Sự đối đầu của 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới trong quá khứ
Nhìn lại cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung trong giai đoạn trước, bắt đầu từ cuối tháng 3/2018, Mỹ đã thông báo đánh thuế 25% lên 50 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc, và chính thức thực thi điều này vào tháng 7 năm đó. Trung Quốc cũng đã liên tiếp đáp trả bằng hàng rào thuế quan đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ. Chỉ trong vòng 2 năm, Mỹ đã đánh thuế 25% với 250 tỷ USD hàng Trung Quốc, và Trung Quốc cũng đánh thuế 25% lên 110 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Mỹ. Cán cân thương mại giữa hai quốc gia xoay chuyển và đã khiến cho tăng trưởng kinh tế chịu nhiều sức ép.
Theo nghiên cứu của các chuyên gia kinh tế, xuất khẩu sang Trung Quốc giúp GDP của Mỹ tăng thêm 0,7%. Ngược lại, xuất khẩu sang Mỹ giúp GDP của Trung Quốc gia tăng khoảng 3%. Do đó, trước hàng rào thuế quan đầy thách thức, giá trị xuất nhập khẩu của cả 2 quốc gia ghi nhận sự sụt giảm mạnh mẽ. Cụ thể, trong giai đoạn 2018-2020, nhập khẩu hàng Trung Quốc của Mỹ đã suy yếu gần 20%, trong khi nhập khẩu hàng Mỹ của Trung Quốc giảm hơn 12%.
Theo Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV), với một nền kinh tế gắn với chuỗi sản xuất hàng hóa khổng lồ như Trung Quốc và một thị trường tiêu thụ đầy tiềm năng như Mỹ, hàng rào thuế quan đã khiến sản lượng công nghiệp và doanh số bán lẻ của cả hai quốc gia liên tục lao dốc. Trong khi đó, các mặt hàng chịu thuế nặng nề nhất từ cả hai phía đều là các sản phẩm công nghệ cao, máy móc, thiết bị điện tử, phương tiện giao thông,… vốn tiêu thụ một lượng lớn kim loại, đặc biệt là đồng. Được coi là “tiến sĩ kinh tế”, hay “thước đo sức khỏe của nền kinh tế”, thị trường đồng trong giai đoạn này đã chịu những tổn thất không hề nhỏ.
Tổn thương của thị trường đồng trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung
Kể từ khi Mỹ chính thức thông qua việc đánh thuế 25% lên 50 tỷ USD hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc vào tháng 6/2018, giá đồng trên Sở COMEX đã đánh mất khoảng 22% giá trị chỉ trong vòng 2 tháng. Sau đó, giá duy trì ở mức thấp trong suốt 3 năm khi hàng loạt những giới hạn kinh tế liên tục được thiết lập. Mặc dù các sản phẩm đồng không phải là mặt hàng chiếm tỷ trọng cao trong danh sách giao thương giữa hai quốc gia này, tuy nhiên, đây lại là nguyên liệu rất quan trọng trong chuỗi sản xuất loạt hàng hóa chịu tổn thương nặng nề nhất từ các biện pháp đánh thuế. Đặc biệt, đối với Trung Quốc, đây là quốc gia chiếm 50% nhu cầu đồng trên toàn thế giới. Con số này tại Mỹ cũng rơi vào khoảng 8%.
Thực tế, các mặt hàng chủ lực của Trung Quốc đã bị Mỹ áp thuế nằm trong nhóm máy móc thiết bị điện tử, đồ nội thất và các sản phẩm từ nhựa. Chỉ riêng 3 nhóm này đã chiếm tới 40% giá trị xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ. Trong khi đó, hàng hóa của Mỹ nhập khẩu vào Trung Quốc chịu thiệt hại lớn bởi hàng rào thuế cũng bao gồm nhóm máy móc, linh kiện điện tử, ngoài ra còn có thiết bị và phương tiện ngành giao thông, đặc biệt là máy bay.
Theo MXV, xét về cơ cấu sử dụng theo lĩnh vực tại hai quốc gia này, đây đều là những ngành tiêu thụ một lượng đồng lớn làm nguyên liệu đầu vào. Do đó, với những đòn đánh thuế liên tiếp được tung ra, cả hai quốc gia đều đánh mất thị phần quan trọng trong bức tranh tiêu thụ hàng hóa và gián tiếp làm sụt giảm nhu cầu về đồng, gây áp lực đến giá trong suốt giai đoạn căng thẳng thương mại.
Chưa kể đến việc các công cụ phi thuế quan cũng tạo ra trở ngại lớn đối với các doanh nghiệp sản xuất. Điển hình như các hạn chế trong hoạt động đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ ở lĩnh vực công nghiệp và kỹ thuật quan trọng, kiểm soát chặt công nghệ hay việc “cấm cửa” các công ty đối phương. Nhiều dây chuyền sản xuất bị ảnh hưởng, phải di dời sang các quốc gia khác và điều đó cũng đã gây sức ép đến thị trường kim loại nói chung và đồng nói riêng.
Rủi ro thương mại tiềm ẩn gây áp lực tới giá đồng trong tương lai
Kể từ đầu tháng 8 năm nay, căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc một lần nữa cho thấy những dấu hiệu leo thang. Ngay lập tức, đà tăng của giá đồng chững lại sau một đợt phục hồi nhẹ, phản ánh những lo ngại của các nhà đầu tư về một kịch bản tái diễn trong tương lai.
Mặc dù cả hai nền kinh tế đang nỗ lực trong việc tự chủ và giảm sự phụ thuộc vào nhau nhằm hạn chế các rủi ro thương mại. Tuy nhiên, với vai trò là hai quốc gia phát triển hàng đầu, sự ràng buộc lẫn nhau trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là ngành sản xuất là điều tất yếu. Điển hình, mặt hàng chip bán dẫn của Trung Quốc vẫn đang phụ thuộc nhiều vào Mỹ do yếu tố công nghệ cao. Đây cũng là thành phần quan trọng cho các mặt hàng từ điện thoại thông minh, máy móc hiện đại hay ngành sản xuất ô-tô. Trong khi đó, Trung Quốc hiện vẫn đang là đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ, đặc biệt là các lĩnh vực có hàm lượng kim loại cao như: điện thoại, máy tính, thiết bị mạng, linh kiện điện tử.
Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang phải đối diện với hàng loạt rủi ro từ dịch bệnh, tới các yếu tố vĩ mô liên quan tới kiểm soát lạm phát và viễn cảnh suy thoái kinh tế, một kịch bản chiến tranh thương mại Mỹ-Trung tái thiết lập dường như sẽ rất bất lợi cho cả hai bên. Mặc dù căng thẳng thương mại khó có thể leo thang mạnh mẽ như giai đoạn trước, tuy nhiên, không loại trừ khả năng các đòn đánh về kinh tế có thể xảy ra và khi đó, nhóm kim loại nói chung và thị trường đồng nói riêng sẽ chịu áp lực không nhỏ.