Đề xuất phương án tự chủ mới cho các bệnh viện thí điểm tự chủ toàn diện

NDO - Sau khi Văn phòng Chính phủ có văn bản 7499/VPCP-KGVX ngày 7/11 về việc báo cáo thực hiện thí điểm tự chủ Bệnh viện theo Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ, ngày 8/11, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đã có trao đổi với báo chí về những khó khăn, vướng mắc sau hơn hai năm thực tự chủ toàn diện.
0:00 / 0:00
0:00
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Xuân Cơ, bệnh viện gặp khó khăn cả bốn vấn đề chính của tự chủ toàn diện: tổ chức bộ máy và nhân sự; về đầu tư, mua sắm, quản lý và sử dụng tài sản; về tài chính, tiền lương và giá dịch vụ y tế; về thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.

Đối với tự chủ về tổ chức bộ máy và nhân sự thì theo Nghị quyết số 33/NQ-CP và Quyết định số 268/QĐ-TTg ngày 17/2/2020 phê duyệt đề án thí điểm tự chủ của Bệnh viện Bạch Mai giai đoạn 2020-2021 có những nội dung chưa quy định cụ thể, chi tiết nên khi triển khai bệnh viện đã gặp khó khăn.

Cơ chế hoạt động và cơ cấu tổ chức chậm được hoàn thiện, vẫn chưa có những hướng dẫn cụ thể về hoạt động của hội đồng quản lý và ban kiểm soát dẫn đến sự chồng chéo trong hoạt động chưa phân định rõ vai trò, mối quan hệ giữa ban chấp hành đảng ủy hội đồng quản lý và ban giám đốc bệnh viện.

Theo quyết định 268/QĐ-TTg, Ban Kiểm soát được thành lập và hoạt động như quy định của Luật Doanh nghiệp 2014. Tại Bệnh viện Bạch Mai, thành viên Ban Kiểm soát đều là cán bộ nhân viên của bệnh viện và do Bộ Y tế bổ nhiệm chủ yếu hoạt động kiêm nhiệm, trong 7 thành viên chỉ có một người được đào tạo chuyên ngành về tài chính kế toán, cho nên hoạt động kiểm soát lúng túng không bảo đảm tính khách quan, minh bạch như mục đích mô hình. Thực tế qua hai năm thí điểm tự chủ, vai trò của Ban Kiểm soát rất mờ nhạt, chưa có bất kỳ hoạt động kiểm soát nào đáng kể.

Về tự chủ đầu tư mua sắm quản lý và sử dụng tài sản. Hiện bệnh viện chưa được giao vốn và xác định giá trị tài sản để thực hiện tự chủ, cơ chế hạch toán vẫn theo chế độ kế toán đơn vị sự nghiệp công mà chưa có cơ chế hạch toán như doanh nghiệp.

Cơ sở hạ tầng của bệnh viện đã cũ, lạc hậu có tuổi đời từ 10 đến 100 năm, một số hạng mục không còn khả năng khôi phục sửa chữa cần được đầu tư xây mới, không có nguồn để thực hiện.

Trong hai năm đại dịch Covid-19, đời sống cán bộ nhân viên y tế giảm trầm trọng, bệnh viện đã phải tạm ứng từ nguồn Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp để chi lương thu nhập tăng thêm nhằm ổn định đời sống cán bộ nhân viên. Hiện nay, quỹ này đã âm khoảng 800 tỷ đồng.

Trong hơn 10 năm qua máy móc trang thiết bị của bệnh viện sử dụng chủ yếu qua cơ chế xã hội hóa liên doanh liên kết, máy mượn, máy đặt phụ thuộc hoàn toàn vào việc cung cấp vật tư hóa chất của các doanh nghiệp, đến nay do nhiều đề án liên doanh, liên kết liên quan đến pháp lý nên nhiều máy móc không được sử dụng hoặc đã hết giá trị sử dụng, khiến cho công tác khám bệnh, chữa bệnh gặp rất nhiều khó khăn. Bệnh viện hiện rất thiếu các trang thiết bị thuộc các lĩnh vực: chẩn đoán hình ảnh, y học hạt nhân…

“Một thời bệnh viện tự hào vì có nhiều trang thiết bị hiện đại hàng đầu Đông Nam Á. Nhưng giờ điều đó chỉ còn trong quá khứ”- Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Xuân Cơ bộc bạch.

Người đứng đầu Bệnh viện Bạch Mai khẳng định, thực hiện cơ chế tự chủ thì nguồn tài chính là một trong các yếu tố quyết định hoàn toàn mục tiêu của đề án. Tuy nhiên, về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh là nguồn thu chính lại đang gặp khó khăn rất lớn. Về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế áp dụng theo giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế do Bộ Y tế ban hành, nhưng theo quy định hiện hành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế mới tính 4/7 yếu tố kết cấu giá thành dịch vụ, chưa có chi phí quản lý, khấu hao tài sản, đào tạo và nghiên cứu khoa học…

Về giá dịch vụ theo yêu cầu, Bộ Y tế phải là nơi ban hành khung giá trần dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu tính đủ các yếu tố chi phí cấu thành và có tích lũy. Tuy nhiên, đến nay đã hơn hai năm thí điểm tự chủ, Bộ Y tế vẫn chưa ban hành khung giá trần dịch vụ khám, chữa bệnh theo cầu, cho nên không có cơ sở tham chiếu dẫn đến bệnh viện thực hiện tự chủ nhưng không được tự chủ về giá.

Đáng chú ý, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nguồn thu của bệnh viện đã giảm đáng kể, năm 2020 giảm gần 2.000 tỷ đồng so với năm 2019 và năm 2021 tiếp tục giảm gần 2.000 tỷ so với năm 2020… Dẫn đến thu nhập của cán bộ, viên chức, người lao động giảm nhiều so với những năm trước đây. Một số đơn vị, phần thu nhập tăng thêm giảm 1/3 đến 1/5 so với trước. Hiện thu của nhân viên Bệnh viện Bạch Mai thấp hơn nhiều so với các bệnh tư nhân, đã có bệnh viện tư nhân sẵn sàng chào đón các chuyên gia của Bệnh viện Bạch Mai với mức thu nhập từ 50 đến 200 triệu đồng/ tháng.

Tình trạng chảy máu chất xám tiếp tục diễn ra, khi từ đầu năm đến nay có hơn 100 cán bộ giỏi xin chuyển công tác. Mặc dù ban lãnh đạo bệnh viện động viên ở lại và tuyển cán bộ trẻ, nhưng để có cán bộ giỏi cần hàng chục năm đào tạo. Điều này khiến mục tiêu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong dài hạn khó thực hiện được.

Từ kết quả hơn hai năm thực hiện thí điểm tự chủ toàn diện cũng như nghiên cứu Nghị quyết số 33/NQ-CP và các quy định hiện hành, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Xuân Cơ cho rằng, để tạo điều kiện thuận lợi hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, Bệnh viện Bạch Mai kiến nghị Bộ Y tế trình Chính phủ cho phép bệnh viện thực hiện phương án tự chủ tài chính đối với “đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên giai đoạn 2022-2026”- đơn vị nhóm 2- theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ.