Tăng cường kiến thức, kỹ năng tuyên truyền giảm nghèo về thông tin

Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai vừa tổ chức tập huấn cho 250 học viên là cán bộ phụ trách thông tin truyền thông các sở, ngành, đoàn thể; lãnh đạo Ban Tuyên giáo, phòng Văn hóa-Thông tin các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh Gia Lai.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh lớp tập huấn.
Quang cảnh lớp tập huấn.

Lớp tập huấn truyền đạt 2 chuyên đề, gồm: “Thực trạng về công tác xóa nghèo thông tin ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; những nội dung trọng tâm trong công tác tuyên truyền góp phần xóa nghèo thông tin cho đồng bào dân tộc thiểu số” và “Về truyền thông chính sách góp phần giảm nghèo về thông tin”.

Lớp tập huấn nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và người dân về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (nội dung giảm nghèo về tin), góp phần huy động các nguồn lực đóng góp cho công tác này.

Kon Tum thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia

Tỉnh Kon Tum vừa có văn bản yêu cầu thành viên Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh giai đoạn 2021-2025, các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố phát huy ưu điểm, khắc phục tồn tại, hạn chế trong triển khai thực hiện chương trình này.

Theo đó, các thành viên Ban Chỉ đạo và các đơn vị cần chủ động tổ chức, thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Đánh giá kết quả triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh. Văn bản yêu cầu đề cao hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu và huy động trí tuệ tập thể trong triển khai thực hiện các chương trình bảo đảm thực chất, hiệu quả, cải thiện đời sống và sinh kế của người dân.

Kết nối giữa nhà cung cấp sản phẩm nông nghiệp với doanh nghiệp phân phối, tiêu thụ

Sở Công thương tỉnh Đắk Lắk vừa tổ chức Hội nghị kết nối giao thương giữa nhà cung cấp các sản phẩm nông nghiệp với doanh nghiệp phân phối, tiêu thụ xuất khẩu năm 2023. Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo Sở Công thương các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Long An, An Giang, Hậu Giang, Quảng Ngãi và hơn 200 đại biểu là các nhà phân phối, doanh nghiệp thu mua xuất, nhập khẩu trong và ngoài tỉnh.

Tăng cường kiến thức, kỹ năng tuyên truyền giảm nghèo về thông tin ảnh 1

Lễ ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác tiêu thụ nông sản tại hội nghị.

Đắk Lắk có tiềm năng, thế mạnh rất lớn về sản xuất nông nghiệp, trong đó có nhiều nông sản chủ lực như cà-phê, hồ tiêu, ca-cao, sầu riêng… Thị trường trong nước và quốc tế hiện đang gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm nông sản. Hội nghị này nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có không gian gặp gỡ, trao đổi, tìm kiếm đối tác, mở rộng hợp tác.

Tại hội nghị, Sở Công thương tỉnh Đắk Lắk đã ký biên bản thỏa thuận hợp tác với Sở Công thương tỉnh Long An. 17 thỏa thuận hợp tác khác giữa nhà cung cấp sản phẩm nông sản với các doanh nghiệp phân phối, tiêu thụ xuất khẩu trong cả nước cũng được ký kết.

Hỗ trợ xây dựng điểm du lịch tiêu biểu vùng dân tộc thiểu số

UBND tỉnh Lâm Đồng đã có quyết định phê duyệt hỗ trợ đầu tư xây dựng điểm du lịch tiêu biểu vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn. Chương trình sẽ hỗ trợ xây dựng 3 nhà sàn cho Làng văn hóa truyền thống Cơ Ho tại xã Gung Ré, Di Linh và tại xã Đạ Chais, Lạc Dương; Làng truyền thống dân tộc Chu Ru tại xã Pró, Đơn Dương.

Các công trình truyền thống có diện tích từ 112 đến 155 m2, tổng kinh phí đầu tư hơn 12,4 tỷ đồng, thực hiện trong giai đoạn 2023-2025. Chương trình nhằm khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống; hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi…, qua đó, góp phần nâng cao mức thụ hưởng về văn hóa cho đồng bào các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng.