Tạo điều kiện cho làng nghề phát triển

Tỉnh Hưng Yên có 62 làng nghề, thu hút lực lượng lớn lao động ở khu vực nông thôn. Tỉnh đã triển khai nhiều cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho các làng nghề nâng cao chất lượng, giá trị hàng hóa mang lại nguồn thu lớn cho người dân.
0:00 / 0:00
0:00
Nghề chế tác đồng, thôn Lộng Thượng, xã Ðại Ðồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên.
Nghề chế tác đồng, thôn Lộng Thượng, xã Ðại Ðồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên.

Làng nghề mộc thôn Thụy Lân, xã Thanh Long, huyện Yên Mỹ có hơn 200 hộ gia đình làm nghề mộc, với khoảng 500 lao động. Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thanh Long Chu Thế Giang cho biết: Năm 2007, nghề mộc Thụy Lân được tỉnh Hưng Yên công nhận là "Làng nghề mộc Thụy Lân". Ðể tạo điều kiện cho làng nghề phát triển, năm 2020, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hưng Yên triển khai thực hiện dự án "tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể Mộc Thụy Lân dùng cho các sản phẩm nghề mộc".

Ðến năm 2022, Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể Mộc Thụy Lân. Việc được cấp nhãn hiệu tập thể đã tạo điều kiện đẩy mạnh phát triển thương hiệu Mộc Thụy Lân trên thị trường, trở thành thương hiệu mạnh, góp phần nâng cao vị thế, sức cạnh tranh của sản phẩm mộc Thụy Lân; thúc đẩy quá trình áp dụng các tiến bộ khoa học-kỹ thuật, nâng cao chất lượng, sản phẩm, thu nhập cho người làm nghề. Ước tính, thu nhập mỗi tháng của người thợ từ 10-15 triệu đồng.

Anh Nguyễn Văn Tân, chủ cơ sở sản xuất gỗ Hoàng Gia là một trong những hộ đầu tiên được trao giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể Mộc Thụy Lân phấn khởi cho biết: Mộc Thụy Lân chính thức có nhãn hiệu và được bảo hộ là bước ngoặt lớn đối với các hộ sản xuất, kinh doanh trong thôn. Nhãn hiệu tập thể Mộc Thụy Lân sẽ giúp nâng cao uy tín, giá trị của sản phẩm mộc; giúp các hộ làm nghề giữ gìn, phát huy giá trị và mở rộng sản xuất, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Trong những năm qua, tỉnh Hưng Yên luôn hỗ trợ, triển khai đồng bộ các chính sách khuyến khích bảo tồn và phát triển làng nghề. Các cấp, ngành ở tỉnh Hưng Yên đã triển khai những nhiệm vụ, giải pháp: Ðẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, tập huấn về chính sách phát triển ngành nghề, làng nghề nông thôn, Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021-2030; tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất và người lao động được tiếp cận các nguồn lực, chính sách hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn; hướng dẫn các địa phương lập hồ sơ, tổ chức thẩm định và đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định công nhận làng nghề; hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, tem, mác hàng hóa...; đẩy mạnh hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng và bảo vệ môi trường làng nghề.

Tỉnh phát triển vùng nguyên liệu phục vụ làng nghề tập trung, ổn định; đẩy mạnh áp dụng khoa học-kỹ thuật, công nghệ hiện đại để tăng năng suất; tăng cường nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng công nghệ và vật liệu mới vào sản xuất, ưu tiên công nghệ thân thiện với môi trường và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo; kết hợp công nghệ mới với kỹ thuật, công nghệ truyền thống để nâng cao hiệu quả sản xuất nhưng không ảnh hưởng đến giá trị nghệ thuật, thẩm mỹ và giá trị truyền thống của sản phẩm; ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số để nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, xúc tiến thương mại và phát triển du lịch làng nghề, số hóa sản phẩm, xây dựng các trang website bán hàng, giới thiệu sản phẩm...

Ðồng thời, tỉnh cũng hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển làng nghề; hỗ trợ, đào tạo người sử dụng lao động tại làng nghề nâng cao kỹ năng quản lý, chuyển đổi số, kiến thức kinh doanh; hỗ trợ các nghệ nhân, thợ giỏi tham gia các khóa đào tạo nghiệp vụ về kỹ năng dạy học, kỹ năng truyền nghề; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại các sản phẩm nghề, làng nghề theo chương trình xúc tiến thương mại và Chương trình OCOP của tỉnh.

Công tác bảo tồn và phát triển làng nghề gắn với du lịch cũng được quan tâm. Tỉnh chú trọng phục hồi, tôn tạo các di tích liên quan đến giá trị văn hóa nghề, làng nghề truyền thống: không gian làng nghề, cảnh quan làng nghề; phát triển hạ tầng làng nghề gắn với du lịch (đường giao thông, công trình phụ trợ…); tổ chức các lễ hội, hoạt động văn hóa dân gian, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của nghề và làng nghề truyền thống gắn với nét độc đáo, bản sắc văn hóa riêng của từng làng nghề.

Các tour du lịch gắn với tham quan trải nghiệm tại các làng nghề truyền thống được xây dựng; phát triển các sản phẩm du lịch làng nghề trên cơ sở các công trình văn hóa, các điểm du lịch, các tuyến du lịch, chương trình du lịch nông thôn: du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch tâm linh,.., góp phần phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

Hưng Yên cũng tập trung tuyên truyền, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về vai trò, hiệu quả của việc phát triển làng nghề gắn với du lịch nông nghiệp; xây dựng một số mô hình điểm về các dịch vụ du lịch trải nghiệm, du lịch tham quan; tạo ra các sản phẩm hàng hóa độc đáo, riêng có để thu hút khách du lịch; triển khai thực hiện Ðề án phát triển làng nghề hoa, cây cảnh gắn với du lịch nông nghiệp tỉnh Hưng Yên đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Ðến nay, tỉnh Hưng Yên có 62 làng nghề, trong đó có 45 làng nghề đã được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận; các làng nghề hoạt động theo từng nhóm nghề khác nhau: Chế biến bảo quản nông, lâm, thủy sản; sản xuất đồ gỗ, mây tre đan; thủ công mỹ nghệ; xử lý, chế biến nguyên vật liệu; sản xuất, kinh doanh sinh vật cảnh... Tổng số cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các làng nghề là 18.143; tạo việc làm cho hơn 45.700 lao động; doanh thu của các cơ sở trong các làng nghề đạt hơn 7.578 tỷ đồng, góp phần cải thiện nâng cao đời sống người lao động, hoàn thành công cuộc xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tại các địa phương.