Theo thống kê, cả nước hiện có khoảng 25.000 doanh nghiệp cơ khí đang hoạt động, chiếm gần 30% tổng số doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo tại Việt Nam. Ðến nay, bằng nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ, ngành cơ khí, máy móc và thiết bị trong nước đã từng bước làm chủ và nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, tạo động lực thúc đẩy các ngành công nghiệp và kinh tế khác phát triển, trực tiếp và gián tiếp tạo việc làm cho hàng triệu lao động.
Số liệu của Tổng Cục thống kê cho thấy, kim ngạch xuất khẩu bốn tháng đầu năm 2024 của nhóm ngành máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác đạt 16,64 tỷ USD, tăng gần 11% so với cùng kỳ năm 2023. Ðối với Thành phố Hồ Chí Minh, kim ngạch xuất khẩu bốn tháng đầu năm 2024 của nhóm ngành máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác ước đạt 912 triệu USD, tăng 40,6% so với cùng kỳ năm 2023.
Các thị trường nhập khẩu sản phẩm cơ khí của Thành phố Hồ Chí Minh cũng như cả nước là Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc, Nhật Bản... Tuy nhiên, ngành cơ khí trong nước mới chỉ đáp ứng khoảng hơn 30% nhu cầu. Hiệu quả đầu tư của toàn ngành còn thấp, chưa thể hiện rõ vai trò nền tảng cho phát triển công nghiệp.
Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Ðầu tư Thành phố Hồ Chí Minh Trần Phú Lữ cho biết: Cơ khí, máy móc và thiết bị là ngành công nghiệp then chốt, là cơ sở, nền tảng, động lực cho sự phát triển công nghiệp của bất cứ quốc gia nào, nhất là với các nước đang trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa như Việt Nam. Với vai trò là đầu tàu kinh tế, Thành phố Hồ Chí Minh luôn tích cực, chủ động tham gia vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Hướng đến mục tiêu phát triển bền vững và tăng sức cạnh tranh cho ngành cơ khí, các chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp cơ khí cần ứng dụng các tiến bộ khoa học-công nghệ vào sản xuất, nhất là thực hiện chuyển đổi kép (chuyển đổi số và chuyển đổi xanh). Việc các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số và chuyển đổi xanh sẽ là chiến lược đột phá trong quy trình sản xuất, kinh doanh. Xu hướng chuyển đổi kép trên thế giới tập trung vào ba trụ cột chính: Tăng cường năng suất và hiệu quả kinh tế một cách bền vững; tăng cường khả năng chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu; giảm hoặc loại bỏ đến mức thấp nhất lượng khí thải nhà kính.
Việc áp dụng chuyển đổi không chỉ là phát triển, ứng dụng công nghệ hướng đến môi trường mà còn thay đổi cả quy trình sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, giảm phát thải, hướng tới kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Theo ông Ðỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp cơ khí-điện Thành phố Hồ Chí Minh (HAMEE), việc chuyển đổi mô hình sản xuất và tăng cường ứng dụng công nghệ số gắn với định hướng sản xuất xanh, xuất khẩu xanh đóng vai trò then chốt trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh và vị thế của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam trên trường quốc tế.
Hiện nay, Hội Doanh nghiệp cơ khí-điện Thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai dự án Made by Vietnam nhằm thúc đẩy công tác quảng bá cho các doanh nghiệp Việt, với các sản phẩm công nghiệp Việt tại thị trường nội địa, cũng như thị trường nước ngoài. Dự án Made by Vietnam sẽ tạo ra hệ sinh thái, hình thành chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị cho các doanh nghiệp Việt Nam, giúp doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Ðể cụ thể hóa dự án Made by Vietnam, từ đầu năm đến nay, Hội Doanh nghiệp cơ khí-điện Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức các đoàn xúc tiến thương mại tham gia các triển lãm chuyên ngành như: Hai đoàn đi Ấn Ðộ tham gia triển lãm ngành điện và kết nối B2B (business to business); một đoàn đi Trung Quốc tham quan các nhà máy sản xuất máy gia công CNC (điều khiển số bằng máy tính); phối hợp Trung tâm Xúc tiến thương mại và Ðầu tư Thành phố Hồ Chí Minh triển lãm các sản phẩm cơ khí tại Lào…
Từ nay đến cuối năm, Hội Doanh nghiệp cơ khí-điện thành phố tiếp tục tổ chức các đoàn xúc tiến thương mại tại nước ngoài. Trong đó, Hội Doanh nghiệp cơ khí-điện thành phố dự kiến khai trương phòng trưng bày sản phẩm Made by Vietnam tại Campuchia với hơn 16 doanh nghiệp tham gia trưng bày.
Ông Trần Phú Lữ cho biết thêm, Thành phố Hồ Chí Minh định hướng tập trung phát triển kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại kinh tế dựa trên nền tảng kinh tế tri thức, ứng dụng khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và năng suất lao động cao. Mục tiêu đến năm 2030, thành phố sẽ trở thành đô thị thông minh, là thành phố dịch vụ-công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, giáo dục, khoa học-công nghệ và có vị thế nổi trội trong khu vực Ðông Nam Á...