Một số báo chí, truyền thông nước ngoài đã có những phóng sự, tin tức về phong tục đón Tết độc đáo của người Việt, trong khi nhiều người nước ngoài kết hôn với người Việt hoặc những thế hệ người Việt thứ hai, thứ ba sinh ra ở nước ngoài cũng bày tỏ sự yêu mến và muốn gìn giữ các nét đẹp văn hóa đón Tết của người Việt Nam.
Theo TTXVN, kênh truyền hình tiếng Pháp của vùng thủ đô Brussels (Bỉ) BX1 đã phát phóng sự Người Việt đón Tết ở Woluwe Saint-Pierre với nội dung về chương trình Tết cộng đồng do Hội người Việt Nam tại Bỉ phối hợp Đại sứ quán Việt Nam tại Bỉ tổ chức.
Phóng sự cho biết, khoảng 400 người Việt Nam đã đến dự ngày hội truyền thống và thuần khiết tại quận Woluwe Saint-Pierre. “Chúc mừng năm mới” là câu cửa miệng của người Việt khi gặp nhau dịp này. Ngay cả một số người Bỉ cũng học để nói chúc mừng năm mới.
Những câu đối Tết hoặc các bức thư pháp mang từ Việt Nam sang được trang trí trong lễ hội đón Tết cũng được truyền hình Bỉ đặc biệt quan tâm. BX1 cho rằng, đây là những đồ vật trang trí không thể thiếu trong ngày Tết, mang lại nhiều năng lượng cho gia đình trong năm mới.
Bên cạnh đó, Tết của người Việt Nam không thể thiếu các tiết mục văn nghệ và lần này do đoàn nghệ thuật đến từ Thành phố Hồ Chí Minh biểu diễn. Phóng sự nhấn mạnh cộng đồng người Việt Nam có khoảng 5.000 người sống ở thủ đô Brussels.
Hằng năm, cứ mỗi dịp đến Tết Nguyên đán, gia đình chị Phạm Hợp, Việt kiều sống ở thành phố Sydney của Australia, lại cùng các gia đình bạn bè tụ tập chuẩn bị mâm cỗ theo đúng truyền thống Việt Nam.
Dù đã sống và làm việc tại Sydney hơn 18 năm, nhưng với chị Hợp, ngoài việc dùng tiếng Việt trong giao tiếp để giữ gìn tiếng mẹ đẻ thì việc lưu giữ phong tục, lễ Tết là cách tốt nhất để giáo dục con cái về đạo đức làm người, về truyền thống, bản sắc văn hóa của dân tộc.
Chính vì thế, cho dù có chồng là người Australia và hai con mang hai dòng máu Việt-Australia, chị Hợp vẫn luôn tâm niệm phải làm sao để con mình hiểu và quý trọng những nét đẹp văn hóa truyền thống của Việt Nam, cảm thấy gần gũi, gắn bó với quê hương đất nước và tự hào vì mang trong mình dòng máu Việt.
Chia sẻ niềm tự hào về bản sắc văn hóa Việt, chị Phạm Hợp cho biết, chị luôn nhắc các con phải gìn giữ Tết cổ truyền và mỗi dịp Tết Nguyên đán, các con chị lại cùng mẹ chuẩn bị những mâm cỗ theo đúng truyền thống của Việt Nam để cả gia đình quây quần bên nhau. Điều hạnh phúc hơn nữa đối với chị là anh Paul McDonald (P.Mắc Đô-nan) - chồng chị, tuy không phải là người Việt, nhưng vô cùng yêu mến văn hóa Việt.
Anh cho biết, vào những dịp Tết của người Việt, vợ chồng anh thường cùng bạn bè quây quần bên những mâm cơm mang đặc trưng truyền thống của Việt Nam để giúp vợ anh vơi đi nỗi nhớ quê hương.
Chị Trần Hải, một Việt kiều khác, luôn cố gắng truyền cho các con hiểu về văn hóa bản sắc dân tộc. Với chị, việc cùng nhau chuẩn bị cỗ và quây quần bên mâm cơm gia đình trong ngày Tết là điều vô cùng thiêng liêng và không thể thiếu, giúp chị cảm thấy gần gũi như đang được sống trong không khí Tết quê hương.
Hiểu thấu tâm tư của vợ, anh Mike Langford (M.Lang-pho) - chồng chị Hải hằng năm cũng rất mong chờ ngày Tết cổ truyền và tạo ra bầu không khí gần giống với ngày Tết ở Việt Nam nhất để vợ anh vơi đi nỗi nhớ nhà. Anh luôn tự hào vì gia đình mình may mắn mang hai dòng máu Việt-Australia cho nên được tận hưởng những nền văn hóa khác nhau, giàu bản sắc.