Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong hoạt động đấu giá

NDO - Nhấn mạnh bán đấu giá tài sản là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần nghiên cứu kỹ để không làm phát sinh thêm thủ tục hành chính gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong kinh doanh.
0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp chiều 16/8. (Ảnh: DUY LINH)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp chiều 16/8. (Ảnh: DUY LINH)

Chiều 16/8, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Sửa Luật Đấu giá tài sản có ngăn được bỏ cọc đấu giá đất?

Phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cần làm rõ phạm vi quy định của luật này trong tương quan với hệ thống pháp luật.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại phiên chất vấn ngày 15/8, Bộ trưởng Tư pháp đã nói đây là Luật “hình thức”, nội dung lại nằm ở luật khác. “Luật “hình thức” thì quy định đến đâu và quy định cái gì?”, Chủ tịch Quốc hội nêu câu hỏi.

Trong nền kinh tế hiện nay, bên cạnh những tài sản hữu hình, còn có những tài sản “vô hình”, loại tài sản này ngày một nhiều, có giá trị rất lớn. Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề, loại tài sản này có thực hiện đấu giá hay không? Nếu có thì hình thức thực hiện đấu giá như thế nào?

Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần phân định rõ phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu giá tài sản với các luật khác có liên quan, gồm Bộ luật Dân sự, Luật Quản lý tài sản công, pháp luật về đầu tư kinh doanh vốn nhà nước...

Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại một số nước, pháp luật có quy định về “đấu giá lên” và “đấu giá xuống”. Tuy nhiên, dự thảo Luật trình lần này chỉ quy định về “đấu giá lên”, chưa bao hàm hình thức “đấu giá xuống”. Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ lý do chưa có hình thức này.

Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong hoạt động đấu giá ảnh 1

Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: DUY LINH)

Theo Chủ tịch Quốc hội, quy định đấu giá tài sản “nóng” lên sau khi vụ đấu giá đất tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP Hồ Chí Minh (Tập đoàn Tân Hoàng Minh bỏ cọc sau khi trúng đấu giá lô đất với giá trúng là 24.500 tỷ đồng).

“Việc sửa đổi, bổ sung Luật có khắc phục được thí dụ điển hình này không, và có giải quyết được khó khăn vướng mắc hiện nay về đấu giá tài sản hay không”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị làm rõ.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, bán đấu giá tài sản là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện, về nguyên tắc là cần cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Do đó, đề nghị cần nghiên cứu kỹ để không làm phát sinh thêm thủ tục hành chính gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong kinh doanh.

Trong dự thảo Luật hiện quy định về 3 hình thức đấu giá, gồm đấu giá trực tiếp, đấu giá trực tuyến và đấu giá qua hệ thống bưu chính. Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát kỹ các quy định về trình tự, thủ tục, điều kiện tiến hành 3 hình thức này để bảo đảm đầy đủ, chặt chẽ, khả thi.

Tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện đấu giá trực tuyến

Cho ý kiến về nội dung đấu giá trực tuyến, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, năm 2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 62/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu giá tài sản, trong đó có một chương về hình thức đấu giá trực tuyến. Tuy nhiên, thời gian qua việc tổ chức đấu giá trực tuyến chưa thực sự phổ biến.

Theo ông Mạnh, quy định tổ chức đấu giá tài sản tự xây dựng trang thông tin để tổ chức đấu giá trực tuyến, và phải thông qua một hội đồng thẩm định trang thông tin đó hay điều kiện kỹ thuật có được hay không để cho phép tổ chức khiến kênh đấu giá này khó thực hiện.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, tổng kết đưa ra những vấn đề mà Nghị định 62 chưa được thuận lợi, cần điều chỉnh, bổ sung sửa đổi thêm. Trong đó, không nên phát triển các trang thông tin đấu giá của từng công ty, mà nên xây dựng 1 cổng đấu giá tập trung do Nhà nước đứng ra tổ chức quản lý, trường hợp nào đấu giá thì đăng ký trên đó, như vậy sẽ có công cụ thực hiện thuận lợi hơn.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cũng nêu rõ, Thường trực Ủy ban nhận thấy việc bổ sung quy định thực hiện đấu giá trực tuyến thông qua Cổng đấu giá tài sản quốc gia và Trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến của tổ chức đấu giá tài sản là phù hợp với yêu cầu về chuyển đổi số, tiếp tục ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong hoạt động đấu giá tài sản, góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động đấu giá, bảo đảm chặt chẽ, công khai, minh bạch.

Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong hoạt động đấu giá ảnh 3

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật. (Ảnh: DUY LINH)

Tại các quy định đã làm rõ về trách nhiệm của tổ chức vận hành Cổng đấu giá tài sản quốc gia cũng như việc cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia vào Cổng đấu giá tài sản quốc gia, trong đó có bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tư pháp trong việc xây dựng, quản lý và hướng dẫn sử dụng Cổng Đấu giá tài sản quốc gia; tổ chức thực hiện việc thông báo lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản, thông báo công khai đấu giá trên Cổng Đấu giá tài sản quốc gia .

Đồng thời, bổ sung trách nhiệm của tổ chức đấu giá tài sản thông báo công khai Quy chế cuộc đấu giá trên Cổng Đấu giá tài sản quốc gia (sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 34); bổ sung quy định tổ chức đấu giá tài sản phải thông báo công khai việc đấu giá tài sản trên Cổng Đấu giá tài sản quốc gia (sửa đổi, bổ sung khoản 1 và khoản 2 Điều 57)…

Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong việc quản lý Cổng Đấu giá tài sản quốc gia như: bảo mật thông tin trong quá trình tổ chức đấu giá tài sản bằng hình thức trực tuyến; lưu trữ thông tin phục vụ công tác tra cứu, theo dõi, giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán…; bảo đảm việc vận hành thông suốt và hiệu quả của Cổng Đấu giá tài sản quốc gia…

Có ý kiến cho rằng hiện nay, một số tổ chức đấu giá tài sản đã xây dựng, quản lý và vận hành Trang thông tin đấu giá trực tuyến của tổ chức mình, do đó đề nghị cần làm rõ việc các tổ chức đấu giá tài sản có bắt buộc hay được lựa chọn sử dụng Cổng Đấu giá tài sản quốc gia hoặc Trang thông tin đấu giá trực tuyến của tổ chức mình để thực hiện việc đấu giá.

Về vấn đề này, dự thảo Luật đã bổ sung một trong các quyền của người có tài sản đấu giá là thỏa thuận với tổ chức đấu giá tài sản lựa chọn Trang thông tin đấu giá trực tuyến để tổ chức việc đấu giá tài sản trong trường hợp việc đấu giá được thực hiện bằng hình thức trực tuyến.