Tập trung nguồn lực hướng đến phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3-5 tuổi

NDO - Ngày 9/10, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội thảo "Tham vấn thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo".
Các đại biểu tập trung trao đổi, đề xuất, góp ý nhằm xây dựng, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3-5 tuổi.
Các đại biểu tập trung trao đổi, đề xuất, góp ý nhằm xây dựng, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3-5 tuổi.

Phát biểu tại Hội thảo, Vụ trưởng Giáo dục mầm non, Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Bá Minh cho biết: Việc xây dựng Nghị quyết Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3-5 tuổi là rất cần thiết. Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục và Đào tạo, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế đề ra mục tiêu từng bước chuẩn hóa hệ thống các trường mầm non. Phát triển giáo dục mầm non dưới 5 tuổi có chất lượng, phù hợp với điều kiện của từng địa phương và cơ sở giáo dục.

Trong những năm qua, giáo dục mầm non đã từng bước vượt qua khó khăn, phát triển toàn diện về quy mô, mạng lưới trường lớp, các điều kiện chăm sóc, giáo dục trẻ; chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ được nâng lên. Đáng chú ý, việc thực hiện thành công các mục tiêu cơ bản của Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi đã góp phần nâng cao tỷ lệ trẻ em được tới trường, lớp; thu hút một nguồn lực lớn để đầu tư cơ sở vật chất theo yêu cầu kiên cố hóa, chuẩn hóa phục vụ công tác chăm sóc và giáo dục trẻ ở các địa phương. Kết quả thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi có tác dụng tốt đối với sự phát triển của trẻ; đồng thời, tạo sự an tâm, tin tưởng của cha mẹ trẻ và cộng đồng đối với giáo dục mầm non.

Hằng năm, cả nước có hơn 5,1 triệu trẻ mầm non được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục tại 15.256 trường mầm non và 17.444 cơ sở giáo dục mầm non độc lập; tỷ lệ huy động trẻ em nhà trẻ đạt 34,6%, tỷ lệ huy động trẻ em mẫu giáo đạt 93,6%.

Tuy nhiên, giáo dục mầm non vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Còn một số lượng khá lớn trẻ em mẫu giáo từ 3-4 tuổi chưa được tiếp cận với giáo dục mầm non, tạo sự mất công bằng trong tiếp cận giáo dục. Hiện nay, có gần 300 nghìn trẻ em mẫu giáo chưa được đến trường, tập trung tại những nơi khó khăn, đặc biệt khó khăn, vùng cao, miền núi, biên giới, hải đảo, nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số.

Vì vậy, việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3-5 tuổi nhằm bảo đảm việc triển khai chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế-xã hội, chỉ đạo của Chính phủ về phổ cập giáo dục mẫu giáo trên phạm vi cả nước. Xây dựng hành lang pháp lý để huy động nguồn lực đầu tư, bảo đảm các điều kiện thực hiện phổ cập giáo dục mẫu giáo.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Kim Chi nhấn mạnh: Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3-5 tuổi không chỉ là nhiệm vụ chính trị quan trọng mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội đối với giáo dục mầm non, tương lai của đất nước. Trong thời gian gần đây, nhiệm vụ phổ cập giáo giáo dục mầm non cho trẻ 3-5 tuổi được đề cập, nêu rõ, quán triệt ở Nghị quyết số 42 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Nghị quyết số 68 của Chính phủ và gần nhất là Kết luận số 91 của Bộ Chính trị. Điều đó khẳng định Đảng, Nhà nước, Chính phủ rất quan tâm đến việc thực hiện nhiệm vụ này.

Tập trung nguồn lực hướng đến phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3-5 tuổi ảnh 2

Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Kim Chi phát biểu tại Hội thảo.

Đến thời điểm này, ở bậc học mầm non đã hoàn thành phổ cập cho trẻ 5 tuổi từ năm 2010. Từ đó, tạo nền tảng cơ bản, những bước đi, kinh nghiệm cùng với sự huy động, vào cuộc của các bộ, ban, ngành, chỉ đạo tích cực triển khai tại các địa phương đã mang lại những thay đổi, phát triển cho bậc học mầm non về quản lý, chỉ đạo, mạng lưới và quy mô.

Về nhiệm vụ xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3-5 tuổi, Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi cho biết: Mặc dù đã có sự chuẩn bị tích cực song quan trọng nhất là phải tham mưu, xây dựng Nghị quyết như thế nào để sau khi đi vào thực tế triển khai, các địa phương có thể tham mưu, ban hành nhiều chính sách, đưa ra các giải pháp, tạo nguồn lực đổi mới giáo dục mầm non.

Nhấn mạnh về những yếu tố bảo đảm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Đinh Công Sỹ cho rằng: Con người và cơ sở vật chất đóng vai trò quan trọng trong quá trình triển khai tại các địa phương. Do đó, cần tập trung nguồn lực, bảo đảm các yếu tố để khi ban hành, chính sách được thực hiện thành công, hiệu quả.

Tại Hội thảo, đại diện các bộ, ngành, các Sở Giáo dục và Đào tạo, phòng Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục mầm non đã tập trung trao đổi, nêu ý kiến, đề xuất, góp ý nhằm xây dựng, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3-5 tuổi trước khi trình Chính phủ trong thời gian sắp tới.