Các phòng khám bác sĩ gia đình sẽ tiếp nhận, quản lý, chăm sóc sức khỏe ban đầu; tư vấn, phòng bệnh, nâng cao sức khỏe, cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh đa khoa theo nguyên lý y học gia đình cho cá nhân, hộ gia đình.
Bảo vệ sức khỏe người dân trên địa bàn
Theo thông tin từ Sở Y tế thành phố Cần Thơ, đến năm 2023, số bác sĩ/vạn dân trên địa bàn đạt 18,02 bác sĩ; số giường bệnh/vạn dân đạt 53,15 giường bệnh; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 92,45%.
Trong đó, mạng lưới y tế cơ sở bao gồm: Tuyến quận, huyện gồm 12 đơn vị: 3 bệnh viện đa khoa hạng II; 5 trung tâm y tế không giường bệnh; 4 trung tâm y tế có giường bệnh (990 giường). Số nhân viên y tế tuyến huyện và tuyến xã hiện có 1.950 người. Ngoài ra, còn có lực lượng nhân viên y tế ấp, khu vực: 563 người; cộng tác viên: 2.673 người.
Năm 2024, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 407/QĐ-UBND ngày 28/02/2024 về việc công nhận 80 trạm y tế đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã năm 2023 theo Quyết định số 1300/QĐ-BYT ngày 9/3/2023 của Bộ Y tế.
Từ đầu năm 2024, Sở Y tế xác định việc xây dựng chuẩn hoá mô hình bác sĩ gia đình tại một số trạm y tế là nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Sở lập kế hoạch chi tiết, giao nhiệm vụ cho từng phòng chức năng, cho 9 trung tâm y tế quận, huyện khẩn trương rà soát các điều kiện cần và đủ để đăng ký triển khai xây dựng thí điểm mô hình bác sĩ gia đình theo một số tiêu chí được Hội đồng khoa học công nghệ Sở Y tế xác định.
Khánh thành phòng khám bác sĩ gia đình tại phường Thường Thạnh, quận Cái Răng, Cần Thơ. |
Vừa qua, 3 phòng khám bác sĩ gia đình tại các trạm y tế phường Thường Thạnh (quận Cái Răng); phường Thuận Hưng (quận Thốt Nốt); xã Thạnh Tiến (huyện Vĩnh Thạnh) được khai trương.
Các phòng khám được trang bị các thiết bị y tế hiện đại đủ sức đảm đương trong khám, chữa bệnh ban đầu cho người dân như:Máy siêu âm, máy điện tim, máy khí dung, máy đo SpO2, giường bệnh nhân 2 tay quay, máy đo đường huyết, máy tính, điều hòa, tủ thuốc…
Theo bác sĩ Phạm Phú Trường Giang (Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Cần Thơ), các phòng khám sẽ quản lý sức khỏe cộng đồng; tư vấn nâng cao sức khỏe và phòng bệnh; chăm sóc sức khỏe cộng đồng, phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng, chăm sóc giảm nhẹ, chăm sóc cuối đời… nhằm bảo vệ sức khỏe người dân trên địa bàn.
Sở quyết tâm thực hiện mô hình bác sĩ gia đình này và sẽ nhân rộng trong thời gian tới. Tiêu chí được chọn là các phòng khám phải có lượng bệnh nhân tương đối ổn định, ở vùng sâu vùng xa để kịp thời chăm sóc sức khỏe cho người dân, giảm tối đa thời gian, chi phí đi lại...
Tiến sĩ Hoàng Quốc Cường (Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ)
Lãnh đạo Sở Y tế Cần Thơ cho biết, các phòng khám bác sĩ gia đình hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, thực hiện tư vấn, khám, chữa bệnh trực tiếp, tại đây còn triển khai app ứng dụng "Chăm sóc sức khỏe Cần Thơ" với chức năng đặt lịch khám, hội chẩn từ xa…
Ngoài chức năng quản lý các chương trình tại trạm y tế, phòng khám bác sĩ gia đình còn tiến tới chăm sóc giảm nhẹ tại nhà cho những người mắc bệnh mãn tính; quản lý sức khỏe và cấp thuốc cho bệnh nhân bệnh mãn tính tại cộng đồng qua thực hiện hồ sơ sức khỏe điện tử.
Phòng khám bác sĩ gia đình giúp người dân có thể được hội chẩn từ xa thay vì đến cơ sở y tế. |
Mô hình bác sĩ gia đình nhằm tạo thuận lợi "một điểm dừng" cho người dân trong tất cả các hoạt động khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe; giảm đi xa lên tuyến trên.Đối với các trường hợp vượt tầm chuyên môn của mạng lưới bác sĩ gia đình, Sở Y tế Cần Thơ chỉ đạo các bệnh viện chuyên khoa tuyến quận, huyện và thành phố hỗ trợ về quy trình lấy mẫu xét nghiệm, bệnh phẩm và trả kết quả, hội chẩn điều trị từ xa cho người dân ngay tại tuyến cơ sở.
Hướng tới mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân
Còn nhiều kiến nghị
Theo lãnh đạo Sở Y tế thành phố Cần Thơ, bác sĩ gia đình là mô hình chăm sóc sức khỏe tuyến đầu phổ biến trên thế giới, áp dụng thành công từ nhiều thập kỷ trước.
Thông thường một bác sĩ phụ trách nhóm dân cư nhất định. Bệnh nhân được đăng ký một bác sĩ gia đình cụ thể chăm sóc sức khỏe. Việc thăm khám hầu hết thực hiện tại nhà, để được khám tại tuyến trên thì phải được bác sĩ gia đình giới thiệu.
Luật Khám, chữa bệnh năm 2023 đã có hiệu lực từ đầu năm 2024, tuy nhiên Việt Nam vẫn chưa có cơ chế, chính sách, hướng dẫn cụ thể liên quan để triển khai thực hiện mô hình bác sĩ gia đình.
Lãnh đạo Sở Y tế Cần Thơ kiểm tra trang thiết bị y tế tại một phòng khám bác sĩ gia đình. |
Hiện Sở Y tế thành phố Cần Thơ đang vận dụng, áp dụng các văn bản của Bộ Y tế và bộ, ngành liên quan để từng bước xây dựng mô hình phòng khám bác sĩ gia đình trực thuộc trung tâm y tế trên địa bàn.
Tuy đã thiết lập được ứng dụng “Chăm sóc sức khỏe Cần Thơ”, áp dụng sổ sức khỏe điện tử trên App VneID, tuy nhiên việc cập nhật liên tục hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân vẫn chưa liên tục, đồng bộ.
Trưởng phòng Kế hoạch tài chính (Sở Y tế Cần Thơ) Lý Hồng Khiêm
Bước đầu được người dân đón nhận, tuy nhiên, hiện nay, Sở Y tế vẫn có một số khó khăn, vướng mắc như: Bác sĩ y học gia đình chưa có mã đăng ký tài khoản khám, chữa bệnh trên cổng giám định bảo hiểm xã hội; một số thiết bị y tế mới tiếp nhận chưa thực hiện thủ tục sở hữu toàn dân nên chưa thanh toán bảo hiểm y tế...
Theo bác sĩ Lý Hồng Khiêm (Trưởng phòng Kế hoạch tài chính, Sở Y tế Cần Thơ), hiện tại, Sở đã tổ chức thẩm định và cấp 3 giấy phép nhà thuốc GPP cho 3 trạm y tế triển khai phòng khám bác sĩ gia đình nhằm bảo đảm cung cấp đủ thuốc cho người dân trên từng địa bàn.
Tại Điều 16 Thông tư số 07/2024/TT-BYT quy định tổ chức lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc tại cơ sở bán lẻ thuốc trong khuôn viên cơ sở y tế công lập thì trạm y tế muốn kinh doanh các thuốc để phục vụ bệnh nhân khám và điều trị theo yêu cầu sẽ không tổ chức lựa chọn nhà thầu được.
Các phòng khám bác sĩ gia đình cung cấp đủ thuốc cho người dân trên từng địa bàn. |
Việc xây dựng đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê chưa được quan tâm, gặp khó khăn trong thẩm định giá khởi điểm, thời gian trình phê duyệt kéo dài.
Với những khó khăn nêu trên, nhiều kiến nghị đã được các cơ quan chức năng đưa ra. Trong đó, đề nghị Bộ Y tế quan tâm nghiên cứu, đề xuất Chính phủ có cơ chế, chính sách, hướng dẫn cụ thể để địa phương triển khai thực hiện đúng quy định.
Ban hành các thông tư hướng dẫn về giá dịch vụ y tế để Sở Y tế có căn cứ tham mưu cấp thẩm quyền triển khai thực hiện Khoản 6, Điều 110, Luật Khám bệnh, chữa bệnh quy định: “Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định giá cụ thể dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh quy định tại điểm b khoản 5 Điều này đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước trên địa bàn quản lý thuộc phạm vi được phân quyền nhưng không vượt giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tương ứng do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định”.
Việc cập nhật liên tục hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân liên tục, đồng bộ là rất cần thiết. |
Bộ Y tế phối hợp cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam hướng dẫn và cho phép đăng ký tài khoản khám, chữa bệnh bác sĩ y học gia đình trên cổng giám định bảo hiểm y tế.
Ban hành hướng dẫn cụ thể về chuyên môn, giá dịch vụ cũng như thủ tục, hồ sơ pháp lý về khám, chữa bệnh từ xa để trình cấp thẩm quyền phê duyệt, triển khai cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh hiệu quả, theo đúng quy định pháp luật.