Công nghệ số - Động lực tăng trưởng mới của Thành phố Hồ Chí Minh

Tuần lễ Chuyển đổi số Thành phố Hồ Chí Minh năm 2024 chủ đề “Công nghệ số - Động lực tăng trưởng mới của Thành phố Hồ Chí Minh” diễn ra trong hai ngày 22 và 23/10/2024. Đây là một trong những hoạt động điểm nhấn của chuỗi sự kiện hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia (10/10), thu hút sự quan tâm của các đại biểu đến từ các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp và người dân.
0:00 / 0:00
0:00
Khách tham quan tìm hiểu bản đồ 3D giới thiệu các điểm du lịch trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh THẾ ANH)
Khách tham quan tìm hiểu bản đồ 3D giới thiệu các điểm du lịch trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh THẾ ANH)

Trải nghiệm các ứng dụng giải pháp công nghệ mới

Tuần lễ Chuyển đổi số được tổ chức nhằm tăng cường các hoạt động truyền thông, quảng bá, nâng cao nhận thức, khuyến khích sự tham gia chuyển đổi số của người dân, chính quyền và doanh nghiệp. Đồng thời, sự kiện tạo cơ hội kết nối, trao đổi, hợp tác cung cấp sản phẩm, giải pháp công nghệ mới, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) giải quyết các bài toán quan trọng tại các lĩnh vực trọng yếu, phục vụ đời sống, xã hội. Từ đó, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số toàn diện, góp phần phát triển kinh tế số bền vững tại thành phố.

Hoạt động triển lãm trong chuỗi sự kiện lần này giới thiệu các kết quả, sản phẩm và các mô hình, giải pháp công nghệ, ứng dụng dữ liệu, tập trung vào chủ đề trí tuệ nhân tạo để tạo ra giá trị mới phục vụ đẩy mạnh chuyển đổi số Thành phố Hồ Chí Minh. Triển lãm được tổ chức với hơn 50 gian hàng, trưng bày những thành tựu, dịch vụ, nền tảng số từ các sở, ngành, địa phương; khu vực trải nghiệm công nghệ mới các giải pháp, ứng dụng chuyển đổi số trong nhiều lĩnh vực từ các doanh nghiệp công nghệ tiêu biểu của thành phố; khu vực đổi mới sáng tạo với các ý tưởng, sản phẩm công nghệ đổi mới sáng tạo.

Riêng khu vực Thành phố Hồ Chí Minh có sự tham gia của Trung tâm Chuyển đổi số, Công an thành phố, Sở Du lịch, Khu Công nghệ cao, Ủy ban nhân dân các quận Phú Nhuận và Quận 7. Các đơn vị đã trưng bày, giới thiệu những thành tựu, hệ thống, nền tảng số thúc đẩy phát triển chính quyền số, xã hội số, kinh tế số và đô thị thông minh. Khu vực trải nghiệm các công nghệ đổi mới sáng tạo, giải pháp, ứng dụng chuyển đổi số với sự tham gia của hơn 30 tổ chức, doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ tiêu biểu trên địa bàn thành phố.

Đến khu vực triển lãm, khách tham quan được cấp chữ ký số miễn phí, trải nghiệm các ứng dụng thiết thực như cảnh báo kẹt xe, ngập nước. Đối với du khách, các doanh nghiệp lữ hành cũng ứng dụng công nghệ thực tế ảo, thực tế tăng cường, mô hình 3D, 360 độ để tăng trải nghiệm cho du khách…

Ưu tiên đầu tư hạ tầng số tạo không gian phát triển mới

Đồng chí Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Chương trình Chuyển đổi số của Thành phố Hồ Chí Minh xác định mục tiêu đến năm 2025, thành phố thuộc 5 địa phương đứng đầu về Chính phủ điện tử, Kinh tế số chiếm 25% GRDP; đến năm 2030, thành phố sẽ hình thành đầy đủ nền tảng dữ liệu của đô thị thông minh phục vụ phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, dữ liệu được chia sẻ rộng khắp toàn xã hội”.

Qua bốn năm triển khai chương trình chuyển đổi số, Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện đổi mới tư duy và thống nhất nhận thức; phát triển hạ tầng số, phát triển các nền tảng số dùng chung với quy mô toàn thành phố; bảo đảm an toàn thông tin; thúc đẩy phát triển kinh tế số, nhất là trong các ngành kinh tế trọng tâm như: Thương mại điện tử, giao thông vận tải, tài chính ngân hàng, logistics, năng lượng và du lịch. Năm 2025, Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu cơ bản đưa toàn bộ hoạt động hành chính lên các nền tảng số, hướng đến mục tiêu chuyển đổi số toàn diện về chính quyền số; từ đó làm cơ sở để thúc đẩy kinh tế số và xã hội số.

Đồng chí Lâm Đình Thắng cho biết thêm các định hướng lớn trong thời gian tới, đó là phát triển nhanh và bền vững thành phố dựa trên khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh và chuyển đổi số. Chuyển đổi số phải luôn song hành với chuyển đổi xanh, phát triển công nghiệp xanh gắn liền với công nghiệp số. Thành phố ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng số nhằm tạo ra không gian phát triển mới; hạ tầng số phải được ưu tiên đầu tư, hiện đại hóa và đi trước một bước để thúc đẩy chuyển đổi số thành phố, phát triển kinh tế số, xã hội hội số; kiên trì xây dựng và phát triển nền tảng số là hạ tầng mới trên không gian mạng, nhằm giải quyết nhanh các bài toán cụ thể của chuyển đổi số, thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số của toàn thành phố.

Thành phố nhận định, kinh tế số đóng vai trò ngày càng quan trọng, là động lực chính để thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh, bền vững. Thành phố cũng xác định quản trị số dựa trên công nghệ số và dữ liệu số là nền tảng để quản trị trong giai đoạn 2026-2030, bảo đảm phát triển nhanh, bền vững, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý, góp phần quan trọng vào chủ trương hiện đại hóa quản trị quốc gia.

Đồng chí Lâm Đình Thắng nhấn mạnh, thành phố vận dụng tối đa thẩm quyền để xây dựng chính sách cho chuyển đổi số, hoạt động trên môi trường số có tính tiên phong nhằm kiến tạo phát triển kinh tế số và xã hội số, đóng vai trò quyết định trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Về nguồn lực, thành phố sẽ tận dụng các nguồn lực trong và ngoài nước để phát triển nhanh nguồn nhân lực số để thực hiện chuyển đổi số hiệu quả và bền vững.

Thành phố xây dựng chính sách thu hút hiệu quả các nhà đầu tư tham gia các lĩnh vực có tính chiến lược như phát triển hạ tầng số, công nghiệp công nghệ số nhất là công nghiệp bán dẫn; phát triển các khu công nghiệp công nghệ thông tin tập trung, trí tuệ nhân tạo, trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây… Cuối cùng, thành phố phát triển xã hội số, phổ cập kỹ năng số để người dân được tiếp cận kiến thức, trang bị khả năng để tham gia tích cực và thụ hưởng bình đẳng các thành quả trong quá trình chuyển đổi số, chung tay xây dựng một xã hội số bao trùm và toàn diện.