Sức sống mới của nghệ thuật múa thành phố

Liên hoan nghệ thuật Múa Thành phố Hồ Chí Minh mở rộng lần thứ 8 vừa kết thúc tốt đẹp với 42 giải được trao cho các tác phẩm, diễn viên xuất sắc nhất. Có thể nói, liên hoan lần này đánh dấu sự trưởng thành của một lớp biên đạo trẻ tài năng của thành phố.
0:00 / 0:00
0:00
Tác phẩm múa “Phận ngọc” đoạt Giải A Liên hoan nghệ thuật Múa Thành phố Hồ Chí Minh mở rộng lần thứ 8.
Tác phẩm múa “Phận ngọc” đoạt Giải A Liên hoan nghệ thuật Múa Thành phố Hồ Chí Minh mở rộng lần thứ 8.

Chính vì thế, dù số lượng tác phẩm tham dự liên hoan không tăng nhưng chất lượng của nhiều tác phẩm được nâng lên rõ rệt, góp phần mang lại sức sống mới cho liên hoan nói riêng và cho nghệ thuật múa thành phố nói chung.

“Phận ngọc” là tác phẩm duy nhất đoạt giải A của liên hoan năm nay qua sự dàn dựng của biên đạo trẻ Hà Thanh Hậu. Tác phẩm cũng mang về giải A cá nhân cho diễn viên Nguyễn Hà Lộc. “Phận ngọc” là nỗi lòng của những nghệ nhân bóng rỗi trăn trở về thân phận, về kiếp người và những áp lực của cuộc sống. Nhưng vượt lên trên tất cả, họ vẫn tiếp tục say mê với nghề, dấn thân rèn luyện để tỏa sáng trong ánh hào quang với loại hình di sản văn hóa phi vật thể này.

“Phận ngọc” đã thuyết phục được Hội đồng ban giám khảo và khán giả để đoạt giải cao nhất, trở thành một trong những tác phẩm gây dấu ấn tại liên hoan múa lần thứ 8. Theo Nghệ sĩ Nhân dân Lê Ngọc Cường, nguyên Cục trưởng Nghệ thuật biểu diễn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, liên hoan năm nay có nhiều tác phẩm chất lượng tốt, đồng đều đã “gây khó” cho Hội đồng giám khảo trong việc chọn ra những tác phẩm xuất sắc nhất để trao giải.

Nghệ sĩ Nhân dân Hà Thế Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa thành phố, Chủ tịch Hội đồng giám khảo liên hoan cho biết, chất lượng của nhiều tác phẩm đem đến cho liên hoan một diện mạo mới. Không gian khán phòng Nhà hát Quân đội nóng dần lên trong từng đêm diễn. Tác phẩm dự thi được sự ủng hộ và đón nhận bằng những tràng pháo tay từ khán giả, công chúng yêu nghệ thuật. Đội ngũ sáng tạo được quy tụ, lực lượng diễn viên tham gia chuyên nghiệp, tác phẩm dự thi đều có chủ đề thiết thực, mầu sắc vùng miền khá rõ nét, bố cục, thiết kế sân khấu, trang phục phù hợp, có sự đầu tư ý tưởng nội dung chặt chẽ, kết cấu bài bám sát chủ đề, bám ý cùng với việc lựa chọn âm nhạc khéo léo đã mang lại nhiều cảm xúc.

Theo Nghệ sĩ Nhân dân Hà Thế Dũng, thể loại múa đương đại vẫn được các tác giả vận dụng nhiều. Ngoài ra, thể loại múa dân gian, dân tộc và truyền thống có số lượng tác phẩm dự thi không nhiều nhưng tiêu biểu và có chọn lọc đầu tư thích đáng. Đặc biệt, liên hoan lần này có nhiều tác phẩm đề cập các đề tài mới, góc nhìn mới, được đầu tư dàn dựng cho thấy rõ nét tính tích cực của đội ngũ biên đạo trẻ ngành múa thành phố hôm nay.

Thông qua ngôn ngữ múa, các biên đạo đã mang đến cho công chúng những câu chuyện về đề tài hậu chiến, về văn hóa đọc, về sự dũng cảm, sự hy sinh của lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy, về những người trẻ sẵn sàng tiên phong trong việc bảo vệ môi trường… “Phương pháp sáng tác, tổ chức tác phẩm, lựa chọn kỹ năng diễn xuất của diễn viên mang tính đột phá, sáng tạo đã hình thành một không gian nghệ thuật ngày càng trở nên hấp dẫn, thu hút người xem”- Nghệ sĩ Nhân dân Hà Thế Dũng cho biết.

Theo đánh giá của Hội đồng giám khảo, liên hoan vẫn còn một vài điểm cần lưu ý. Việc sử dụng âm nhạc của các tác giả nước ngoài, vận dụng đồng thời sự kết hợp một số loại hình nghệ thuật khác nhau trong tác phẩm múa ở thời điểm hiện tại đang rất hữu hiệu. Hơn thế nữa ngôn ngữ múa đương đại đang là một phương tiện cần thiết trong sáng tạo nghệ thuật múa.

Câu hỏi đặt ra là giá trị cốt lõi của nghệ thuật múa nằm ở đâu, việc kế thừa và phát huy giá trị nghệ thuật múa nước nhà, hướng giải quyết những năm tiếp theo sẽ ra sao? Dù chất lượng những tác phẩm múa dân gian, dân tộc trong liên hoan lần này khá tốt, nhưng số lượng tác phẩm múa dân gian, dân tộc tham gia liên hoan vẫn chiếm tỷ lệ nhỏ so với các thể loại múa đương đại. Nên chăng, cần có một liên hoan riêng dành cho múa dân gian, dân tộc để các biên đạo trẻ có cơ hội tìm tòi, sáng tạo những tác phẩm mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc.

“Đồng hành cùng liên hoan là hạnh phúc đối với chúng tôi. Chứng kiến sự thăng hoa mà các bạn mang đến cho công chúng thật tuyệt vời và đáng khâm phục. Tuy nhiên, còn nhiều các nhóm, cá nhân biên đạo chưa đánh giá đúng giá trị thực tiễn của liên hoan cũng như bám sát quy chế, một số tác phẩm chưa có sự đầu tư tương xứng, đội ngũ sáng tạo còn biểu hiện thiếu kỹ năng nghề trong thủ pháp sân khấu, còn thể hiện theo lối mòn, chưa mạnh dạn xóa bỏ suy nghĩ, tính an toàn khi xây dựng tác phẩm”- Nghệ sĩ Nhân dân Hà Thế Dũng, Chủ tịch Hội đồng giám khảo liên hoan cho biết.

Theo ông Lê Nguyên Hiều, Chủ tịch Hội nghệ sĩ Múa thành phố, Liên hoan nghệ thuật Múa Thành phố Hồ Chí Minh là “thương hiệu” của Hội được khẳng định qua nhiều năm. Đây là dịp để các nghệ sĩ múa thành phố hướng đến chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025) và thực hiện việc xây dựng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 11 đã đề ra.

Mục đích, tiêu chí lớn nhất của liên hoan là tạo sự “thăng hoa” trong sáng tạo nghệ thuật của mỗi nghệ sĩ trong các lĩnh vực sáng tác, biên đạo và biểu diễn. Sự sáng tạo trong nghệ thuật sẽ luôn làm cho mỗi kỳ liên hoan thêm sôi động, đa dạng, phong phú và tạo điều kiện cho các nghệ sĩ giao lưu nghề nghiệp, tích lũy kinh nghiệm và kỹ năng trong hoạt động nghệ thuật của mình. Qua liên hoan lần này, một thế hệ biên đạo trẻ của thành phố đã dần định hình, khẳng định tài năng, không chỉ tạo hưng phấn cho khán giả mà còn mang lại sức sống mới cho nghệ thuật múa của thành phố trong thời gian tới.