa” được nhân lên từ xã Thụy Sơn đã nhanh chóng trở thành phong trào thắm đượm nghĩa tình trong anh em thương, bệnh binh, được nhân dân đồng tình ủng hộ và các cấp chính quyền, các ngành quan tâm tạo điều kiện, trở thành mô hình tốt của cả nước.

Các tổ thương binh tình nghĩa thực sự là những tổ ấm và điểm tựa của các thương binh, bệnh binh. Không những vậy, nhiều tổ thương binh tình nghĩa sản xuất và kinh doanh phát triển đã trở thành những doanh nghiệp hoạt động khá năng động và hiệu quả, làm ngời sáng thêm truyền thống “Thương binh tàn nhưng không phế".

Sự cống hiến, hy sinh của các Anh hùng, liệt sĩ, người có công với cách mạng cho độc lập, tự do của dân tộc, cho hạnh phúc của nhân dân là vô giá, không chỉ cho ngày hôm qua, hôm nay mà cho muôn đời con cháu mai sau. Chính vì vậy, việc chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công là nghĩa vụ, trách nhiệm và niềm vinh dự của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và của mọi người dân tỉnh Thái Bình.

Thực hiện tốt công tác chăm sóc người có công không chỉ phát huy truyền thống, đạo lý của dân tộc ta mà còn củng cố niềm tin vững chắc vào Đảng, Nhà nước, góp phần quan trọng ổn định tình hình an ninh, chính trị, phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.