Tập huấn kỹ năng giảm nghèo về thông tin cho báo chí

Sáng 16/11, tại Đà Nẵng, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao kỹ năng, năng lực thực hiện Chương trình giảm nghèo về thông tin thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo, đài Trung ương và địa phương khu vực miền trung.
0:00 / 0:00
0:00
Tập huấn nâng cao kỹ năng, năng lực thực hiện Chương trình giảm nghèo về thông tin cho phóng viên, biên tập viên khu vực miền Trung
Tập huấn nâng cao kỹ năng, năng lực thực hiện Chương trình giảm nghèo về thông tin cho phóng viên, biên tập viên khu vực miền Trung

Đại biểu dự Hội nghị được cung cấp thông tin các chính sách hỗ trợ tiếp cận thông tin đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025; thông tin về đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về dân tộc, miền núi.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Hồ Hồng Hải, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế- Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, những năm gần đây, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục ban hành các Nghị quyết, Quyết định về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, với mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; Hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.

Trong Chương trình này, Bộ Thông tin và Truyền thông được giao nhiệm vụ triển khai Đề án Giảm nghèo về thông tin, nhằm thực hiện mục tiêu cụ thể là nâng cao năng lực truyền thông; kỹ năng viết bài cho các phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương trong việc thông tin, tuyên truyền về các nhiệm vụ chính trị, thông tin thiết yếu cho xã hội, nhất là cung cấp thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, thông tin cho người dân sinh sống trên địa bàn các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tập huấn kỹ năng giảm nghèo về thông tin cho báo chí ảnh 1

Ông Hồ Hồng Hải, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế-Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu tại hội nghị.

Chia sẻ tại chương trình, ông Đinh Xuân Thắng, Phó Vụ trưởng Tuyên truyền thuộc Ủy ban Dân tộc cho biết, theo kết quả điều tra 53 dân tộc thiểu số năm 2019, cả nước có hơn 14 triệu người với hơn 3,35 triệu hộ dân tộc thiểu số.

Thời gian qua, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều chuyển biến tích cực, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại.

Về kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, 100% huyện có đường đến trung tâm huyện, 98,4% xã có đường ô-tô đến trung tâm xã; 100% xã được tiếp cận với điện lưới quốc gia… Đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số được cải thiện rõ nét; sự nghiệp giáo dục-đào tạo và chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều tiến bộ, tỷ lệ đi học đúng tuổi ở tiểu học đạt 99,35%...; các giá trị văn hóa dân tộc truyền thống được bảo tồn phát huy…

Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận, còn nhiều tồn tại hạn chế trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Dù Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, hỗ trợ, đầu tư phát triển, nhưng do xuất phát điểm thấp nên vùng dân tộc thiểu số và miền núi đến nay vẫn là nơi tồn tại “năm nhất”: địa bàn khó khăn nhất, chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất, kinh tế-xã hội phát triển chậm nhất, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao nhất.

Nguyên nhân của những hạn chế, khó khăn trong các cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số gồm: Một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền chưa nhận thức đầy đủ về công tác dân tộc, thiếu sâu sát trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện các Nghị quyết, Quyết định chủ trương chung…; chưa quan tâm đúng mức đến công tác tạo nguồn quy hoạch, bồi dưỡng cán bộ người dân tộc thiểu số.

Chính sách, pháp luật được ban hành chủ yếu là hỗ trợ, chưa ưu tiên tập trung đầu tư phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Chưa chú trọng đúng mức phát huy tiềm năng, lợi thế, văn hoá của từng vùng, từng dân tộc; chưa thúc đẩy việc kết nối giữa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với vùng phát triển.

Một số chính sách chưa tạo động lực cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên, tự lập trong cuộc sống. Cơ chế điều hành, phân công trách nhiệm giữa các cơ quan, tổ chức chưa rõ ràng, thiếu chặt chẽ trong việc thực hiện các chương trình, dự án.

Những thông tin, kỹ năng tuyên truyền được triển khai phổ biến, tập huấn tại Hội nghị góp phần tăng cường sự hiểu biết của các phóng viên, nhà báo về mục tiêu, nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, tăng cường sự phối hợp và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan quản lý Nhà nước và các cơ quan báo chí; từ đó ngày càng nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo về thông tin.

Hội nghị cũng góp phần nâng cao hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giảm nghèo đa chiều, bao trùm, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống.