Cùng suy ngẫm

Tạo đồng thuận trong đền bù giải phóng mặt bằng

Giai đoạn 2020-2025, vùng đồng bằng sông Cửu Long được đầu tư xây dựng mới hơn 370km đường bộ cao tốc với tổng mức đầu tư gần 90.000 tỷ đồng, gồm dự án cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận dài 51km; cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ dài 23km; dự án cao tốc Cần Thơ-Cà Mau dài 109,5km và dự án cao tốc Châu Ðốc-Cần Thơ-Sóc Trăng dài 188,2km.
0:00 / 0:00
0:00
Khu vực nhà dân (ngôi nhà ở giữa ảnh) bị thu hồi đất làm đường dẫn cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, đoạn nút giao cầu vượt đường tỉnh 943, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. (Ảnh: Quốc Dũng)
Khu vực nhà dân (ngôi nhà ở giữa ảnh) bị thu hồi đất làm đường dẫn cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, đoạn nút giao cầu vượt đường tỉnh 943, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. (Ảnh: Quốc Dũng)

Các dự án cao tốc này được người dân, doanh nghiệp và chính quyền các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long mong chờ, kỳ vọng sẽ tạo thêm không gian phát triển vùng với hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại.

Thực tế cho thấy, trong quá trình đền bù, giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án đầu tư xây dựng rất cần cơ quan chức năng, hệ thống chính trị ở địa phương sâu sát, có cách làm phù hợp, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện dự án gặp nhiều khó khăn, trong đó có việc đền bù, giải phóng mặt bằng, là một trong những nguyên nhân khiến dự án thường bị kéo dài, chậm tiến độ. Nhiều lúc, nhiều nơi chưa có sự đồng thuận cao của người dân khi thu hồi đất thực hiện dự án.

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang, dự án thành phần 1 thuộc dự án cao tốc Châu Ðốc-Cần Thơ-Sóc Trăng giai đoạn 1 qua địa bàn tỉnh An Giang có chiều dài 57km, diện tích đất sử dụng hơn 390ha, có 1.530 hộ dân bị ảnh hưởng (trong đó có 315 hộ dân cần được tái định cư).

Ghi nhận từ thực tế, đến thời điểm này, hầu hết các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án vẫn chưa nhận tiền đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư, nhưng đều đồng thuận cao, sẵn sàng bàn giao đất, mặt bằng để thực hiện dự án đúng quy định.

Lý do được người dân đưa ra là sự quan tâm của chính quyền các cấp rất kịp thời, đúng thời điểm và đáp ứng nguyện vọng của gia đình họ.

Nhiều hộ dân trong diện giải tỏa mặt bằng dự án bày tỏ cảm ơn cơ quan chức năng đã ứng tiền trước để di dời mồ mả ông bà, tổ tiên vào dịp Thanh minh vừa qua, trước khi chi trả tiền đền bù. Ðây là yếu tố tâm linh gia đình nào cũng rất coi trọng.

Ðến nay, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang đã phê duyệt tạm ứng gần 7,5 tỷ đồng để bồi thường di dời mồ mả cho tổng số 76 hộ dân trong dịp Thanh minh vừa qua. Hiện, toàn bộ mồ mả bị ảnh hưởng đã được người dân di dời ra khỏi phạm vi dự án.

Thực tế cho thấy, trong quá trình đền bù, giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án đầu tư xây dựng rất cần cơ quan chức năng, hệ thống chính trị ở địa phương sâu sát, có cách làm phù hợp, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân bị ảnh hưởng. Cần có sự linh hoạt trong việc áp dụng chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng phù hợp thực tế, từ đó tạo sự đồng thuận cao của nhân dân nhằm ổn định trật tự xã hội, giảm bớt khiếu kiện về đất đai, bảo đảm tiến độ thực hiện các dự án,...