Quyết liệt thu hồi nợ thuế xuất, nhập khẩu

Công tác thu hồi nợ thuế xuất, nhập khẩu trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh gặp không ít khó khăn do nợ tồn đọng lâu năm, doanh nghiệp chây ỳ, bỏ trốn, tẩu tán tài sản. Ngay từ đầu năm, Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp đôn đốc, tổ chức thu hồi và xử lý nợ thuế, giúp công tác thu hồi nợ thuế có kết quả tích cực.
0:00 / 0:00
0:00
Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh kiểm tra hàng hóa nhập khẩu tại Cảng Cát Lái (thành phố Thủ Ðức).
Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh kiểm tra hàng hóa nhập khẩu tại Cảng Cát Lái (thành phố Thủ Ðức).

Thu hồi nợ cũ, giảm nợ mới phát sinh

Theo thống kê của Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh, tổng số nợ thuế chuyên thu quá hạn của doanh nghiệp tính đến ngày 31/8/2024 là hơn 1.746 tỷ đồng, giảm hơn 175 tỷ đồng so với thời điểm ngày 31/12/2023 (hơn 1.921 tỷ đồng).

Cục Hải quan thành phố đang quản lý gần 4.800 doanh nghiệp nợ thuế. Tuy nhiên, đây chủ yếu là khoản nợ phát sinh trước khi Luật Quản lý thuế 2019 có hiệu lực (chiếm 92% tổng số nợ), một số khoản nợ lâu nhất từ những năm 1993-1994.

Ðiểm sáng của Cục Thuế thành phố là đến ngày 31/8/2024, tổng số nợ chuyên thu quá hạn phát sinh trước năm 2024 được thu hồi, xử lý hơn 187,8 tỷ đồng, đạt 79,96% chỉ tiêu thu hồi nợ được giao năm 2024.

Theo thông tin của Phòng Thuế xuất, nhập khẩu (Cục Hải quan thành phố), tính đến ngày 30/9, nợ thuế phát sinh mới năm 2024 là 12 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,013% so với tổng số thu ngân sách xuất, nhập khẩu 9 tháng năm 2024, ước đạt 92.000 tỷ đồng.

Ðánh giá về công tác kiểm soát nợ mới phát sinh, Phó Trưởng phòng Thuế xuất, nhập khẩu Trương Thanh Xuân cho biết: Nợ thuế mới phát sinh năm 2024 hiện chiếm tỷ lệ 0,013% là không đáng kể so với số thu ngân sách nhà nước trong chín tháng của Cục Hải quan thành phố. Gần đây Cục Hải quan thành phố rất quan tâm nợ mới phát sinh, chủ động lập hồ sơ nợ và thực hiện ngay các biện pháp đôn đốc, cưỡng chế, hạn chế thấp nhất tình trạng doanh nghiệp bỏ trốn, tẩu tán tài sản. Theo báo cáo nợ thuế của Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1, tính đến ngày 30/9/2024, nợ thuế quá hạn của 2.600 doanh nghiệp tại chi cục là 385 tỷ đồng. Trong đó, số nợ có khả năng thu là 17 tỷ đồng của hơn 500 doanh nghiệp, số nợ này phát sinh từ công tác tham vấn giá, thanh tra, kiểm toán phát hiện truy thu. Còn lại là số nợ thuế khó thu của 2.100 doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh, giải thể, phá sản với số nợ 368 tỷ đồng; hầu hết, khoản nợ này phát sinh từ nhiều năm trước.

Phó Chi cục trưởng Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 Tống Lê Dân cho biết: Chi cục đã thực hiện tích cực các biện pháp đôn đốc, cưỡng chế để yêu cầu doanh nghiệp nộp ngân sách theo quy định. Trong tám tháng năm 2024, Chi cục đã gửi 114 văn bản đôn đốc thu hồi nợ: phát hành thông báo nợ thuế, gửi thư mời; 128 lượt văn bản xác minh thông tin doanh nghiệp; ban hành 158 văn bản, quyết định cưỡng chế trích tài khoản/phong tỏa tài khoản, dừng làm thủ tục hải quan, ngừng sử dụng hóa đơn, thu hồi giấy đăng ký kinh doanh, hoãn xuất cảnh. Kết quả, tính đến ngày 30/9/2024, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 đã thu được hơn 10 tỷ đồng nợ khó thu, vượt 13% chỉ tiêu được giao năm 2024 là 8,89 tỷ đồng. Bên cạnh công tác thu hồi nợ thuế, Chi cục còn thực hiện đồng loạt các biện pháp chống thất thu qua giá, mã số theo kế hoạch của Cục. Tính đến ngày 2/10/2024, Chi cục đã thu được hơn 36.400 tỷ đồng, đạt 80,5% so với chỉ tiêu 45.300 tỷ đồng.

Khắc phục khó khăn thu hồi nợ thuế

Theo Cục Hải quan thành phố, nợ thuế còn tồn đọng hiện nay chủ yếu do chính sách ân hạn thuế đối với hàng gia công, sản xuất xuất khẩu, đầu tư trước đây. Một số biện pháp cưỡng chế hiện rất khó thực hiện như: Cưỡng chế bằng biện pháp kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên; cưỡng chế bằng biện pháp thu tiền, tài sản khác của người nộp thuế bị cưỡng chế do bên thứ ba đang giữ; tình trạng doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh khá nhiều. Ngoài ra, điều kiện xóa nợ thuế khó thực hiện khi cơ quan hải quan đã áp dụng nhiều biện pháp nhưng vẫn không thu hồi được nợ, doanh nghiệp đã bỏ trốn mất tích… Tuy nhiên, bằng sự quyết tâm và giải pháp quyết liệt, Hải quan thành phố vẫn thu hồi nợ có kết quả. Ðơn cử, Chi cục Hải quan quản lý hàng đầu tư được Cục Hải quan thành phố giao chỉ tiêu thu hồi nợ đối với những khoản nợ có khả năng thu phát sinh trước năm 2024 là hơn 562 triệu đồng. Ðến nay, đơn vị đã thu hồi và xử lý đạt 100% chỉ tiêu thu hồi và xử lý nợ trong năm 2024. Ngoài ra, đơn vị còn thu hồi được hơn 5,3 tỷ đồng tiền nợ thuế thuộc nhóm nợ khó thu, phát sinh từ những năm 1995, 2003, 2011.

Ông Nguyễn Ðức Giang, Phó Chi cục trưởng Hải quan quản lý hàng đầu tư chia sẻ: Giải pháp khả quan mang lại hiệu quả trong công tác thu hồi nợ đọng là việc áp dụng đồng bộ các giải pháp, từ tuyên truyền pháp luật, hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi tối đa trong thực hiện thủ tục hải quan... để nâng cao tính tự giác tuân thủ thuế trong doanh nghiệp, đến áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật, kết hợp tạm hoãn xuất cảnh đối với người đại diện theo pháp luật của các doanh nghiệp nợ thuế chây ỳ.

Lưu ý về việc tuân thủ pháp luật về thuế, ông Trương Thanh Xuân cho biết: Thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về hải quan không ngừng cải cách, tạo thuận lợi thương mại cho doanh nghiệp. Song song đó, cơ quan hải quan cũng triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý, tăng cường công tác hậu kiểm doanh nghiệp về nghĩa vụ nộp thuế. Do đó, doanh nghiệp có trách nhiệm khai thuế chính xác, trung thực, đầy đủ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về sự xác thực của nội dung đã khai.

"Doanh nghiệp cần nghiên cứu, nắm bắt các quy định trong hoạt động xuất, nhập khẩu, hướng đến việc tự nguyện tuân thủ pháp luật; trong đó có pháp luật về thuế xuất, nhập khẩu. Ðồng thời, chủ động nắm bắt tình hình nợ thuế, theo dõi thông tin tra cứu nợ thuế trên website của Tổng cục Hải quan và thông tin đăng tải Công khai nợ thuế… để tránh những rủi ro pháp lý do nợ thuế", ông Trương Thanh Xuân nhấn mạnh.