Tạo động lực để nhân dân biên giới vươn lên thoát nghèo

Đồn Biên phòng Tam Hợp đứng chân trên địa bàn xã Tam Hợp, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An, có nhiệm vụ quản lý bảo vệ đoạn biên giới dài 25,724 km, cùng bốn cột mốc (từ cột số 425 đến 428) và năm cọc dấu, tiếp giáp với huyện Thoong My Xay, tỉnh Bô Ly Khăm Xay, nước bạn Lào.
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tam Hợp (Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An) hỗ trợ nhân dân làm đường giao thông.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tam Hợp (Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An) hỗ trợ nhân dân làm đường giao thông.

Cùng với thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên cương, Đồn Biên phòng Tam Hợp đã và đang thực hiện nhiều chương trình giúp đỡ nhân dân địa bàn biên giới. Năm 2022, Đồn đã phối hợp địa phương hỗ trợ cho gia đình bà Quang Thị Loan, ở bản Văng Môn (hộ cận nghèo) bảy con dê giống và huy động cán bộ, chiến sĩ đơn vị giúp ngày công, vật liệu xây dựng chuồng nuôi đúng kỹ thuật; cử cán bộ có kinh nghiệm chăn nuôi thường xuyên hướng dẫn, giúp đỡ gia đình về cách chăm sóc đàn dê. Sau gần hai năm chăm sóc, đàn dê nhà bà Loan đã phát triển lên 14 con.

Tại xã biên giới Keng Đu, huyện Kỳ Sơn, thời gian qua, Đồn Biên phòng Keng Đu đã tích cực tham mưu và cùng cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai nhiều mô hình sinh kế cho nhân dân trên địa bàn, đang mang lại hiệu quả tích cực.

Cũng trong năm 2022, Đồn hỗ trợ gia đình ông Xồng Nhia Lỳ, ở bản Phá Lõm năm con bò và bốn con dê giống; nhờ chăm sóc tốt, đến nay gia đình ông Lỳ đã có chín con bò và đàn dê gần 10 con. Đây là hai trong số nhiều gia đình ở xã Tam Hợp được lựa chọn để thực hiện mô hình “Sẻ chia 50”. Mô hình nêu trên được thực hiện theo hình thức, cán bộ, chiến sĩ của Đồn sẽ hỗ trợ con giống, cây giống (nguồn vốn cá nhân) cho hộ dân có hoàn cảnh khó khăn, nhưng điều kiện là các hộ này phải có nguồn lực để chăn nuôi (lao động, đất canh tác,...). Khi vật nuôi, cây trồng phát triển tốt, lợi nhuận sẽ được chia đôi (hộ dân 50% và cán bộ, chiến sĩ - người đầu tư 50%); còn nguồn vốn ban đầu vẫn tiếp tục được duy trì.

Với mô hình “Đồng hành cùng nông dân vượt khó thoát nghèo”, sau khi sinh sản, bò giống, lợn giống sẽ được gia đình trả lại cho Đồn Biên phòng để chuyển sang các gia đình có hoàn cảnh khó khăn khác. “Khi được hỗ trợ bò, gia đình tôi đã cố gắng để chăm sóc. Giờ bò đang mang thai và sắp sinh bê, gia đình rất vui mừng”, ông Xồng Bá Mềnh ở bản Phá Lõm phấn khởi nói.

Trung tá Ngô Văn Thiện, Chính trị viên Đồn Biên phòng Tam Hợp cho hay: “Có rất nhiều hộ gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nhưng trong điều kiện hạn hẹp, chúng tôi lựa chọn những hộ nào có khả năng chăn nuôi và có ý chí vươn lên. Những gia đình này thực hiện thành công sẽ tạo động lực cho những gia đình khác noi theo”.

Tại xã biên giới Keng Đu, huyện Kỳ Sơn, thời gian qua, Đồn Biên phòng Keng Đu đã tích cực tham mưu và cùng cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai nhiều mô hình sinh kế cho nhân dân trên địa bàn, đang mang lại hiệu quả tích cực.

Điển hình như giữa năm 2023, đơn vị đã hỗ trợ gia đình ông Xeo Văn Thoong, ở bản Huồi Cáng gần 300 con gia cầm giống (gà, vịt, ngan) và xây dựng một chuồng trại chăn nuôi, với tổng kinh phí hơn 17 triệu đồng. Đến nay, đàn vật nuôi không ngừng phát triển, trở thành động lực để gia đình ông Thoong vươn lên thoát nghèo.

Bên cạnh đó, Đồn hỗ trợ gia đình ông Lương Văn Dương tại bản Hạt Tà Vén thực hiện mô hình “Chăn nuôi gia súc, gia cầm kết hợp cải tạo ao thả cá và làm lúa nước”...

Nhờ sự hỗ trợ của Đồn Biên phòng, nguồn thu nhập được cải thiện đáng kể, gia đình ông Thoong và ông Dương đã làm đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo của xã.

Theo Bí thư Đảng ủy, kiêm Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Keng Đu Lương Văn Ngam: Xã có 989 hộ thì có tới 696 hộ nghèo và 166 hộ cận nghèo. Thời gian qua, nhiều gia đình khó khăn được Bộ đội Biên phòng hỗ trợ con giống, cây giống và cả kỹ thuật chăm sóc, từ đó đã xây dựng được mô hình kinh tế của gia đình mình, đời sống ngày càng được nâng lên.

Bên cạnh giúp đỡ nhân dân xây dựng các mô hình sinh kế và công trình dân sinh, Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An còn tích cực hỗ trợ nhân dân kiên cố hóa nhà ở để bà con an cư lạc nghiệp, yên tâm lao động, sản xuất. Năm 2023, đơn vị đã phối hợp với các địa phương, ban, ngành các cấp sửa chữa và xây mới 210 ngôi nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo khu vực biên giới; trong đó có bốn ngôi nhà được xây dựng bằng chính nguồn kinh phí đóng góp của các cán bộ, chiến sĩ.

Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 vừa qua, Chương trình “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản” đã trao 30 ngôi nhà đại đoàn kết, tổng trị giá gần 1,5 tỷ đồng tặng các hộ gia đình khó khăn về nhà ở.

Đại tá Lê Như Cương, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An chia sẻ: Với phương châm “Mỗi người dân là một cột mốc quốc giới sống” có ý nghĩa chiến lược, then chốt, những năm qua, Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An đã triển khai có hiệu quả nhiều chủ trương, giải pháp trong xây dựng, củng cố “thế trận lòng dân”, nổi bật là công tác giúp nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, góp phần nâng cao đời sống nhân dân. Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án kinh tế-xã hội; phối hợp, tham mưu tổ chức, bố trí, sắp xếp dân cư khu vực biên giới, kết hợp phát triển kinh tế-xã hội và tạo “Vành đai nhân dân” bảo vệ biên giới.