Tạo chuyển biến tích cực trong quản lý thị trường

Những năm qua, nhất là khi được kiện toàn hoạt động theo mô hình ngành dọc, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, song hành cùng hoạt động giao thương ngày càng được mở rộng và phát triển, tình trạng vi phạm trong hoạt động thương mại, nhất là trên môi trường thương mại điện tử còn gia tăng, đặt ra nhiều khó khăn, thách thức đối với công tác quản lý.
0:00 / 0:00
0:00
Lực lượng quản lý thị trường tỉnh Ninh Thuận giám sát hàng hóa phục vụ dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 tại một cửa hàng tạp hóa trên địa bàn. (Ảnh Trần Khoa)
Lực lượng quản lý thị trường tỉnh Ninh Thuận giám sát hàng hóa phục vụ dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 tại một cửa hàng tạp hóa trên địa bàn. (Ảnh Trần Khoa)

Do đó, thời gian tới, lực lượng quản lý thị trường cần thường xuyên nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức của cán bộ, công chức; tăng cường hơn nữa công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng khác nhằm nâng cao hiệu quả đấu tranh, đáp ứng yêu cầu đặt ra trong tình hình mới.

Nhận diện và xử lý nhiều vụ việc, vi phạm

Theo báo cáo của Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương), năm 2023, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra 71.910 vụ việc, phát hiện, xử lý 52.349 vụ vi phạm (tăng 16% so với năm 2022). Trong đó, kiểm tra đột xuất 43.838 vụ; kiểm tra định kỳ 22.094 vụ; thanh tra chuyên ngành 204 vụ, ban hành kết luận 118 vụ; thu nộp ngân sách gần 500 tỷ đồng (tăng 36% so với năm 2022), trị giá tang vật, phương tiện vi phạm bị tịch thu gần 204 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra 170 vụ có dấu hiệu hình sự (tăng 35% so với năm 2022).

Đối với một số thị trường ngành hàng, lĩnh vực do Bộ Công thương quản lý như: Xăng dầu, thương mại điện tử, an toàn thực phẩm, thuốc lá..., trong năm 2023, toàn lực lượng quản lý thị trường đã chú trọng kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, qua đó tập trung đánh giá phân tích, đánh giá nhóm hành vi vi phạm chủ yếu, để phát hiện các vướng mắc bất cập của pháp luật và nghiên cứu các giải pháp, kiến nghị nhằm góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước của ngành công thương. Chú trọng triển khai thực hiện Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (Kế hoạch 888), lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra 29.195 vụ, xử lý 24.709 vụ, thu phạt 252 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm 390 tỷ đồng.

Tổng Cục trưởng Quản lý thị trường Trần Hữu Linh cho biết, lực lượng quản lý thị trường trên cả nước đã tích cực làm tốt công tác quản lý địa bàn, dự báo tình hình, triển khai các hoạt động kiểm tra, kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm; xử lý nghiêm, kiên quyết các hành vi vi phạm pháp luật của các tổ chức, cá nhân nhằm tạo sức răn đe và chuyển biến tích cực trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Hiện nay, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới cơ bản đã được kiểm soát. Những kết quả tích cực này không chỉ có sự phối hợp theo ngành dọc mà còn có sự đóng góp quan trọng của phối hợp ngang giữa các lực lượng chức năng như công an, hải quan, biên phòng và các cơ quan thanh tra chuyên ngành trong công tác xây dựng cơ chế, chính sách và kiểm tra, xử lý vi phạm. Điều này cũng khẳng định vị trí, vai trò của Quản lý thị trường là lực lượng chủ công trong công tác đấu tranh, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Tuy nhiên, Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh cũng đánh giá, các đối tượng buôn lậu liên tục thay đổi, sử dụng phương thức, thủ đoạn mới, tinh vi hơn. Điển hình như không khai báo hoặc khai không đúng với thực tế hàng hóa; che giấu nguồn gốc, tuyến đường của lô hàng; hàng hóa vi phạm được cất giấu tinh vi, giấu lẫn trong hàng hóa không vi phạm, đánh tráo, rút ruột, thẩm lậu đối với hàng hóa quá cảnh; mua bán, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới thông qua sàn giao dịch điện tử và vận chuyển về Việt Nam qua đường chuyển phát nhanh; chủ yếu các mặt hàng như: Thuốc lá ngoại, đường cát, vải, hàng may mặc, rượu, hàng điện tử... Trong thị trường nội địa, tình trạng vận chuyển, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc,… vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, ngày càng khó phát hiện hơn. Đáng chú ý, trong năm 2023, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không bày bán tràn lan như trước đây mà hàng hóa vi phạm sau khi qua biên giới được các đối tượng tập kết tại các kho hàng đặt tại nơi hẻo lánh, ít người qua lại hoặc tại nhà riêng, sau đó lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh.

Không để thị trường có những diễn biến phức tạp

Có thể nói, việc làm tốt công tác quản lý thị trường đã đóng góp vào hiệu quả quản lý nhà nước của ngành công thương, giúp bình ổn thị trường, từng bước lành mạnh hóa môi trường kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Theo Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên, lực lượng quản lý thị trường đã chủ động tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường, xử lý vi phạm, chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử; góp phần bảo vệ và thúc đẩy sản xuất, lưu thông hàng hóa trong nước. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng chỉ ra những hạn chế, yếu kém trong tổ chức và hoạt động của toàn lực lượng cần sớm khắc phục. Trong đó, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ còn khá phổ biến. Số vụ phát hiện và xử lý tuy tăng so với năm trước nhưng so với thực tế vi phạm còn rất nhỏ, chưa phản ánh đúng thực tế tình trạng vi phạm pháp luật diễn ra trên thị trường, kể cả trên môi trường thương mại điện tử và truyền thống. Việc kiểm tra, kiểm soát địa bàn của các tổ, đội, cơ sở chưa thật sự sâu sát; công tác thanh tra, kiểm tra chưa đi vào bản chất; áp dụng chế tài xử phạt không đủ sức răn đe. Mặc dù sự phối hợp giữa lực lượng quản lý thị trường và các lực lượng chức năng khác đã chuyển biến tích cực, có hiệu quả bước đầu, tuy nhiên cần sự trao đổi chân thành, hợp tác chặt chẽ hơn nữa.

Ấn tượng với kết quả công tác của lực lượng quản lý thị trường trong năm vừa qua, tuy nhiên Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) Nguyễn Minh Tuấn cho rằng, công tác phối hợp giữa lực lượng quản lý thị trường và hải quan trong hoạt động kiểm tra, kiểm soát trên thương mại điện tử chỉ đạt khoảng 5%, còn khá khiêm tốn so với thực tế diễn biến của tình hình hiện nay. Do vậy, ông Tuấn đề xuất, thời gian tới hai lực lượng cần đẩy mạnh công tác phối hợp trong điều tra, truy vết, phát hiện và xử lý các vụ việc vi phạm; nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Trước những diễn biến phức tạp của thị trường, cũng như những hạn chế đã được nhận diện, trong năm 2024, lực lượng quản lý thị trường cần tiếp tục bám sát sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Bộ Công thương trong triển khai tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, phải chủ động giám sát, tấn công hàng giả trên môi trường mạng; chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin vào các khâu nghiệp vụ; đẩy mạnh đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, tăng cường kỷ luật, kỷ cương. Cùng với đó, cần thực hiện đồng bộ một số biện pháp để ngăn chặn các đối tượng vận chuyển hàng giả, hàng nhái ngay từ khâu lưu thông, từ đó góp phần ngăn chặn hiệu quả tình trạng kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng lậu; lợi dụng biến động thị trường để tăng giá bán hàng hóa, gây ảnh hưởng đến sự ổn định của thị trường trong nước ■