Những "cánh tay nối dài" hiệu quả
Tại Hà Nội, từ khi triển khai điều trị F0 tại nhà, đội ngũ nhân viên y tế ở cơ sở mỏng gây nên nhiều áp lực cho các phường, xã. Tại quận Nam Từ Liêm, ngày 14/12, chính quyền quận đã kiện toàn trạm y tế lưu động tại các phường và thành lập tổ cấp cứu vận chuyển người bệnh cho trạm y tế lưu động trên địa bàn quận. Đáng chú ý, nhiều địa phương đã huy động mạng lưới bác sĩ gia đình tham gia. Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Tá Dũng, Giám đốc Trung tâm Bác sĩ gia đình Hà Nội cho biết, trong thời gian qua nhiều y, bác sĩ gia đình tham gia các trận tuyến phòng, chống dịch, gần đây là tiêm vaccine phòng Covid-19 và hiện tại là trạm y tế lưu động.
Việc quản lý, theo dõi F0 không triệu chứng tại nhà đang được triển khai trên 30 quận, huyện, thị xã của thành phố. Theo khảo sát 2,1 triệu hộ gia đình tại Thủ đô, có gần 900.000 hộ gia đình có đủ điều kiện để có thể theo dõi F0 nhẹ, không triệu chứng tại nhà. Ngoài lực lượng bác sĩ gia đình, theo bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, hệ thống y tế cơ sở đang phải thực hiện nhiều nhiệm vụ như xét nghiệm, truy vết, khoanh vùng... hiện nay lại thêm quản lý các trường hợp cách ly điều trị tại nhà. "Đây là lực lượng tuyến đầu của tuyến đầu, hai năm vừa qua không được nghỉ ngơi. Mỗi trạm y tế chỉ có 5-10 người mà phục vụ hàng nghìn, hàng vạn người dân. Cơ sở vật chất còn xuống cấp, nhân lực không thu hút được người có trình độ cao. Quá tải về nhân lực, không đáp ứng được về nhân lực", bà Hà cho biết, đồng thời kiến nghị, nên có chính sách khuyến khích, thu hút nhân lực chất lượng cao về tuyến y tế cơ sở.
Còn tại TP Hồ Chí Minh, thời gian qua với mục đích giảm tải cho các bệnh viện, nhiều địa bàn đã thành lập nhóm "bác sĩ gia đình". Đơn cử phường 5, quận Tân Bình đã thành lập nhóm bác sĩ gia đình để tư vấn, thăm khám và cấp phát thuốc miễn phí cho bệnh nhân mắc Covid-19 đang điều trị tại nhà thông qua nhóm Zalo. Mô hình này có sự tham gia của các bác sĩ đến từ Bệnh viện Nhân dân 115, Trung tâm Chỉnh hình và phục hồi chức năng, một số điều dưỡng, nhân viên trạm y tế phường và các tình nguyện viên, thực hiện, tư vấn sức khỏe miễn phí cho người dân mắc Covid-19 liên tục 24/24 giờ. Một cán bộ phường 5 nhấn mạnh, việc bệnh nhân có bệnh lý nền đòi hỏi quy trình thăm khám, sử dụng thuốc chữa bệnh phải phù hợp từng người. Do đó, khi tham gia mô hình này các F0 sẽ được phổ biến, hướng dẫn, nhắc nhở người dân không tự ý uống thuốc mà cần phải theo chỉ định của các bác sĩ.
Cùng đó, ngành y tế TP Hồ Chí Minh đã phát động nhiều giải pháp để bảo vệ đối tượng có nguy cơ khi tình hình tỷ lệ tử vong những tuần gần đây đang tăng lên, đáng chú ý là việc huy động các nhà thuốc trở thành "cánh tay nối dài" của trạm y tế, tham gia phòng, chống dịch. Chánh văn phòng Sở Y tế thành phố Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, việc phát các túi thuốc A (hạ sốt và vitamin), B (kháng viêm, chống đông), C (thuốc kháng virus molnupiravir) cho bệnh nhân Covid-19 điều trị tại nhà là nhiệm vụ của y tế công-tức trạm cố định và lưu động. Tuy nhiên, do lượng F0 tăng nhiều nên thành phố đã kêu gọi nhà thuốc tư nhân tham gia và nhận được sự hưởng ứng tích cực.
Chưa được đặt đúng tầm mức
Đề án xây dựng và phát triển mô hình phòng khám Bác sĩ gia đình giai đoạn 2013-2020 với mục tiêu góp phần giảm quá tải tại các bệnh viện tuyến trung ương đã được Bộ Y tế triển khai từ năm 2013. Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Thừa Thiên Huế… là những địa phương đi tiên phong trong triển khai mô hình này. Trong đó, Trung tâm Bác sĩ gia đình Hà Nội được đánh giá là mô hình thí điểm đầu tiên cho thấy đề án đang đi đúng hướng, đạt được kết quả đáng ghi nhận đồng thời là cơ sở để nhân rộng trong cả nước.
Tuy nhiên, qua quá trình thực hiện, mô hình bác sĩ gia đình vẫn còn phải đối mặt nhiều khó khăn. Hiện tại, cả nước có hàng nghìn bác sĩ được cấp chứng chỉ hành nghề bác sĩ gia đình, song có đến hơn 50% số bác sĩ gia đình chưa thực hiện khám, chữa bệnh theo nguyên lý y học gia đình (tức là, ngoài việc được bác sĩ khám, chữa bệnh, người dân còn được hướng dẫn cách phòng bệnh và được quản lý hồ sơ khám sức khỏe, được theo dõi sức khỏe liên tục trong suốt cuộc đời). Hơn nữa, một số nơi triển khai phòng khám bác sĩ gia đình, nhưng bác sĩ lại chưa được đào tạo, tập huấn về chuyên ngành y học gia đình. Thậm chí, với các chức danh khác như: điều dưỡng, kỹ thuật viên làm việc tại các phòng khám bác sĩ gia đình chủ yếu là kiêm nhiệm và chưa được đào tạo về chuyên ngành y học gia đình... Một vấn đề nữa khiến mô hình bác sĩ gia đình khi triển khai ở nước ta vẫn còn gặp nhiều khó khăn là chế độ đãi ngộ cho nhân viên y tế, bác sĩ gia đình, nhất là những người làm việc tại các trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình còn thấp, nên khó giữ chân và thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao.
Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp hiện nay, các chuyên gia cho rằng, mạng lưới y tế cơ sở có vai trò rất quan trọng trong việc phòng, chống dịch, do đó cần đầu tư lâu dài cho hệ thống y tế cơ sở, phân bổ tỷ lệ nhân viên y tế phải dựa trên tổng số dân cư trên địa bàn. Trong đó, mạng lưới bác sĩ gia đình là mạng lưới y tế cơ sở tốt để giải quyết tình trạng quá tải cho bệnh viện điều trị.
Theo PGS,TS Phạm Lê Tuấn, giảng viên Bộ môn Y học gia đình, Trường đại học Y Hà Nội, Việt Nam là quốc gia chịu gánh nặng rất lớn trước sự thay đổi của mô hình bệnh tật từ các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm sang bệnh mạn tính không lây (chiếm khoảng 70%), vì vậy, ngành y tế luôn phải căng mình đối phó tình trạng quá tải bệnh viện.