Chiều 16/8, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.
Thúc đẩy tính chuyên nghiệp, minh bạch, bền vững của hoạt động đấu giá tài sản
Trình bày tờ trình tại phiên họp, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho biết, sau hơn 5 năm triển khai thực hiện Luật Đấu giá tài sản đã đạt nhiều kết quả cụ thể, đóng góp quan trọng trong việc hoàn thiện, thống nhất khung pháp lý về trình tự, thủ tục đấu giá chung, chặt chẽ; giải quyết tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong hệ thống pháp luật.
Hoạt động đấu giá tài sản từng bước được chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa, xã hội hóa một cách mạnh mẽ; hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về hoạt động đấu giá tài sản ngày càng được tăng cường cả ở Trung ương và địa phương, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý các hành vi vi phạm.
Theo số liệu thống kê, từ tháng 7/2017 đến 31/12/2022, các tổ chức đấu giá tài sản đã tổ chức hơn 200 nghìn cuộc đấu giá, chênh lệch giữa giá trúng đấu giá và giá khởi điểm là gần 110 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện Luật Đấu giá tài sản đã phát sinh một số vấn đề hạn chế, bất cập, cần sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.
Cụ thể, pháp luật về đấu giá tài sản còn một số quy định về trình tự, thủ tục chưa chặt chẽ, chưa phù hợp với thực tiễn phát sinh, gây khó khăn, vướng mắc cho tổ chức đấu giá tài sản, người có tài sản đấu giá và các cá nhân, tổ chức có liên quan.
Việc áp dụng trình tự, thủ tục đấu giá chung của Luật Đấu giá tài sản đối với một số loại tài sản đặc thù còn gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, chất lượng dịch vụ đấu giá nhìn chung còn bất cập, tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, thông đồng, dìm giá trong các phiên đấu giá ngày càng có xu hướng tinh vi, phức tạp; cơ chế kiểm soát việc đấu giá còn bộc lộ một số vướng mắc.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. (Ảnh: DUY LINH) |
Việc ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là việc áp dụng hình thức đấu giá trực tuyến còn một số hạn chế, khó khăn. Một số tổ chức đấu giá chưa tuân thủ nghiêm túc trình tự, thủ tục đấu giá, còn tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, gây ảnh hưởng đến uy tín và sự phát triển lành mạnh của hoạt động đấu giá.
Theo Bộ trưởng, việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập về thể chế, tạo cơ sở pháp lý thúc đẩy tính chuyên nghiệp, công khai, minh bạch, khách quan, tính bền vững của hoạt động đấu giá; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động đấu giá tài sản, cũng như công tác quản lý nhà nước về đấu giá tài sản.
Luật sửa đổi, bổ sung các quy định: (1) về tiêu chuẩn, điều kiện đấu giá viên, quyền và nghĩa vụ, đăng ký hoạt động của tổ chức đấu giá tài sản; (2) tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đấu giá để thực hiện chuyển đổi số theo lộ trình phù hợp; về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản đảm bảo phù hợp với thực tiễn, khả thi, có tính đến một số loại tài sản đấu giá đặc thù, đồng thời tăng cường tính chặt chẽ, khách quan, công khai, minh bạch; (3) về trách nhiệm của người có tài sản đấu giá, các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đấu giá tài sản.
Nghiên cứu quy định tiền đặt trước căn cứ theo quy mô diện tích đất đấu giá
Thẩm tra sơ bộ, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Kinh tế nhất trí với tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.
Liên quan đến quy định về tiền đặt trước và xử lý tiền đặt trước (sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản của Điều 39), có ý kiến cho rằng quy định tại khoản 1 Điều 39 (Tiền đặt trước và xử lý tiền đặt trước), mức thu tiền đặt cọc trong đấu giá quyền sử dụng đất có biên độ áp dụng quá lớn, không thống nhất (có nơi cao, nơi thấp khác nhau), dẫn đến xuất hiện hành vi lợi dụng đấu giá để gây nhiễu loạn thị trường nhằm trục lợi.
Theo một số ý kiến, việc nâng tỷ lệ tiền đặt trước tối thiểu lên 10% khi đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư (khoản 1a Điều 39), tăng 5% so với các tài sản đấu giá thông thường (mức tiền đặt trước tối thiểu của tài sản thông thường là 5%) sẽ giúp hạn chế tình trạng lợi dụng đấu giá để gây nhiễu loạn thị trường và trục lợi.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng quy định tỷ lệ tiền đặt trước quá cao dẫn đến những rào cản kỹ thuật, làm mất tính cạnh tranh của cuộc đấu giá.
Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị nghiên cứu điều chỉnh biên độ chênh lệch giữa mức tiền đặt trước tối thiểu và tiền đặt trước tối đa một cách hợp lý, khả thi; cân nhắc quy định khoản tiền đặt trước căn cứ theo quy mô diện tích đất đấu giá hoặc căn cứ theo giá trị của tài sản đấu giá.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra về dự án Luật. (Ảnh: DUY LINH) |
Có ý kiến đề nghị nghiên cứu, quy định cụ thể hơn về tiền đặt trước đối với trường hợp đấu giá quyền khai thác khoáng sản, đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện.
Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy, tại khoản 1a Điều 39 đã quy định trường hợp đấu giá quyền khai thác khoáng sản mà giá khởi điểm chưa xác định được bằng tiền thì tiền đặt trước được xác định theo quy định của pháp luật về khoáng sản. Theo quy định của pháp luật áp dụng đối với tài sản đấu giá thì các tài sản khi đưa ra đấu giá đều đã có giá khởi điểm (việc định giá, xác định giá khởi điểm do người có tài sản đấu giá thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành).
Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật về khoáng sản thì đối với quyền khai thác khoáng sản ở khu vực mỏ chưa thăm dò thì giá khởi điểm chưa xác định được bằng tiền, mà giá khởi điểm được xác định theo % của R là mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản trúng đấu giá và đơn vị tính là phần trăm (%), do đó, việc áp dụng tỷ lệ phần trăm (%) theo giá khởi điểm như tài sản đấu giá thông thường là không phù hợp.
“Như vậy, dự thảo Luật quy định trường hợp đấu giá quyền khai thác khoáng sản thì việc xác định tiền đặt trước được xác định theo quy định của pháp luật về khoáng sản là phù hợp”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho hay.
Đối với trường hợp đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện thì tiền đặt trước được tính căn cứ vào số lượng khối băng tần đăng ký mua và giá khởi điểm cao nhất của khối băng tần trong tổng số khối băng tần đưa ra đấu giá theo tỷ lệ quy định tại khoản 1 Điều 39.
Các đại biểu dự phiên họp. (Ảnh: DUY LINH) |
Đồng thời với việc bổ sung quy định về tiền đặt trước đối với một số loại tài sản đặc thù tại khoản 1a Điều 39, dự thảo Luật cũng bổ sung Điều 59a quy định điều hành cuộc đấu giá trong trường hợp tài sản đấu giá là quyền sử dụng tần số vô tuyến điện và giao Chính phủ quy định chi tiết.
Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về thời gian và chế tài thực hiện nghĩa vụ tài chính trong trường hợp trúng đấu giá nhằm ngăn chặn tình trạng lũng đoạn, gây rối loạn thị trường; nếu quá thời gian này mà không thực hiện nghĩa vụ tài chính thì phải hủy kết quả đấu giá.
Trường hợp này cần làm rõ cấp có thẩm quyền hủy kết quả trúng đấu giá, nhất là đối với tài sản đấu giá là quyền sử dụng đất trong trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, theo báo cáo thẩm tra.
Về quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá (Điều 48), thường trực cơ quan thẩm tra đề nghị nghiên cứu quy định thời hạn người trúng đấu giá nộp đủ tiền cho phù hợp với thực tế vì có ý kiến cho rằng quy định thời hạn sau 120 ngày nếu bên trúng đấu giá không nộp đủ tiền thì mới được hủy kết quả trúng đấu giá đất là quá dài đối với những tài sản trúng đấu giá có giá trị nhỏ.
Tuy nhiên, nếu rút ngắn thời hạn nộp tiền thì có thể gây ra khó khăn cho người trúng đấu giá nếu số tiền phải nộp lớn. Do đó, đề nghị nghiên cứu quy định thời hạn nộp tiền hợp lý, khả thi, phù hợp với từng trường hợp cụ thể.