Ngày 21-10, tại Hà Nam, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị đánh giá kết quả 10 năm thực hiện PCGDMNTNT và sơ kết hai năm thực hiện Đề án Phát triển GDMN giai đoạn 2018-2025.
Theo Vụ trưởng GDMN, Bộ GD-ĐT Nguyễn Bá Minh, từ khi các địa phương triển khai PCGDMNTNT, mạng lưới trường lớp mầm non được củng cố, mở rộng và phân bố đến hầu hết các địa bàn dân cư xã, phường, thôn, bản đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đưa trẻ đến trường và nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ.
Các địa phương đã quan tâm quy hoạch, mở rộng mạng lưới trường lớp, thu gom các điểm lẻ; rà soát quy hoạch đất đai, giành quỹ đất để xây dựng trường lớp mầm non, đặc biệt là trường mầm non công lập ở các xã, phường, ban hành các đề án, chính sách địa phương, đầu tư và huy động mọi nguồn lực phát triển GDMN đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của người dân...
Chất lượng phòng học thay đổi theo hướng tích cực, bảo đảm một phòng/một lớp mẫu giáo 5 tuổi; từ phòng học tạm, tranh tre, nứa, lá đến nay hầu hết phòng học cho trẻ em mẫu giáo 5 tuổi đã được đầu tư kiên cố, bán kiên cố; diện tích trung bình từ 1-1,2 m2/trẻ đến nay hầu hết đã đạt mức từ 1,5 m2/trẻ trở lên; Số lượng phòng học xây mới, số phòng học kiên cố tăng, số phòng bán kiên cố, phòng học tạm giảm từng năm.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng GD-ĐT Ngô Thị Minh nhấn mạnh: Đề án PCGDMNTNT là một chủ trương đúng đắn, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng và nhà nước đối với thế hệ mầm non của đất nước nên được toàn xã hội quan tâm và huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc thực hiện.
Trong hơn 10 năm qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn song nhờ sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy đảng chính quyền, các tổ chức xã hội và toàn xã hội; sự nỗ lực của ngành giáo dục, công tác PCGDMNTENT đã tạo nên diện mạo mới đối với GDMN. Cả nước có 5.306.501 trẻ mầm non được đến trường; trong đó có 1.637.266 trẻ mẫu giáo 5 tuổi. Tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo 5 tuổi được nâng lên hằng năm, kết quả duy trì năm 2019 đạt 99,96% (tăng 3,56% so với năm 2011). Tỷ lệ trẻ em mẫu giáo 5 tuổi hoàn thành Chương trình GDMN đạt 99,9%.
Đội ngũ GVMN được nâng cao cả về số lượng và chất lượng, chế độ chính sách được bảo đảm. Toàn ngành hiện có hơn 364 nghìn giáo viên mầm non (GVMN). GVMN từ chỗ phần lớn chưa được hưởng chế độ của viên chức mà chỉ được chi trả theo hợp đồng lao động với mức lương thấp, có nơi chi trả bằng thóc lúa thì đến nay, GVMN đều được hưởng chế độ chính sách như viên chức nhà nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện PCGDMNTNT vẫn còn gặp khó khăn. Mặc dù tỷ lệ huy động trẻ đến trường của cả nước có tăng theo từng năm học, tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi cao, tuy nhiên, tỷ lệ huy động trẻ các độ tuổi có sự chênh lệch đáng kể giữa các vùng, miền. Ngoài ra, tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo 3 đến 4 tuổi ở một số địa bàn thấp ảnh hưởng tới sự bền vững của PCGDMNTNT.
Thực hiện Nghị định về phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, toàn quốc còn tám xã chưa đạt chuẩn PCGDMNTNT như Nghệ An còn sáu xã, nguyên nhân là có hai xã còn phòng học mượn; bốn xã tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi không đạt do còn sáu điểm bản chưa có lớp mầm non, trẻ 5 tuổi đến làm quen tiếng Việt tại trường Tiểu học, chưa hoàn thành chương trình GDMN...
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận về việc sắp xếp mạng lưới cơ sở GDMN; tăng cường xã hội hóa và huy động các nguồn lực thực hiện PCGDMTNT; các chính sách cho trẻ em và giáo viên. Đồng thời đề ra các giải pháp để duy trì và nâng cao chất lượng PCGDMNTNT; xây dựng lộ trình xây dựng và thực hiện PCGDMN cho trẻ em 4 tuổi, đề xuất các giải pháp thực hiện các mục tiêu của Đề án phát triển GDMN giai đoạn 2018-2025....