Gặp ông Nguyễn Văn Tình (phường Đại Phúc, thành phố Bắc Ninh) đang thoăn thoắt đôi tay tuốt lá đào ở trên thửa ruộng nhà mình là thấy Tết sắp tới ngoài thềm nhà. Cứ vào khoảng gần cuối tháng 11, đầu tháng 12 âm lịch là cả nhà ông lại tập trung nhiều nhân lực vào công việc chăm sóc đặc biệt này để chuẩn bị thu hoạch một vụ đào. Ngoài diện tích đất của nhà mình, ông Tình còn thuê thêm ruộng để trồng gần 5 sào hoa đào ở phường Đại Phúc.
Ở phường Đại Phúc, thành phố Bắc Ninh, còn khá nhiều diện tích trồng hoa đào, tập trung ở khu 7, 8, 9 và 10, nhiều nhất là cánh đồng Trám ở khu 9. Theo ông Bội Văn Trận, trưởng khu 9, toàn khu còn gần 10ha đất chuyên trồng đào. Đây là loại cây trồng được chính quyền thành phố đưa về trồng từ ngày tách tỉnh Hà Bắc với mục tiêu tạo ra loại cây lâu năm có chất lượng và cho thu nhập cao.
Đến nay, cây hoa đào vẫn là cây chủ lực trong sản xuất nông nghiệp ở khu vực này. Dù nằm trong một đô thị có tốc độ phát triển kinh tế công nghiệp mạnh mẽ nhưng ở đây vẫn còn gần 200 hộ gia đình gắn bó với nghề nông và công việc trồng hoa đào cho Tết. Theo lãnh đạo khu phố này, cây hoa đào bán vẫn được giá và nếu người nông dân chuyên tâm cho việc trồng trọt thì sẽ có thu nhập tốt hơn so với việc trồng lúa hoặc cây hoa màu khác.
Mấy năm nay, phần vì biến đổi khí hậu, phần vì ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 mà chất lượng của cây hoa đào và giá bán cũng bị ảnh hưởng, nhiều bất ổn. Tuy nhiên, những người nông dân vẫn cần mẫn, không bỏ ruộng, bỏ nghề. Nói như ông Trận thì cứ gắn bó và chăm chỉ với đồng ruộng quê mình thì dù không thể giàu nhanh nhưng kinh tế phát triển bền vững và cuộc sống ổn định.
Cần mẫn bên ruộng hoa Tết. (Ảnh: Minh Minh) |
Giáp với huyện Gia Lâm, Hà Nội là cánh đồng trồng hoa đào lớn nhất tỉnh Bắc Ninh ở khu phố Trung Hòa, phường Đình Bảng, thành phố Từ Sơn. Người dân ở đây vẫn thuần nông và còn nhiều đất nông nghiệp chuyên canh cây đào. Toàn khu có gần 30ha trồng đào với đủ các loại từ cây cho tới cành gồm: đào bích, đào phai, cả những cây đào được cắt ghép từ đào rừng.
Nhà cô Nguyễn Thị Phương - một nông dân có hơn 20 năm kinh nghiệm trong công việc trồng đào năm nay trồng hơn 7 sào hoa đào. Đây cũng là loại cây chủ lực của vùng đất này do địa phương tạo ra để nhằm gia tăng giá trị và phát triển kinh tế nông nghiệp chất lượng cao. Từ trồng cấy trên ruộng đồng của mình, nhiều gia đình ở đây có thu nhập khấm khá, nuôi được các con ăn học trưởng thành và tạo lập cuộc sống yên ấm.
Phường Đình Bảng cũng nằm trong đô thị có tốc độ công nghiệp hóa cao, tuy nhiên, trong nhiều năm qua, diện tích đất nông nghiệp ở các khu vực như: Cao Lâm Trung Hòa, Long Vỹ vẫn được giữ nguyên để người nông dân có đất trồng trọt. Trong đó khu Trung Hòa được chú trọng để chuyên canh cây hoa đào. Thời điểm này, hơn 100 hộ nông dân ở đây đang tập trung chăm sóc để canh cho hoa đào nở đẹp và nở đúng thời điểm. Ngoài công việc ruộng đồng thì người dân còn làm thêm nghề mộc và buôn bán nhỏ lẻ tại địa phương.
Theo ông Nguyễn Nam Giang - người từng có gần 5 khóa làm trưởng khu phố Trung Hòa thì dù trồng cây đào khá vất vả, nhất là dịp cuối năm, nhưng cho thu nhập khá hơn so với các cây trồng khác. Nếu thời tiết thuận lợi và bán được giá thì mỗi sào đào sẽ thu được từ 20-50 triệu đồng, tùy theo là loại cành hay cây.
Ở nhiều địa phương trồng hoa khác tại Bắc Ninh trong thời gian này, người nông dân cũng đang nhanh chóng cắt tỉa, vun xới và giữ ấm cho cây trồng của mình. Cả một năm làm việc chăm chỉ thì đến vụ hoa cho dịp Tết lại càng phải cẩn thận và và vất vả hơn để có thể thu được thành quả cao nhất.
Như ở khu vực trồng các loại hoa ở phường Hạp Lĩnh, thành phố Bắc Ninh, thời điểm này luôn nhìn thấy những người nông dân ở ngoài ruộng. Họ cần mẫn cắt tỉa từng lá hoa cúc, nâng niu những cây thược dược, violet để cùng mọi người chuẩn bị đón xuân.
Dịp này, khi Tết cận kề, những người nông dân khắp các ruộng đào, vườn hoa ở Bắc Ninh đang tập trung nhiều thời gian và công sức để chăm sóc và tính toán thời điểm bán ra ngoài. Hy vọng thời tiết thuận lợi và thị trường ổn định để bà con có một mùa thu hoạch vui vầy và ấm áp.