Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) trước đó dự kiến sẽ được thông qua tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV, tuy nhiên, do còn những ý kiến khác nhau liên quan dự án luật này nên Quốc hội đã quyết định hoãn chưa thông qua để tiếp tục nghiên cứu, thảo luận thêm.
Tại họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ tư diễn ra chiều 15/11, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai đã thông tin thêm về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đồng thời trao đổi về vấn đề tự chủ bệnh viện cũng liên quan tới dự án luật này.
Vì sao lùi thông qua dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)?
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, hiện nay, cơ quan chủ trì thẩm tra dự thảo luật đã phối hợp với cơ quan soạn thảo và các bộ, ngành có liên quan khẩn trương tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện dự thảo luật.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai phát biểu tại họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: THỦY NGUYÊN) |
Các ý kiến cơ bản đồng thuận với nội dung dự thảo luật. Tuy nhiên, cũng có một số nội dung trong dự thảo luật chưa nhận được ý kiến đồng thuận cao, đặc biệt liên quan cơ chế tài chính của bệnh viện, trong đó có vấn đề tự chủ bệnh viện.
Ông Nguyễn Hoàng Mai nêu rõ, có 4 vấn đề lớn liên quan nội dung này, bao gồm việc tính đúng, tính đủ giá khám bệnh, chữa bệnh; cơ chế xã hội hóa nguồn lực khám bệnh, chữa bệnh; tự chủ bệnh viện và những quy định dùng ngân sách nhà nước chi cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng, đây là những nội dung mới phát sinh trong kỳ họp này, đều là những vấn đề lớn cần tiếp tục nghiên cứu. Ủy ban Xã hội đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần thêm thời gian nghiên cứu, làm rõ, đồng thời xin trình lại và thảo luận ở kỳ họp sau.
Về tự chủ bệnh viện, theo ông Nguyễn Hoàng Mai hiện có 2 bệnh viện lớn xung phong tự chủ toàn phần nhưng sau đó lại xin dừng. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho rằng có nhiều nguyên nhân khiến 2 bệnh viện này không thể tự chủ được đó, trong đó có tác động của đại dịch Covid-19, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu tài chính của các bệnh viện.
Bên cạnh đó, những vướng mắc về cơ chế liên quan khi thực hiện tự chủ, khi tự chủ bệnh viện đang chịu ảnh hưởng trực tiếp của nhiều luật như Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật Giá, Luật Đấu thầu… cũng dẫn đến tình trạng xin thôi tự chủ.
Vì vậy Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, trong kỳ họp tới, Quốc hội sẽ nỗ lực tối đa để thảo luận, thống nhất những quy định cần điều chỉnh trong các luật liên quan để tạo điều kiện cho các bệnh viện tự chủ.
Có thể đấu giá biển số xe ô-tô tỉnh khác
Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Trịnh Xuân An phát biểu tại buổi họp báo. (Ảnh: THỦY NGUYÊN) |
Cũng tại họp báo công bố kết quả kỳ họp, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Trịnh Xuân An đã giải đáp những câu hỏi liên quan tới vấn đề quản lý biển số xe thông qua đấu giá theo Nghị quyết về thí điểm đấu giá biển số xe ô-tô vừa được Quốc hội thông qua.
Theo ông Trịnh Xuân An, Nghị quyết nêu rõ tổ chức, cá nhân được lựa chọn biển số xe ô-tô của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để đăng ký tham gia đấu giá. Đây là những quyết sách linh hoạt, chủ động, trách nhiệm của Quốc hội đối với những vấn đề cử tri quan tâm, phục vụ tốt nhất cho phát triển kinh tế-xã hội.
Trước đây, việc đăng ký biển số được tiến hành theo hộ khẩu hoặc theo nơi đặt trụ sở cơ quan. Tuy nhiên, với Nghị quyết thí điểm này, người dân có thể đấu giá tất cả biển số không phụ thuộc nơi đăng ký hộ khẩu, nơi đặt trụ sở cơ quan.
Ông Trịnh Xuân An cho biết, trong quá trình thảo luận, cơ quan thẩm tra cũng đã trao đổi với cơ quan soạn thảo về nội dung này. Theo đó, với công nghệ, phương tiện hiện nay, chúng ta hoàn toàn có thể làm được điều này.
“Với việc này, chúng ta hoàn toàn đi một ô-tô gắn biển tỉnh khác và trên hệ thống hoàn toàn có thể quản lý, trích xuất được thông tin”, ông Trịnh Xuân An nói.
Liên quan việc bổ sung “nơi sinh” trong hộ chiếu, ông Trịnh Xuân An cho rằng, đây là quyết sách rất kịp thời, đáp ứng nguyện vọng của cử tri và nhân dân.
Theo Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, tờ trình của Chính phủ đã nêu rõ, việc bổ sung “nơi sinh” vào trang nhân thân hộ chiếu không làm phát sinh thủ tục, chi phí, do hiện nay trong mẫu tờ khai cấp hộ chiếu, giấy thông hành đã có mục thông tin nơi sinh.
Về vấn đề bổ sung “nơi sinh” đối với các hộ chiếu đã in rồi, ông Trịnh Xuân An cho biết tờ trình của Chính phủ không nêu việc xử lý hộ chiếu đã in. Cơ quan thẩm tra chỉ đánh giá nội dung Chính phủ trình và do đó, báo cáo thẩm tra của Ủy ban đồng ý chủ trương ghi “nơi sinh” vào hộ chiếu mới.
Theo ông Trịnh Xuân An, muốn xử lý triệt để vấn đề này phải sửa đổi luật, nhưng trong lúc chưa sửa luật thì Quốc hội đã linh hoạt ghi trong Nghị quyết chung. Điều này cho thấy trách nhiệm của Quốc hội cũng như Chính phủ trong giải quyết vấn đề phát sinh.
Trao đổi thêm về vấn đề này, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, đây là vấn đề kỹ thuật và Bộ Công an sẽ có phương án giải quyết ổn thỏa, bảo đảm thuận lợi cho người dân.